Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

'Mục tiêu kép' thực sự lúc này là gì?

Theo GS Trần Ngọc Anh, “mục tiêu kép” là hạn chế tối thiểu thiệt hại sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đảm bảo các hoạt động kinh tế thiết yếu để chiến đấu lâu dài với dịch bệnh.

'Mục tiêu kép' thực sự lúc này là gì?

Theo GS Trần Ngọc Anh, “mục tiêu kép” là hạn chế tối thiểu thiệt hại sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đảm bảo các hoạt động kinh tế thiết yếu để chiến đấu lâu dài với dịch bệnh.

Trần Ngọc Anh

Học giả quốc tế

Trần Ngọc Anh là giáo sư tại Đại học Indiana Bloomington (Mỹ). Trọng tâm nghiên cứu của ông là quản trị ở các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Á. GS Ngọc Anh từng là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ông nhận bằng tiến sĩ chính sách công tại Đại học Harvard, từng giảng dạy tại Harvard khoảng thời gian 2014-2015.

Nhận thức về “mục tiêu kép” của chúng ta đến hiện nay, ở đợt dịch bùng phát thứ 4 này, không phải theo hướng đổi mới hoàn toàn mà là cần làm rõ để toàn hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước cũng như xã hội, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng và nhất quán lý do lựa chọn của việc đặt ra “mục tiêu kép”.

Đồng thời, từ đó có thể linh hoạt, sáng tạo các biện pháp cho phù hợp với tình hình thực tiễn để đạt mục tiêu. Vấn đề bây giờ là linh hoạt biện pháp chứ không phải linh hoạt mục tiêu.

Nhận thức về “mục tiêu kép”

Có ý kiến cho rằng “mục tiêu kép" là đồng thời cả 2 việc, nhưng bây giờ (như tình hình TP.HCM) không thể có được, chỉ ưu tiên chống dịch hay ưu tiên phát triển kinh tế. Ý kiến này có thể dẫn đến sai lầm trong nhận thức rằng việc chống dịch và phát triển kinh tế là 2 mục tiêu phải đánh đổi, rằng lựa chọn cái này phải tuyệt đối hy sinh cái kia và ngược lại.

Nhận thức này kết hợp với những yếu kém dai dẳng về thực thi và giám sát thực thi chính sách sẽ trở nên rất nguy hiểm và sẽ truyền thông điệp sai tới cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, tạo ra sự hoang mang và không rõ đích đến của công cuộc chống dịch hiện nay.

Các biện pháp chống lại dịch bệnh cần thích ứng phù hợp, đảm bảo sức chống chịu của người dân trong dài hạn.

Trước hết, cần nhắc lại rằng Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã, đang và sẽ luôn luôn tập trung ưu tiên cho chống dịch bảo vệ sức khỏe, bảo vệ tính mạng của nhân dân là trên hết. Đây là chủ trương được áp dụng nhất quán ngay từ khi dịch mới bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 1/2020 đến hôm nay và trong những ngày tới.

Đồng thời, cũng cần khẳng định rằng xã hội loài người tuy sẽ không sống chung với đại dịch - đại dịch chết chóc và bất ổn này sẽ phải kết thúc như các đại dịch bệnh khác đã xảy ra và đã bị con người đánh bại - nhưng loài người sẽ phải sống chung với virus SARS-CoV-2.

Việc virus liên tục biến chủng, ngày một lây lan dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn khiến tỷ lệ dân số nhiễm bệnh (trong đó phần lớn là không triệu chứng) cho thấy sự tiến hoá thông minh của virus, nhưng đồng thời cũng cho thấy rất rõ đây là công cuộc lâu dài, trường kỳ, vì vậy, các biện pháp chống lại dịch bệnh cần thích ứng phù hợp, đảm bảo sức chống chịu của người dân trong dài hạn.

Hiện nay, tính toán từ điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, có khoảng 25% hộ gia đình không có tiết kiệm và nếu họ không có thu nhập do chính sách phong toả, cách ly xã hội toàn diện, đây là diện hộ dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp ngay lập tức khi không có việc làm, không có thu nhập do dịch Covid-19.

Những hộ gia đình này sẽ phải trông chờ vào trợ giúp của Chính phủ. Số lượng hộ gia đình thuộc nhóm này 6,7 triệu hộ tương đương 24,8 triệu người lớn, trẻ em cần được Chính phủ trợ cấp nhu cầu cơ bản thiết yếu hàng ngày.

Đồng thời, 39% trong nhóm 20% hộ nghèo nhất của cả nước có tiết kiệm nhưng mức tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng/hộ/năm, có thể sử dụng để duy trì chi tiêu trong khoảng 3 tháng nếu không có thu nhập và trợ giúp. Năm 2020 và đến nay đã có nhiều đợt giãn cách xã hội khác nhau khiến khoản tiền này đã cạn kiệt. Nhóm này chiếm 2,1 triệu hộ, tương đương 7,8 triệu người.

Tổng cộng, ở thời điểm hiện tại, mỗi khi áp dụng chính sách cách ly xã hội hoàn toàn trên toàn quốc, tổng cộng có khoảng 32,6 triệu người, tương đương 1/3 dân số cần được Chính phủ và xã hội hỗ trợ để tồn tại vì không có nguồn thu nhập và không có tiết kiệm.

SỐ HỘ DÂN PHẢI ĐI THUÊ NHÀ Ở MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG VÀ CẢ NƯỚC
Đơn vị %
NhãnBình DươngTP.HCMBắc NinhHà NộiCả nước


56.532.82715.811.7

Bên cạnh đó, cả nước hiện có 11,7% hộ gia đình đang ở nhà thuê/mượn, đặc biệt tập trung đông tại các đô thị có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương (56,5% hộ gia đình), TP.HCM (32,8% hộ gia đình), Bắc Ninh (27% hộ gia đình), Hà Nội (15,8% hộ gia đình)… Trong khi tỷ lệ ở nhà thuê tại thành thị cao gấp gần 3,5 lần so với nông thôn.

Khi ngừng toàn bộ các hoạt động kinh tế để chống dịch hay ngừng sản xuất ở các khu công nghiệp, đô thị, những hộ gia đình này (3,1 triệu hộ gia đình tương đương 11,6 triệu người) không những cần được chính quyền trợ giúp về nhu yếu phẩm mà còn cần hỗ trợ về chỗ ở hoặc tiền thuê nhà.

Không tập trung vào thành tích tăng trưởng GDP

Việt Nam đã mất 30 năm để tạo ra các kỳ tích về xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. Mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu của Việt Nam đã chứng tỏ thành công cao trong việc giảm nghèo và thúc đẩy an ninh kinh tế.

Việc tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trong khu vực sản xuất theo định hướng xuất khẩu đã tạo ra một nửa số việc làm trong nước. Thu nhập từ tiền lương tăng đã góp phần lớn nhất vào việc giảm nghèo và gia tăng số hộ gia đình an toàn về mặt kinh tế. Thu nhập từ kinh doanh hộ gia đình là khoản đóng góp quan trọng thứ hai đối với an ninh kinh tế, sau tăng trưởng tiền lương.

nhan thuc moi ve muc tieu kep anh 1

Trong điều kiện lưới an sinh xã hội rất hạn chế và tỷ lệ 1/3 dân số không có tiết kiệm và không còn tích lũy sau 1 năm chống dịch, hơn lúc nào hết, việc thực hiện “mục tiêu kép" càng cần được nhận thức cụ thể để thực hiện và duy trì nhất quán trong khi các biện pháp và công cụ sẽ có thể linh hoạt để đạt mục tiêu.

“Mục tiêu kép” cụ thể hóa ra là: Hạn chế tối thiểu thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đảm bảo các hoạt động kinh tế thiết yếu để duy trì năng lực, sức khoẻ chiến đấu lâu dài với virus trong khi chưa đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng.

Hạn chế tối thiểu thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đảm bảo các hoạt động kinh tế thiết yếu khi chưa đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Như vậy, các hoạt động kinh tế để một bộ phận người lao động có việc làm, có thu nhập, đảm bảo sự tồn tại của con người không mâu thuẫn với phòng chống dịch. Những hoạt động kinh tế mâu thuẫn, khó đảm bảo phòng chống dịch như du lịch, kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí... thì chúng ta buộc phải chấp nhận hy sinh.

Cần khẳng định rằng mục tiêu phát triển kinh tế trong “mục tiêu kép" không tập trung vào thành tích tăng trưởng GDP, mà nhằm mục tiêu cho phép các hoạt động kinh tế duy trì cuộc sống thiết yếu, tái tạo sức lao động, tạo việc làm cho một bộ phận lao động mà Nhà nước, xã hội không đủ nguồn lực đảm bảo hết.

Để hai mục tiêu này bổ sung cho nhau thay vì mâu thuẫn đòi hỏi chính quyền biết lựa chọn lúc (nơi) nào cần quyết liệt diệt dịch và lúc (nơi) nào cần tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân có thể hoạt động, duy trì cuộc sống.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân trong chống dịch và đảm bảo hoạt động kinh tế thiết yếu, cũng như cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp buộc phải “ngừng hoạt động” để có thể sống sót trong thời gian áp dụng các biện pháp chống dịch.

“Cùng tìm giải pháp, cùng thực hiện, cùng chia sẻ” với người dân, doanh nghiệp

Chính quyền các địa phương đang ban hành rất nhiều các văn bản chỉ đạo, chỉ thị, yêu cầu với người dân và doanh nghiệp. Đó là điều kiện “cần” nhưng chưa phải là “điều kiện đủ” để đảm bảo hiệu quả chống dịch.

Không chỉ ban hành mệnh lệnh, rất cần các cán bộ trong bộ máy xắn tay “ba cùng” với doanh nghiệp, người lao động, người dân, như “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” ở nhà máy “3 tại chỗ”; là “ba cùng” ở trung tâm cách ly tập trung, ở bệnh viện dã chiến, là “ba cùng” ở khu sinh sống của người lao động thuộc nhóm 1/3 dân số không có tiết kiệm hay dự trữ để tồn tại trong phong toả.

Để phá sản doanh nghiệp, để “đại bàng” cất cánh bay đi, thời gian có thể chỉ tính bằng giờ.

“Ba cùng” để có thể “cùng tìm giải pháp, cùng thực hiện, cùng chia sẻ” với người dân, doanh nghiệp.

Ví dụ, nếu cán bộ chính quyền địa phương chỉ yêu cầu “3 tại chỗ và 1 cung đường, 2 điểm đến” mà không có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện, thì một chủ trương đúng, có thể trở thành sai lầm do thực thi kém.

Thống kê ở TP.HCM đến ngày 18/7 cho thấy hiện chỉ có 0,1% doanh nghiệp của Thành phố còn hoạt động được, trong đó 414/1.412 (29%) doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất có thể duy trì hoạt động với 44.145/274.622 lao động (chiếm 16% tổng số lao động khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố).

SỐ LAO ĐỘNG TRONG KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT CỦA TP.HCM CÒN LÀM VIỆC
Tính đến ngày 18/7
NhãnSố lao động còn làm việcSố lao động tạm thời nghỉ việc


44145230477

Một doanh nghiệp mất trung bình 5 năm để chứng tỏ khả năng không bị đào thải bởi thị trường và khoảng 10 năm để khẳng định vị trí trên thị trường, khoảng 20 năm hay hơn để trở thành những doanh nghiệp trụ cột của quốc gia. Một đất nước mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để thuyết phục các “đại bàng" đứng đầu các chuỗi giá trị toàn cầu về làm tổ.

Nhưng để phá sản doanh nghiệp, để “đại bàng” cất cánh bay đi, thời gian có thể chỉ tính bằng giờ. Vì vậy, “mục tiêu kép” sẽ không trở thành mục tiêu “xung đột” khi mỗi cán bộ, mỗi chính quyền địa phương không chỉ nghĩ ra mệnh lệnh, mà còn tận tâm, tận lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực thi được chỉ thị ban hành. Đây cũng là thước đo năng lực chống dịch của chính quyền địa phương.

Trần Ngọc Anh

Đồ họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm