Chuỗi Bách Hóa Xanh đang có hơn 1.700 cửa hàng trên toàn quốc. Ảnh: Liên Phạm. |
Với hơn 1.700 cửa hàng trên cả nước, Bách Hóa Xanh hiện là một trong những chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất tại Việt Nam. Dù vậy, chuỗi bán lẻ của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) lại đang vướng lùm xùm khi một nhà cung cấp của chuỗi tại Đắk Lắk bị xác định sử dụng hóa chất cấm để sản xuất giá đỗ rồi bán cho Bách Hóa Xanh.
Là chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống, chất lượng hàng hóa là yếu tố sống còn của chuỗi này. Thế Giới Di Động - công ty mẹ của Bách Hóa Xanh - cũng khẳng định thông điệp này trong Báo cáo Phát triển Bền vững năm 2023. Lãnh đạo công ty cũng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng hàng hóa tại các cuộc họp với cổ đông và nhà đầu tư.
Quy trình nhập hàng tươi sống thế nào?
"Sẽ xử lý đến cùng nguồn gốc xuất hiện của sản phẩm không đạt chất lượng trong Bách Hóa Xanh", MWG cam kết trong Báo cáo Phát triển Bền vững năm 2023. Doanh nghiệp còn nhấn mạnh không đưa vào tay khách hàng bất kỳ sản phẩm nào mà chính nhân viên của công ty không sẵn sàng sử dụng cho mình.
Để cụ thể hóa cam kết này, MWG cho biết đã xây dựng các tiêu chí nghiêm ngặt để kiểm tra và đánh giá nhà cung cấp ngay từ ban đầu.
Cụ thể, hàng hóa đầu vào được kiểm tra kỹ lưỡng về hồ sơ chất lượng, mẫu mã và tem nhãn, tuân thủ các quy định hiện hành trước khi được đưa vào hệ thống Bách Hóa Xanh.
Ngoài ra, công ty còn áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá ngoại quan sản phẩm và tổ chức kiểm tra định kỳ tất cả hàng hóa thực phẩm để đảm bảo tuân thủ các quy định về chất lượng của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
MWG cũng xây dựng bộ phận Kiểm soát Chất lượng (QC) với nhiệm vụ thường xuyên thực hiện các bài kiểm tra nhanh tại kho, bao gồm việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàn the, formol, kháng sinh... nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt nhất đến tay khách hàng.
Đồng thời, công ty còn hợp tác với các trung tâm kiểm định bên thứ 3 đạt tiêu chuẩn ISO 17025 để kiểm tra sản phẩm định kỳ, đảm bảo tính khách quan trong quy trình đánh giá chất lượng.
Bên cạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn, Bách Hóa Xanh cho biết chuỗi cũng tiên phong đồng hành cùng nhiều sáng kiến phát triển kinh tế bền vững.
Một trong những sáng kiến tiêu biểu là "Thoả thuận trách nhiệm của hệ thống phân phối các nhà bán lẻ tại Việt Nam", được triển khai dưới sự quản lý của Sở Công Thương TP.HCM và nhận được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn.
Theo Bách Hóa Xanh, sáng kiến này nhằm giúp bảo vệ sức khỏe khách hàng và ngăn chặn thực phẩm không an toàn được đưa vào các hệ thống phân phối tại TP.HCM.
Vướng nhiều lùm xùm
Dù có quy trình đánh giá, nhập hàng, hậu kiểm rõ ràng, Bách Hóa Xanh vẫn không ít lần đối mặt với các vấn đề về chất lượng sản phẩm từ nhà cung cấp.
Gần nhất, trong vụ việc cơ quan công an phát hiện các cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất tại Đắk Lắk, trong đó Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo - nhà cung cấp giá đỗ cho Bách Hóa Xanh - thừa nhận đã cung cấp 350-400 kg giá đỗ/ngày cho chuỗi.
Sau khi có thông tin, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngừng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này, đồng thời kiểm nghiệm lại toàn bộ sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.
Theo Bách Hóa Xanh, nhà cung cấp Lâm Đạo chỉ cung cấp giá đỗ cho khu vực Đắk Lắk, chiếm khoảng 2% tổng sản lượng giá đỗ trong toàn chuỗi.
Trước đó, năm 2022, doanh nghiệp cũng từng vướng vào vụ việc rau Trung Quốc đội lốt VietGap. Khi đó, Bách Hóa Xanh thừa nhận ký hợp đồng với nhà cung cấp Đông A - một doanh nghiệp nhập nấm có xuất xứ từ Trung Quốc về xé bỏ bao bì, gắn mác VietGap.
Để khắc phục, Bách Hóa Xanh đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ sản phẩm của nhà cung cấp Đông A, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này giải trình về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và quy trình cung ứng.
Ngoài ra, trong các năm 2019 và 2024, một số cơ sở Bách Hóa Xanh tại các địa phương như Đồng Nai và Đà Lạt cũng bị cơ quan chức năng "tuýt còi" vì không đáp ứng các tiêu chí để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Bên trong một cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP.HCM. Ảnh: Liên Phạm. |
Về hoạt động kinh doanh, tính tới cuối tháng 11 năm nay, Bách Hóa Xanh có 1.735 cửa hàng trên cả nước. Dù chuỗi từng đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trực tiếp vào cuối năm 2019, nhưng phải đến quý II năm nay, chuỗi mới ghi nhận khoản lãi đầu tiên, với con số khiêm tốn 7 tỷ đồng.
Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh, lũy kế 11 tháng năm nay, chuỗi Bách Hóa Xanh đã đạt gần 37.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước nhờ đóng góp của ngành hàng tươi sống và FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh).
Riêng tháng 11, doanh thu Bách Hóa Xanh đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Doanh thu bình quân trong tháng khoảng hơn 2 tỷ đồng/cửa hàng.
Trong buổi họp với nhà đầu tư mới đây, ông Phạm Văn Trọng, Tổng giám đốc Bách Hóa Xanh cho biết chuỗi đang có kế hoạch thăm dò tiếp 1-2 tỉnh thành chưa từng có sự hiện diện trước đây.
Lãnh đạo Bách Hóa Xanh cho biết trong năm 2025, chuỗi dự kiến khai trương 100-200 cửa hàng.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.