Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

'Tôi cắt liên lạc với bố vì ông không chịu tiêm vaccine'

Trong thế giới đầy hỗn loạn mà hàng trăm triệu người đang cầu xin vaccine, đất nước chúng tôi đang vứt bỏ hàng nghìn liều mỗi ngày bởi người Mỹ từ chối tiêm vaccine.

Vaccine du o My anh 1

'Tôi cắt liên lạc với bố vì ông không chịu tiêm vaccine'

Trong thế giới đầy hỗn loạn mà hàng trăm triệu người đang cầu xin vaccine, đất nước chúng tôi đang vứt bỏ hàng nghìn liều mỗi ngày bởi người Mỹ từ chối tiêm vaccine.

Vaccine du o My anh 2

C. Martin Beck

Giáo sư

C. Martin Beck từng là một y tá và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Bang Coppin ở Baltimore, Maryland. Bài sau thể hiện quan điểm của tác giả, được viết cho Zing.

Tôi thấy mình như không còn bố vì điều chúng tôi gọi là chủ nghĩa ngoại lệ kiểu Mỹ.

Ông vẫn còn sống, tôi phải nói rõ như vậy. Nhưng mối quan hệ chúng tôi đã thực sự kết thúc.

Giữa đất nước đầy chia rẽ này, tình cảnh của chúng tôi không phải hiếm gặp. Sự giận dữ về kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái có vẻ nguội dần, những ngôi nhà và đường phố đã bắt đầu yên tĩnh trở lại.

Tuy nhiên, sự bất ổn mà cựu Tổng thống Donald Trump khơi mào thì vẫn tiếp tục, khi người Mỹ lại chọn phe trong cuộc chiến dài kỳ hơn: “Người nào trên Trái Đất này quan trọng?”.

Sự đối lập giữa hai phe

Một phe cho rằng mình đúng khi lo lắng cho người khác, những người khác biệt với họ, và cho những người họ cần bảo vệ.

Phe còn lại cũng tự nhận mình đúng khi lo lắng cho chính họ, cho những người cùng chính kiến, và cho cả những người mà họ thấy là cần bảo vệ.

Chủ nghĩa ngoại lệ là niềm tin ăn sâu bám rễ trong lòng nước Mỹ. Người Mỹ chúng tôi luôn tin rằng mình tốt đẹp hơn những người khác. Chúa, vũ trụ, thần linh - tất cả thế lực siêu nhiên phù hộ cho loài người - đã trao tặng người Mỹ sự tự do đặc biệt.

Thậm chí lúc này, giữa mùa hè năm 2021, chúng tôi có thể quyết định liệu mình muốn tin vào sự tồn tại của đại dịch toàn cầu, và liệu rằng chúng tôi muốn tham gia kiểm soát sự lây lan của virus corona hay không.

Trong khi không ít người Mỹ phải chịu đựng cảnh thiếu ăn, nghèo túng hay trải qua sự sợ hãi và mất mát vì đại dịch Covid-19; thì ngược lại, hàng triệu người Mỹ khác vẫn tin rằng thảm cảnh đó sẽ chẳng bao giờ đến.

Những người trải qua nỗi đau vì Covid-19, hay những người phải chứng kiến cảnh người khác trở nên đói khổ hay vĩnh viễn mất bạn bè, gia đình, tin rằng tất cả chúng ta đang trong tình cảnh rất gian nan.

Chúng ta chỉ yên ổn cho đến khi những người khác đều an toàn. Thông thường, sự khác biệt duy nhất giữa những nhóm người này là kênh tin tức họ xem, và cách kênh đó đưa tin theo khoa học hay theo thuyết âm mưu.

Trong thế giới đầy hỗn loạn mà hàng trăm triệu người đang cầu xin vaccine, đất nước này đang vứt bỏ hàng nghìn liều mỗi ngày bởi vì người Mỹ - ở rất nhiều nơi - từ chối tiêm trước khi vaccine hết hạn.

Bố tôi là một trong số đó.

Ảnh hưởng từ các nguồn tin tức

Suốt thời gian đại dịch hoành hành, trong khi chúng tôi tuân theo yêu cầu phong tỏa và giãn cách xã hội từ chính phủ, tôi không có cơ hội đến thăm ông.

Nhưng bây giờ, tôi không biết đến lúc nào tôi có thể gặp lại ông. Tôi, ông và cả những người xung quanh sẽ không an toàn nếu ông không tiêm vaccine.

Bản thân tôi cũng không biết ông sẽ cầm cự được bao lâu để chứng kiến tình cảnh này. Cả tôi và bố đều dành khá nhiều thời gian đọc tin tức suốt đại dịch, dĩ nhiên là từ những nguồn khác nhau.

Thành thật mà nói, tôi tự hào vì đã cởi mở, thay đổi quan điểm về SARS-CoV-2 và mối đe dọa đối với nhân loại từ khi nó được phát hiện. Hàng ngày, tôi cố gắng cập nhật các thông tin về dịch tễ học và khuyến cáo mới nhất về y tế cộng đồng. Tôi là kiểu người Mỹ tin rằng các nguồn tin của mình đáng tin cậy.

Từng là y tá, tôi tin mình đủ tri thức để đọc hiểu các nghiên cứu y khoa đã xuất bản và rút ra kết luận cho mình. Tôi đứng về phía khoa học.

Ngược lại, bố tôi cũng rất tự hào vì ông theo sát tin tức thời sự mỗi đêm, đọc và chia sẻ những bài báo ông thấy trên mạng, và cẩn thận với những lời khuyên ông nhận được.

Ông là kiểu người Mỹ tin rằng Fox News là kênh tin tức duy nhất nói sự thật, kể cả khi họ bị ảnh hưởng vì các nguồn tin tức khác, bởi các tập đoàn lớn và những "người xấu" đảng Dân chủ đang nắm quyền ở Washington, D.C.

Ông là kiểu người Mỹ tự dạy bản thân đủ để hiểu điều gì đang xảy ra trên thế giới, để biết nên tin ai. Nhưng ông lại lựa chọn tin vào những thông tin có vẻ bí mật mà bạn bè chia sẻ trên Facebook về âm mưu của các nhà khoa học và chính phủ.

Ông đọc một bài báo nói rằng hàng trăm người chết vì tiêm vaccine, nên bây giờ ông tuyên bố không bao giờ tiêm phòng. Chưa một ai trong số những người quen của ông chết vì Covid-19.

Là người trung lưu da trắng với lương hưu từ quân đội và chế độ chăm sóc y tế suốt đời dành cho cựu chiến binh, ông không bao giờ phải sợ hãi nghèo đói, bệnh tật, mất mát, hoặc dịch bệnh.

Đối với ông, mối đe dọa từ virus corona không gì hơn là sự phóng đại của báo chí và bộ máy tuyên truyền.

Trong ngôi nhà ngoại ô với bãi cỏ tuyệt đẹp và sân sau rộng lớn, ông có sai không khi giữ chắc chủ nghĩa ngoại lệ kiểu Mỹ, cho dù nó khiến mối quan hệ của ông với con trai đổ vỡ? Đứa con trai mà ông tin nó là nạn nhân của những âm mưu về virus corona?

Rất nhiều người khác không có đặc quyền để lựa chọn như bố tôi.

Hàng triệu người Mỹ đang đau đớn vì mất người họ yêu, mất công việc và những điều mà chúng tôi từng gọi là “bình thường”.

Họ đang đấu tranh từng ngày cho mạng sống của mình, trong khi những người xung quanh giận dữ biểu tình chống lại các lệnh hạn chế, dù đó nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Mỗi người chọn nghe một kênh tin tức riêng, nên cách họ chịu tổn thương cũng rất khác nhau.

Ảnh hưởng của những thuyết âm mưu hoang tưởng

Bạn thân của tôi, một cặp đôi tuyệt vời, thuộc về nhóm người Mỹ được thuyết phục rằng nền giáo dục công miễn phí là công cụ áp bức và tuyên truyền của chính phủ. Vì thế, họ cho bọn trẻ học ở nhà.

Khi một số người bắt đầu tin vào những thuyết âm mưu mang màu sắc hoang tưởng và để nó ảnh hưởng đến trẻ em, thật khó mà bảo họ từ bỏ lòng tin ấy.

Giữa việc giáo dục tại nhà đến việc tin vào các phương pháp y khoa chưa được kiểm nghiệm là khoảng cách rất nhỏ.

Nó giống như tin vào chất lượng thần kỳ của pha lê hay một số loại dầu có chiết xuất thảo mộc có thể chữa lành bệnh tật.

Và như vậy, con đường từ việc tin tưởng vào cách chữa trị chưa được kiểm nghiệm đến việc trở thành người phản đối vaccine cũng rất ngắn.

Tôi tự hỏi khi những người tử tế đó bị mắc kẹt trong chiếc bẫy của thông tin thiếu khoa học và xa rời thực tế, họ có bao giờ thắc mắc tin tức mình tiếp nhận mỗi ngày đáng tin cậy hay không?

Đó là tình cảnh của bạn bè tôi. Họ không phải người da trắng và cũng không có tài chính ổn định, công việc của họ gặp khó khăn suốt thời dịch bệnh, và họ quen những người đã mất người thân vì Covid-19.

Họ không có đặc quyền ngồi trên chiếc máy cắt cỏ trước sân nhà trong khi chờ đợi sự bất tiện của đợt phong tỏa kết thúc.

Họ buộc phải tìm kiếm những nguồn thông tin khác và theo dõi sự lây lan của virus cũng như lắng nghe những cảnh báo về dịch bệnh. Họ lén lút và xấu hổ tiêm vaccine cho bản thân cùng con cái.

Một người vợ kín đáo kể cho tôi bí mật này. Cô ấy cũng kể về cách hàng chục phụ huynh chia sẻ tài liệu và thông tin trợ giúp trong các nhóm chủ trương giáo dục tại nhà.

Họ nói không ngừng về mối đe dọa mà vaccine mang lại cho bọn trẻ, lặp lại những tin tức theo thuyết âm mưu về sự nguy hiểm của khẩu trang và cách ly xã hội.

Cô ấy tâm sự với tôi về cảm giác khiến mọi người thất vọng khi mình tiêm vaccine.

Chủ nghĩa ngoại lệ kiểu Mỹ cho người ta niềm tin rằng họ có thể tránh khỏi những khó khăn mà người khác phải đối mặt. Những bậc cha mẹ da trắng và giàu có tin rằng họ có thể “trốn thoát” việc lây nhiễm, nhưng không phải ai cũng thoát được. Chắc chắn không phải bạn bè tôi.

Khi so sánh hai luồng thông tin với nhau, họ sẽ tin vào điều gì?

Chỉ có những kẻ ngốc mới tin vào khoa học mà không cần bằng chứng, cũng như kỳ vọng rằng sự thật thì không thể sai.

Khoa học thay đổi khi những nghiên cứu mới được công bố. Các kênh tin tức đang mang tiếng về sự phân biệt giữa khoa học xấu và khoa học tốt, để rồi họ đưa tin đến độc giả - những người đang ngày càng bối rối chẳng biết phân biệt tốt xấu là gì.

Sự tự do đi quá?

“Vì sao?” - một số người có thể hỏi như vậy - “Tôi có thể tin vào những gì được nghe, để rồi sau vài tháng lại nghe những điều hoàn toàn khác? Liệu tôi có nên tin một thứ nguy hiểm đang xảy ra khi không có bất cứ người quen nào chịu tổn thất?”.

Đó chính là bố tôi, người đọc tin tức về các vụ phân biệt chủng tộc mà ông chưa bao giờ nghe tới, rồi suy luận rằng đài truyền hình đó sẽ toàn nói dối để thúc đẩy mục đích chính sách riêng.

Đó là bạn bè tôi, những người nghe cộng đồng mạng nói sự thật chẳng là gì so với những điều gia đình họ trải qua. Niềm tự hào của người Mỹ trở nên lung lay khi nhiều người không thể phân biệt giữa khoa học và thuyết âm mưu. Và họ sợ hãi.

Vì thế tôi mất bố vì chủ nghĩa ngoại lệ kiểu Mỹ.

Trong thời kỳ dịch bệnh, tôi không thể gặp ông. Với bệnh lý nền, tôi có nguy cơ tử vong cao nếu mắc Covid-19. Tôi không thể nói chuyện với ông mà không thường kết thúc bằng tranh cãi gay gắt.

"Tại sao người kia lại không chịu tỉnh ngộ khi sa đà vào những âm mưu?" - Mỗi người chúng tôi hỏi bản thân như vậy. Tại sao một số người lại tin rằng họ thật đặc biệt, được phù hộ bởi Chúa, vũ trụ, thần linh?

Điều tồi tệ chưa xảy ra, không có nghĩa là nó sẽ không bao giờ đến.

Người Mỹ chúng tôi được tự do quyết định về chuyện tin hay không đối với sự tồn tại của đại dịch toàn cầu; cũng như việc tin là nó có ảnh hưởng đến tất cả chúng tôi không; hay chúng tôi có tham gia ngăn chặn những cái chết bằng việc đơn giản là tiêm hai mũi và đeo khẩu trang nơi công cộng không?

Chúng tôi được tự do để quyết định ai trên Trái Đất này quan trọng trong khi lọ vaccine hết hạn, chưa được mở, bị từ chối khắp đất nước.

Nhiều khi tôi tự hỏi, có phải chúng tôi có quá nhiều tự do không?

C. Martin Beck

Biên dịch: Mộc Hương
Đồ họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm