Vụ AVG, hàng triệu USD hối lộ và mê cung tài sản quan chức
Minh bạch tài sản quan chức đối với người dân là yêu cầu mấu chốt trong công cuộc chống tham nhũng. Thế nhưng, hầu như không có cơ chế nào như vậy tồn tại ở Việt Nam.
Vụ việc đưa hối lộ được phát hiện. Quan chức nhúng chàm. Dư luận thắc mắc vì sao không có cơ chế phát hiện nguồn tài sản bất minh đó sớm hơn, và làm cách nào để thu hồi số tiền tham nhũng.
Mô thức quen thuộc đó lặp đi lại lại ở nhiều vụ tham nhũng bị phanh phui ở Việt Nam. Đại án AVG chỉ là ví dụ mới nhất.
Tuần rồi, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son là cái tên quan chức cao cấp tiếp theo bị buộc tội lợi dụng chức quyền, tham ô tài sản. Theo kết luận điều tra, ông Son đã nhận hối lộ số tiền 3 triệu USD trong thương vụ MobiFone mua lại công ty AVG.
Khâu kiểm soát tài sản quan chức vẫn còn mơ hồ và lỏng lẻo trong luật.
Động thái này cho thấy chiến dịch chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Thế nhưng, hàng loạt câu hỏi cũng được đặt ra: Xác minh nguồn tài sản của con gái ông Nguyễn Bắc Son có liên quan 3 triệu USD như thế nào? Vì sao mức nhận hối lộ của các quan chức có sự chênh lệch rất lớn? Có cách nào thu hồi số tiền nhận hối lộ?
Những câu hỏi cứ đến hẹn lại lên đó một lần nữa cho thấy: Khâu kiểm soát tài sản quan chức vẫn còn mơ hồ và lỏng lẻo trong luật.
Không công khai tài sản quan chức vì “an ninh”?
Khi nền kinh tế Việt Nam đi lên, cách thức quan chức tích lũy tài sản cũng diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều người mong đợi một hệ thống khai báo bài bản, minh bạch sẽ được xây dựng lên.
Thông thường, sự giám sát của người dân là yếu tố cần thiết để đảm bảo quá trình chống tham nhũng diễn ra minh bạch, đồng thời củng cố niềm tin ở chính công luận.
Thế nhưng, hầu như không có cơ chế nào như vậy tồn tại ở Việt Nam. Kể cả một đề xuất xây dựng cơ chế đó cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các quan chức, với lý do vì “mục đích an ninh”.
Sau tất cả, các bản kê khai tài sản vẫn bị coi là hình thức nếu người dân vẫn chưa thể giám sát.
Minh bạch tài sản quan chức đối với người dân là yêu cầu mấu chốt trong công cuộc chống tham nhũng. Điều này càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh Luật Tiếp cận thông tin đã được thông qua tại Việt Nam.
Vấn đề cần giải quyết ở đây là công khai và cùng lúc bảo đảm quyền riêng tư.
Hệ thống ở Argentina chỉ cho phép truy cập phụ lục công bố về thông tin kê khai tài sản. Còn phần phụ lục cá nhân, trong đó có những thông tin nhạy cảm, cá nhân (như tên ngân hàng hay tổ chức tài chính mở tài khoản, số tài khoản, thông tin về địa điểm bất động sản, bản sao tờ khai thuế) sẽ được niêm phong, trừ khi có lệnh của tòa án phải công bố.
Minh bạch tài sản quan chức đối với người dân là yêu cầu mấu chốt trong công cuộc chống tham nhũng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Hong Kong, Mông Cổ hay Kyrgyzstan đã áp dụng mô hình phân cấp truy cập công khai, trong đó cho phép công chúng truy cập tùy theo cấp bậc của đối tượng kê khai. Công chức có vị trí càng cao thì tài sản càng dễ bị quy định phải công khai.
Công ước Liên Hợp Quốc về Phòng chống Tham nhũng (UNCAC) coi xử lý hành vi làm giàu bất chính là một trong những biện pháp ngăn ngừa, truy tố hành vi tham nhũng và tạo điều kiện để thu hồi tài sản thất thoát.
Tội làm giàu bất chính bị xem là hình thành khi có khác biệt giữa tài sản thực của cá nhân và thu nhập hợp pháp của người đó. Chỉ riêng sự khác biệt này cũng đủ để làm căn cứ tiến hành điều tra hình sự, trong đó quy định bị cáo phải chứng minh rằng tài sản, của cải của mình có được bằng con đường hợp pháp.
Một số nơi đã áp dụng quy định chính thức về khởi tố hình sự đối với tội này như một công cụ chống tham nhũng hữu hiệu. Cũng đã tới lúc Việt Nam cần hình sự hoá hành vi này.
“Trảm" quan chức không phải cái đích cuối cùng
Mặc dù cuộc chiến chống tham nhũng dần đem lại nhiều kết quả khả quan, chính các hành động tham nhũng vặt ở các cấp cơ sở thấp hơn tiếp tục ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, chính phủ.
Tham nhũng vặt xuất hiện ở nhiều nơi và dễ thấy nhất khi người dân tiến hành làm các thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền. Đây cũng là hình thức tham nhũng gây ra nhiều khó chịu và bức xúc nhất cho người dân khi họ trực tiếp chứng kiến và trải qua.
Bên cạnh đó, các phương pháp tinh vi nhằm thực hiện hành động tham nhũng theo hình thức lớn hơn - như chối bỏ tài sản hoặc trốn thuế - ngày càng gia tăng.
Mặt khác, nhà nước tiếp tục xây dựng, củng cố lập pháp để đặt nền tảng cho một môi trường ít tham nhũng hơn. Dự thảo hiện tại của Đảng về chiến lược cán bộ đến năm 2030 vạch ra mục tiêu phát triển “cán bộ cấp chiến lược”.
Hàng loạt quan chức “ngã ngựa” không đem lại “chìa khóa” triệt để nhất bao gồm cơ chế và quy trình để giảm nạn tham nhũng.
Đây là lực lượng nòng cốt - nằm dưới sự quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương - tạo cơ hội cho việc xử lý các quan chức mưu lợi cá nhân từ khi đương chức đương quyền lẫn lúc đã “hạ cánh”.
Một khảo sát tại Việt Nam đã chỉ ra 60% số người được hỏi cho biết họ có lòng tin rằng tình hình chống tham nhũng của quốc gia sẽ được cải thiện. Con số phần nào chứng minh cho sự thành công và kiên quyết của Đảng khi quyết “thẳng tay” dẹp loạn nạn tham nhũng ở tất cả các cấp chính quyền.
Lòng tin của người dân tăng là dấu hiệu đáng khích lệ, song không nên sớm vội mừng hay buông lỏng. Cuộc chiến chống tham nhũng mới đơn thuần ở mức là một mảnh ghép của toàn bộ trò chơi ghép hình. Một chiến dịch không thể là phương án chấm dứt triệt để hoàn toàn nạn tham nhũng.
Việc xử lý một loạt lãnh đạo cấp cao mới chỉ dừng ở mức giải pháp tạm thời cho vấn nạn vốn ăn sâu vào tầng lớp quan chức. Hàng loạt quan chức “ngã ngựa” không đem lại “chìa khóa” triệt để nhất bao gồm cơ chế và quy trình để giảm nạn tham nhũng.
Hơn nữa, các “lỗ hổng” trong luật pháp vẫn tạo đà cho các quan chức tiếp tục “lách luật”, trục lợi cá nhân. Tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện hệ thống luật pháp là điều cần thiết hơn bao giờ hết.