Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vốn điều lệ VIB sẽ tăng vượt mức 1 tỷ USD

Với kết quả kỷ lục năm ngoái, ngân hàng tư nhân này dự kiến sẽ thưởng cổ phiếu 20% và cổ tức tiền mặt 15%, qua đó tăng vốn điều lệ lên trên 25.000 tỷ đồng.

Sáng ngày 15/3, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Mã: VIB) đã họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Đây là ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trong năm nay.

Một nội dung đáng chú ý tại đại hội là việc xin ý kiến tăng vốn điều lệ lên 25.368 tỷ đồng, tăng 20,36% so với hiện tại. Nếu hoàn tất, VIB sẽ trở thành nhà băng thứ 11 có vốn điều lệ vượt mốc 1 tỷ USD.

Thưởng cổ phiếu 20%

Trong đó, ngân hàng sẽ sử dụng 3.895 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và gần 320 tỷ đồng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ để phát hành hơn 421 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.

VIB cũng sẽ phát hành thêm 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho CBNV từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Cổ phiếu thưởng cho CBNV bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

VIB,  hop co dong,  tang von anh 1

Phương án tăng vốn chi tiết của ngân hàng. Nguồn: VIB.

HĐQT cho biết hiện ngân hàng đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, cần vốn để đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn, phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng.

Với nguồn vốn tăng thêm, ngân hàng dự kiến dùng 4.091 tỷ đồng để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản, 100 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và 100 tỷ đồng đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh.

Sau khi tăng vốn, Commonwealth Bank of Australia (CBA) vẫn là cổ đông lớn của VIB, tỷ lệ sở hữu giảm từ 19,9% xuống còn 19,84%.

Kế hoạch lãi 12.200 tỷ đồng

Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ cho biết VIB đang bước vào giai đoạn tiếp theo của hành trình chuyển đổi chiến lược 2017-2026.

Cụ thể, lợi nhuận đạt mức tăng trưởng bình quân (CAGR) 57% mỗi năm trong suốt giai đoạn 6 năm gần nhất và hiệu quả lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 30%. Lợi nhuận năm ngoái tăng trưởng 32%, đạt mức kỷ lục 10.581 tỷ đồng.

VIB,  hop co dong,  tang von anh 2

Kết quả kinh doanh trong 7 năm gần nhất. Nguồn: VIB.

Lãnh đạo ngân hàng còn khẳng định có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao nhất thị trường với tỷ lệ gần 90% danh mục tín dụng và cũng dẫn đầu thị phần trong các mảng kinh doanh trọng yếu như cho vay mua nhà, mua ôtô, thẻ tín dụng...

Tổng dư nợ tín dụng năm ngoái tăng 14,5% lên 133.920 tỷ đồng và huy động vốn tăng 7% đạt 231.899 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng 1,79%, vẫn nằm trong tỷ lệ cho phép dưới 3%.

HĐQT đề xuất chia cổ tức 2022 với tỷ lệ 35% (bao gồm 20% cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ và 15% cổ tức bằng tiền mặt).

Về kế hoạch kinh doanh, các cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 12.200 tỷ đồng cho năm 2023, tăng hơn 15% so với năm liền trước.

Tổng tài sản dự kiến đạt 428.500, tức tăng thêm 25% trong năm nay. Tổng dư nợ tín dụng đạt 292.500 tỷ đồng và huy động vốn đạt 292.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 26% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 3%.

Cho chiến lược dài hạn, VIB đặt mục tiêu thu hút 10 triệu khách hàng đến năm 2026, lợi nhuận tăng trưởng kép 20-30% cho giai đoạn 2022-2026, từ đó tăng trưởng năng động và bền vững giá trị vốn hóa cho cổ đông.

Cho vay bất động sản thấp

VIB đang là một trong những nhà băng có tỷ trọng trái phiếu trên tổng dư nợ ở nhóm thấp nhất ngành khi chỉ chiếm 0,8% tổng dư nợ.

Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ đánh giá thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp rất khó khăn trong năm 2022 và cả năm 2023. VIB chỉ có dưới 3% trái phiếu và cho vay bất động sản, thấp nhất trong 19 ngân hàng được khảo sát.

Số dư trái phiếu doanh nghiệp cụ thể là 1.800 tỷ đồng và cho vay bất động sản có 3.800 tỷ đồng, trên tổng dư nợ đến 232.000 tỷ đồng. Chưa kể bất động sản chủ yếu là cho vay công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

"Tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm của VIB là 43%. Nếu thị trường bất động sản giảm 30-40% thì chất lượng tài sản đảm bảo vẫn an toàn", ông Vỹ trấn an cổ đông.

Lãnh đạo ngân hàng còn tiết lộ cơ cấu cho vay hiện nay gồm khoảng 210.000 tỷ đồng cho vay bán lẻ, (trong đó 91% là cho vay có tài sản bảo đảm). 9% cho vay tín chấp qua thẻ tín dụng với dư nợ khoảng 16.000 tỷ đồng.

Trong số 210.000 tỷ đồng trên thì cho vay nhà ở chiếm 50%, ôtô 18-19%, căn hộ kinh doanh 17%, sửa chữa nhà hơn 7%… Lãnh đạo VIB khẳng định không cho vay nhà ở tại biển đảo, các dự án đang triển khai, condotel…

Lợi nhuận VIB tăng 15 lần sau 6 năm chuyển đổi chiến lược

VIB sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vào ngày 15/3 sắp tới.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm