Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Với dân tị nạn Syria, 12 năm nội chiến không bằng một trận động đất

Đối với nhiều người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, những gì trận động đất dữ dội hôm 6/2 gây ra còn tồi tệ hơn bất cứ thứ gì họ đã chứng kiến trong suốt 12 năm nội chiến ở quê nhà.

dong dat Tho Nhi Ky anh 1

Cuộc nội chiến ở Syria đã khiến Hind Qayduha phải rời bỏ nhà ở thành phố Aleppo (Syria). Xung đột và thất nghiệp buộc gia đình cô phải di tản hai lần nữa. Hai năm trước, cô đến miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nghĩ rằng cuối cùng bản thân đã tìm thấy sự an toàn và ổn định, theo New York Times.

Nhưng trận động đất dữ dội hôm 6/2 đã phá hủy căn hộ của họ ở thành phố Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ) và gia đình này lại phải di dời. Hai ngày sau, họ phải sống trên sàn một tiệm rửa xe đang được xây dựng dở dang ở Antakya.

Theo chia sẻ của Qayduha, những người họ hàng sống gần cô vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Đối với người Syria, cả những người tị nạn như cô Qayduha và những người vẫn đang sống ở quê nhà, trận động đất hôm 6/2 là thảm họa chồng chất thảm họa.

Đau khổ ở cả hai bên biên giới

Trong 12 năm qua, cuộc sống của người Syria đã bị đảo lộn bởi cuộc nội chiến. Họ hiểu quá rõ cảnh ngộ mất nhà cửa: Những bức tường đổ sập chỉ trong vài giây, người dân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát trong nhiều ngày. Tuy nhiên, những người tị nạn chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ từng nghĩ rằng họ đã bỏ lại những đau khổ đó ở phía sau.

Dẫu vậy, một số người hiện cho biết sự tàn phá do trận động đất này gây ra còn tồi tệ hơn nhiều so với bất cứ điều gì họ từng chứng kiến trong hơn một thập kỷ nội chiến.

Đối với họ, trận động đất chỉ là thảm kịch mới nhất mà cho đến nay nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng. Nói với AP, Yehia Sayed Ali, 25 tuổi, một sinh viên đại học có gia đình chuyển từ Syria đến Antakya sáu năm trước, cho biết: “Đây là thảm họa lớn nhất mà chúng tôi từng thấy và chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều".

Nhiều người tị nạn Syria đã phải sống trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất.

Tính đến ngày 12/2, số người chết được xác nhận trong trận động đất kinh hoàng tại phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria là hơn 33.000 người, Reuters đưa tin.

Lúc đầu, những người tị nạn Syria phần lớn được chào đón ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người Syria đã có những cơ hội khá tốt để tạo dựng cuộc sống và sinh kế mới.

Theo thời gian, họ phải đối mặt với những áp lực ngày càng lớn ở Thổ Nhĩ kỳ, khi nền kinh tế nước này bị suy thoái nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng nhân đạo to lớn do trận động đất gây ra đã khơi lại và làm gia tăng những căng thẳng lâu nay giữa người dân hai nước.

dong dat Tho Nhi Ky anh 2

Gia đình của Hind Qayduha ở Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ) trong một nhà rửa xe được xây dựng dang dở. Ảnh: New York Times.

Cô Qayduha, 37 tuổi, cho biết họ đang cảm thấy bị đe dọa bởi những người Thổ Nhĩ Kỳ, “những người có thể đuổi chúng tôi ra khỏi đất nước”.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người tị nạn Syria không chỉ là sự sợ hãi, đổ lỗi và oán giận. Tại Antakya và các khu vực bị ảnh hưởng khác, một số gia đình Syria cho biết những người Thổ Nhĩ Kỳ đã chia sẻ thức ăn và chỗ ở với họ.

Bên cạnh đó, những người tị nạn Syria khác cho biết đội cứu hộ và cứu trợ do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ điều hành đã không phân biệt đối xử giữa những người khó khăn.

“Ơn Thượng đế, Thổ Nhĩ Kỳ không phân biệt chúng tôi, ngay cả khi một số người dân có ý phân biệt chủng tộc”, Jamal Ezzal Deen, một người Syria 30 tuổi, nói.

Đối với cô Qayduha, cô cho biết nhiều thành viên gia đình mình vẫn còn ở Syria, trong đó có hai chị gái ở tỉnh Idlib và một người cô ở Aleppo - hai trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất.

Tuy nhiên, cô đã không thể liên lạc với họ. Đó là lời nhắc nhở rằng đau khổ là điều mà người dân Syria ở cả hai bên biên giới đều phải gánh chịu.

Không có nơi an toàn để đi

Cô cho biết đây là lần thứ hai cô bị mất nhà và toàn bộ tài sản. Cô Qayduha và gia đình rất muốn rời khỏi tiệm rửa xe, nơi không khí lạnh liên tục tràn vào. Họ muốn tìm nơi trú ẩn tốt hơn trong các lều trại mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã dựng lên.

Tuy nhiên, họ sợ hãi trước những tin đồn rằng họ sẽ không được phép vào vì là người Syria, hoặc các nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ có vũ trang đang săn lùng và tấn công người Syria.

Bên cạnh đó, nhiều người muốn rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ vì nỗi sợ bị tấn công hay bị bài xích: Họ sợ một trận động đất hoặc một thảm họa thiên nhiên khác.

Ban đêm ở tiệm rửa xe, nhiều phụ huynh trú ẩn ở đây đã cho con mặc quần áo và đi giày khi đi ngủ, đề phòng dư chấn khác buộc phải tháo chạy. Đại gia đình của cô Qayduha đã đưa một phần trong số tiền cuối cùng họ có trong tay để đi xa hơn về phía tây, bên ngoài khu vực động đất.

dong dat Tho Nhi Ky anh 3

Những chiếc lều dành cho người di tản ở một công viên tại Antakya. Ảnh: New York Times.

“Hồi còn sống trong xung đột, chúng tôi sẽ chạy trốn đến khu vực khác và chúng tôi sẽ cảm thấy an toàn hơn. Nhưng ở đây, chúng tôi không cảm thấy có nơi nào an toàn để đi”, bà Dalal Masri, mẹ của cô Qayduha, nói.

Bên ngoài tòa nhà chung cư bị sập ở Antakya, một phụ nữ ngoài 50 tuổi cho biết bà từ Tây Bắc Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vài ngày trước trận động đất. Tòa nhà đó là nơi cô con gái đang mang thai chín tháng của bà từng sống cùng gia đình.

Bà liên tục khóc và chăm chú dõi theo lực lượng cứu hộ đang đi dọc theo các cạnh ban công của tòa nhà. Họ thỉnh thoảng gọi với vào bên trong và lắng nghe cẩn thận bất kỳ phản hồi nào, dù yếu ớt.

Khi được hỏi liệu có tiếng nói nào được nghe thấy cho đến nay không, bà lại bắt đầu khóc: “Đã 100 giờ trôi qua rồi”.

Vào ngày 11/2, người mẹ cuối cùng cũng nhận được tin dữ. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của con gái bà và đứa cháu trai 3 tuổi vào lúc nửa đêm.

Người mẹ cho biết bà đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để mong chào đón một đứa cháu khác. Tuy nhiên, thay vào đó, bà sẽ trở về Syria sau khi chôn cất đứa con gái thân yêu của mình.

Cảnh ngộ của di dân Syria

Mục Thế giới giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách "Người nuôi ong thành Aleppo" kể về trải nghiệm di cư đến Anh để thoát khỏi cuộc nội chiến Syria. Bám theo nhân vật Nuri Ibrahim và những khó khăn trên hành trình của anh, “Người nuôi ong thành Aleppo” không chỉ cho thấy tình cảnh không thể chịu nổi của những người dân vô tội, đó đồng thời là những tổn thương, ám ảnh mà họ phải chịu đựng.

>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Cảnh đổ nát ở Syria sau trận động đất hủy diệt Công tác tìm kiếm và cứu hộ trong các tòa nhà đổ sập ở Syria vẫn tiếp tục, sau trận động đất hủy diệt ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 khiến hơn 4.300 người thiệt mạng ở hai quốc gia.

Người giấu tên ở Pakistan góp 30 triệu USD ủng hộ nạn nhân động đất

Một doanh nhân Pakistan sống ở Mỹ đã quyên góp 30 triệu USD hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Người này không công khai danh tính.

Cảnh trái ngược ở hai vùng thảm họa sau trận động đất ngày 6/2

Tại khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở Syria, nhiều người đang tuyệt vọng trước sự hỗ trợ ít ỏi họ nhận được.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm