Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để ngăn chặn đẩy lùi tín dụng đen. Theo đó, cơ quan này cho biết những tháng đầu năm, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép gặp nhiều khó khăn, nhất là hoạt động thu nợ.
Đáng chú ý, hiệp hội cho biết một số khách hàng đã cố tình vin vào những tin tức cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các công ty tài chính trong thời gian gần đây để tẩy chay.
"Họ cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng này là phạm pháp, chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần. Tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp", VNBA dẫn thực trạng.
Thêm vào đó, cơ quan này cho biết gần đây còn xảy ra hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng. Điều này gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính tiêu dùng.
Nợ xấu năm 2022 của các công ty tài chính tăng hơn 23% so với cuối năm 2021. |
Đến 31/12/2022, nợ xấu của các công ty tài chính được NHNN cấp phép tăng hơn 23% so với cuối năm 2021 và tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
"Bên cạnh đó, nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính bị ảnh hưởng tâm lý về việc bị đe dọa ngược từ khách hàng, hoang mang, lo lắng vì nhiều thông tin trái chiều", hiệp hội cho biết.
Việc khách hàng chậm trả nợ cũng khiến cho các công ty tài chính phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế khiến lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp đến người đi vay.
Để đẩy lùi tín dụng đen, VNBA đề xuất NHNN nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng, các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ...
"Tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty tài chính, nhất là việc thu hồi nợ, bán nợ, thuê tư vấn dịch vụ pháp lý… Xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng công ty tài chính và có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho một số công ty tài chính tiêu dùng", hiệp hội kiến nghị.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.