Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Hãy làm từ thiện như đi đầu tư thay vì cứu trợ kiểu 'băng bó'

Tại sao chúng ta suy tính, cân nhắc từng chút một và tìm hiểu kỹ càng trước mỗi khoản đầu tư sinh lời, mà không làm tương tự với các khoản đầu tư xã hội.

tu thien chuyen nghiep anh 1

Hãy làm từ thiện như đi đầu tư thay vì cứu trợ kiểu 'băng bó'

Làm từ thiện hay đóng góp cho các hoạt động thúc đẩy cộng đồng cũng là một khoản đầu tư cho chính chúng ta và con cháu, tương tự đầu tư chứng khoán. Và cũng như chơi chứng khoán, việc làm từ thiện cần học hỏi.

tu thien chuyen nghiep anh 2

tu thien chuyen nghiep anh 3

Nguyễn Thị Thanh Trúc

Thành viên Hội đồng quản trị Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN

Chị Thanh Trúc từng có 5 năm làm báo và hơn mười năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phi lợi nhuận. Chị từng là Giám đốc các chương trình tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN, có chuyên môn trong mảng phát triển dựa vào cộng đồng và xây dựng năng lực các tổ chức phi lợi nhuận. Chị có bằng Thạc sĩ về Phát triển tổ chức và Quản lý Thay đổi từ Đại học UCD, Ireland.

Khi khoản tiền từ thiện được gửi về cho các nghệ sĩ không được giải ngân, hoặc giải ngân sai hạn, chúng ta một lần nữa nói về tính chuyên nghiệp trong từ thiện.

Nhưng chuyên nghiệp không dừng lại ở việc người làm từ thiện biết quản lý tài chính và minh bạch để giải trình với các nhà tài trợ. Chuyên nghiệp cũng không phải là yêu cầu dành riêng cho người làm dự án, trong khi những nhà tài trợ, người bỏ tiền đóng góp có thể “nghiệp dư”.

Hiểu cộng đồng trong hoạt động từ thiện

Nếu chúng ta tư duy rằng từ thiện đơn giản là việc mang mì tôm đến cho người dân vùng lũ mỗi đợt lũ về, thì chuyên nghiệp sẽ chỉ dừng ở chỗ người huy động tiền để làm từ thiện giải ngân đầy đủ số tiền họ huy động được, và minh bạch các khoản giải ngân đó.

Nhưng chúng ta quên mất cộng đồng thụ hưởng, quên đặt câu hỏi liệu chúng ta đã chuyên nghiệp hay chưa khi mang sự trợ giúp đến cho họ.

Đối với một người hoặc tổ chức làm các dự án xã hội, chuyên nghiệp còn bao gồm hiểu biết về cộng đồng thụ hưởng (họ mong muốn thay đổi điều gì, họ có thể đóng góp được gì vào tiến trình đó) và kỹ năng làm việc với cộng đồng.

Nó bao gồm kỹ năng quản lý dự án, xây dựng mối quan hệ trong cộng đồng, thúc đẩy nội lực và làm gia tăng sức mạnh của cộng đồng, tất cả những kỹ năng này đều phải học.

Hiện nay có rất nhiều dạng tổ chức cộng đồng khác nhau, từ những tổ chức do chính người trong cộng đồng lập ra (như các tổ chức của cộng đồng LGBTQI+, các tổ chức của người khuyết tật…) hoặc do những người có mối quan tâm đến một vấn đề trong xã hội lập ra (như các tổ chức bảo vệ môi trường, thúc đẩy giáo dục, bảo vệ trẻ em, giúp đỡ bệnh nhân nghèo…).

Nhân viên của các tổ chức này hoặc đã được đào tạo bài bản về công tác xã hội trong trường đại học, hoặc phải thường xuyên tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng làm việc với cộng đồng.

Họ sẽ làm tốt hơn trong việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng, việc của nhà tài trợ là hỗ trợ các tổ chức này về kinh phí, nguồn lực, chứ không phải là làm thay công việc của họ.

Khi triển khai chương trình Rút ngắn Khoảng cách ở LIN, chúng tôi đã làm việc với chương trình Vườn Thuốc Nam ở An Giang, một chương trình của cộng đồng nhằm bảo tồn dược liệu quý và chữa bệnh bằng thuốc Nam cho bà con trong cộng đồng.

Dự án giàn phơi thuốc cho cư dân địa phương mà họ đề xuất tài trợ là ví dụ tiêu biểu về việc cộng đồng cùng tham gia vào dự án: người dân hiến vườn trồng cây thuốc dược liệu, hiến đất để dựng sào phơi thuốc, họ đề xuất quỹ Rút ngắn Khoảng cách một khoản tài trợ để dựng sào phơi thuốc; người dân cùng quản lý, bảo quản giàn phơi.

Thành quả tạo ra sau đó do người dân hưởng. Thuốc được cấp miễn phí, người kê thuốc là lương y trong cộng đồng. Trong trường hợp của Vườn Thuốc Nam, chỉ một chút hỗ trợ từ bên ngoài vào cộng đồng có thể giúp cho giải pháp của cộng đồng đó bền vững hơn, nhưng chính cộng đồng phải được làm chủ, đóng góp những gì có thể từ tài sản, kinh nghiệm của họ.

Đó cũng là dự án mà cộng đồng biết rõ, họ cử người quản lý các khoản đóng góp tài chính và báo cáo kết quả cho nhà tài trợ, và cộng đồng làm nhiệm vụ cùng giám sát. Tính minh bạch của dự án sẽ tỷ lệ thuận với sự tham gia của cộng đồng.

Ngược lại, những dự án được làm với tâm thế cho - nhận và không có tiếng nói của cộng đồng thường không tạo được hiệu quả lâu dài.

Niềm tin cho công tác xã hội

Một số tổ chức đối tác kể về việc người miền xuôi căn cứ vào nhu cầu bản thân để cứu trợ cho người dân tộc thiểu số ở miền núi. Kết quả là sau mỗi đợt từ thiện, quần áo của người miền xuôi không phù hợp với nhu cầu sử dụng bị bỏ chất đống, gây ra thêm chi phí để dọn dẹp số quần áo đó.

Tương tự, ở các nước nghèo, có những dự án xây nhà vệ sinh, hoặc xây máy bơm nước với ý tốt cho người dân địa phương, nhưng không phù hợp với nhu cầu, thói quen sinh hoạt của người bản địa do không có tiếng nói của họ tham gia vào quá trình triển khai dự án, kết quả chúng trở thành những công trình bỏ không, lãng phí nhiều tiền của.

Về phía nhà tài trợ (như những người đã gửi tiền cho các nghệ sĩ), một số vấn đề tôi thường gặp khi làm việc với họ là sự thiếu niềm tin vào các tổ chức cộng đồng, sự khăng khăng yêu cầu chỉ dành tiền tài trợ cho hoạt động trực tiếp của dự án và cuối cùng là sự thiếu kiên nhẫn.

Sự thiếu niềm tin có thể đến từ cách mà báo chí truyền thông về các tổ chức xã hội. Thường khi các tổ chức xã hội được nhắc đến trên báo là khi họ gặp phải “scandal”, chẳng hạn như quỹ từ thiện này biển thủ tiền tài trợ, giám đốc trung tâm bảo trợ trẻ em nọ tuồn sữa tài trợ cho trẻ ra ngoài lúc nửa đêm… Những dự án thành công, tạo tác động tích cực cho xã hội ít khi được viết đến.

Về lâu dài, việc này hình thành trong công chúng suy nghĩ là các tổ chức xã hội không đáng tin cậy, dẫn đến việc họ không muốn hợp tác tài trợ, hoặc nếu có tài trợ thì luôn hoài nghi về sự minh bạch tổ chức nhận tài trợ.

Thứ hai, các “mạnh thường quân” đa số đều có mong muốn toàn bộ số tiền họ đóng góp phải đi trực tiếp vào hoạt động dành cho người thụ hưởng thay vì đóng góp cho một tổ chức xã hội và chấp nhận trích ra một phần trong đó để chi trả cho chi phí vận hành của tổ chức ấy.

Nhưng làm công tác phát triển cộng đồng cũng giống như nỗ lực chữa cháy vậy.

Chúng ta không thể để một người lính cứu hỏa ở trần, tay không chạy vào đám cháy mà dập lửa cứu người. Chúng ta cần anh ta có kỹ năng cứu hỏa, có đồ bảo hộ, có thiết bị chuyên dụng.

Những người làm công tác xã hội, nhân viên của các tổ chức phi lợi nhuận cũng cần kỹ năng, kiến thức, cần thiết bị hỗ trợ, điều kiện làm việc tối ưu để làm tốt việc giải quyết các bất cập trong xã hội, xây dựng sức mạnh cộng đồng và đảm bảo tính minh bạch giải trình với nhà tài trợ.

Cản trở từ tầm nhìn ngắn hạn

Chúng ta không thể có được những tổ chức cộng đồng làm việc hiệu quả, minh bạch nếu chúng ta từ chối tài trợ chi phí vận hành cho họ.

Thứ ba là nhà tài trợ hay thiếu kiên nhẫn và có tầm nhìn ngắn hạn, muốn tìm kiếm những thay đổi nhanh chóng ngay trước mắt, nên họ luôn sẵn lòng tài trợ dự án ngắn hạn, mang tính xoa dịu.

Các dự án cứu trợ khẩn cấp, theo kiểu “băng bó” vết thương, thường dễ huy động tiền tài trợ hơn so với các dự án nhắm đến giải quyết gốc rễ vấn đề.

Tài trợ mua thuốc men, thực phẩm cho người dân ở vùng thiên tai là ngắn hạn, tài trợ tiền để trồng rừng giữ nước, hạn chế sạt lở lũ quét là dài hạn, hoặc tài trợ cho chương trình đào tạo kỹ năng ứng phó thiên tai cho người dân ở nơi thường xuyên có thiên tai là dài hạn.

Nếu chỉ tập trung đổ tiền vào những hoạt động từ thiện mang tính ngắn hạn, các nhà tài trợ sẽ không thể thúc đẩy những sáng kiến, giải pháp lâu dài, vốn đòi hỏi nhiều tiền của và thời gian hơn.

Người Việt Nam khi làm từ thiện thường mang tâm thế “giúp người”, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Nhiều người khi bỏ tiền ra “cho” thường ít bận tâm nghĩ mình được gì.

Đây là tình thần vị tha đáng quý. Tuy nhiên, thực tế môi trường trao tặng và tiếp nhận từ thiện là một hệ sinh thái, mỗi việc ta làm ra đều sẽ ít nhiều tác động trở lại đến ta.

Ví dụ, khi chúng ta đóng góp một số tiền để cải thiện chất lượng sống của một con người trong cộng đồng chúng ta sinh sống, thì khi con người đó an toàn, hạnh phúc, chúng ta sẽ có một cộng đồng an toàn, hạnh phúc. Chúng ta và con cháu chúng ta cũng sẽ được thụ hưởng môi trường sống hạnh phúc và an toàn đó.

Nói cách khác, chúng ta đều là người thụ hưởng nếu các vấn đề của xã hội được cải thiện.

Bỏ tiền vào giải quyết các vấn đề xã hội cũng là một khoản đầu tư, như chúng ta đầu tư tài chính. Tại sao chúng ta suy tính, cân nhắc từng chút một và tìm hiểu kỹ càng trước mỗi khoản đầu tư sinh lời, mà lại không làm tương tự với các khoản đầu tư xã hội.

Chúng ta nên tìm hiểu đâu là những giải pháp hữu hiệu để giải quyết tận gốc rễ vấn đề, học cách đánh giá hiệu quả và tính minh bạch của một tổ chức cộng đồng và hợp tác với họ thay vì đi làm thay phần việc của họ.

Nếu mỗi nhà tài trợ chịu khó tìm hiểu, học hỏi để nâng cao kỹ năng làm từ thiện của chính mình, thì chúng ta sẽ có những khoản đầu tư xã hội thông minh vào đúng nơi, đúng người.

Có lẽ khi đó sẽ hạn chế được những lùm xùm liên quan đến việc uỷ thác tiền tài trợ cho người không phù hợp.

Học làm từ thiện đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng đó là một khoản đầu tư khôn ngoan cho xã hội. Các gợi ý để làm một nhà tài trợ có kế hoạch:

- Xác định lĩnh vực quan tâm nhất (ví dụ bảo vệ môi trường, sinh kế cho người nghèo, tiếp cận giáo dục cho trẻ em…), tìm kiếm các tổ chức phi lợi nhuận đang làm lĩnh vực đó, việc đó sẽ giúp chúng ta đặt ra ưu tiên, không cảm thấy quá tải trước quá nhiều vấn đề cần tài trợ. Dành thời gian tìm hiểu các tổ chức. Việc đọc những bản báo cáo của họ (báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán) là một cách tìm hiểu về năng lực thực hiện chương trình của họ. Nên chọn những tổ chức hoạt động giải quyết gốc rễ vấn đề, thúc đẩy nội lực của cộng đồng thay vì chỉ đưa ra những giải pháp xoa dịu ngắn hạn. Chính quyền địa phương, hoặc các cư dân tại khu vực có thể cho chúng ta thông tin thêm về các dự án đang cần giúp đỡ.

- Khi đã quyết định tài trợ cho tổ chức nào thì tin tưởng vào dự án mình đang tài trợ, chấp nhận tài trợ cho chi phí vận hành, giúp họ tăng trách nhiệm giải trình.

- Nhìn nhận việc tài trợ cho cá dự án là sự hợp tác “win – win”, không phải cho nhận. Coi những người làm dự án là đối tác cân bằng, có đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi trong mối quan hệ hợp tác này.

- Không gây hại cho cộng đồng: cẩn thận để không làm tổn hại nhân phẩm của người mà chúng ta giúp đỡ, không để cho sự giúp đỡ của mình gây ra bất công, chia rẽ giữa các thành viên trong cộng đồng, không làm cho cộng đồng trở nên lệ thuộc vào nguồn tài trợ bên ngoài.

Từ thiện không phải chỗ cho những ngôi sao tay mơ

Công việc từ thiện nên là một nghề nghiêm túc và chuyên nghiệp, được sinh ra để đáp ứng một nhu cầu chia sẻ, cho đi, nhu cầu thấy mình tốt đẹp của con người.

Nguyễn Thị Thanh Trúc

Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm