Không thể tiếp cận nguồn vay chính thống, một số người tiêu dùng tại Việt Nam tìm đến các website, app cho vay tiền online. Đây chủ yếu là những nền tảng cho vay tín chấp, có thủ tục làm hồ sơ nhanh chóng, không cần tài sản đảm bảo.
Sau khi vay, nền tảng thường sử dụng thủ đoạn đánh lừa người dùng, bắt thanh toán khoản nợ với lãi suất vượt quá quy định của pháp luật (tối đa 20% với các khoản vay dân sự). Nếu không trả nợ, nhân viên các nền tảng cho vay sẽ gọi điện khủng bố, thậm chí sử dụng nhiều chiêu trò bêu xấu, xúc phạm danh dự người vay.
Sự nở rộ của các app cho vay đã tạo ra trào lưu chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách bùng tiền, quỵt nợ app. Không chỉ thu hút các con nợ không đủ khả năng chi trả, một số người dùng còn coi đây là hình thức kiếm tiền mới.
Kẽ hở của app cho vay
Chỉ cần tìm kiếm một vài từ khóa trên mạng xã hội, người dùng có thể được giới thiệu với trên dưới 30 hội nhóm dạy “vay app, bùng app” với lượng thành viên dao động 5.000-40.000 người. Trung bình một hội nhóm có khoảng 20 bài đăng hỏi kinh nghiệm quỵt nợ mỗi ngày.
“Mọi người ai bùng Ta** (tên app cho vay - PV) rồi cho em xin chút kinh nghiệm với ạ. Em đang nợ hơn 14 triệu đồng rồi”, tài khoản Facebook có tên Kim Dung viết.
Dưới phần bình luận, nhiều thành viên trong hội cho biết việc bùng tiền các app cho vay là bình thường. Cộng đồng này còn sẵn lòng hướng dẫn cách bùng tiền, quỵt nợ các app. “Tôi bùng 23 triệu đồng rồi đây, ngày nào họ cũng gọi. Nhắn tin tôi dạy cho”, tài khoản Long Long nói.
Thậm chí, bên cạnh người vay chọn phương án bùng tiền vì không đủ khả năng trả nợ, nhiều người coi đây là cách kiếm tiền kiểu mới. Họ sẵn sàng đánh đổi những cuộc gọi, tin nhắn khủng bố, ép trả tiền mỗi ngày để thu lợi từ các app cho vay.
Khác với những nền tảng cho vay tiêu dùng chính thống, để vay tiền, hệ thống các website, app cho vay chỉ yêu cầu người vay cung cấp thông tin cơ bản và giấy tờ tùy thân. Trong 10 phút, người dùng đã có thể vay nóng từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng, kỳ hạn tối thiểu 10 ngày.
Hàng loạt chiêu xù nợ app cho vay được người dùng chia sẻ. Ảnh: Minh Khánh. |
Theo Hà Sơn, Quản trị viên một hội nhóm trao đổi kinh nghiệm vay tiền online, quy trình đăng ký, xét duyệt hồ sơ của những app cho vay tương đối sơ sài, xuất hiện nhiều kẽ hở dễ dàng bị người vay khai thác.
“Cách duy nhất để các website, app cho vay tiếp cận người dùng là số điện thoại cá nhân và số điện thoại tham chiếu (dành cho người thân). Khi xác nhận hồ sơ cho vay, một số nền tảng sẽ liên lạc trực tiếp với người vay và số tham chiếu. Do vậy, người vay thường dùng sim rác nếu đã có ý định quỵt nợ từ trước”, Hà Sơn nói.
Không phải app cho vay nào cũng có bước gọi điện xác nhận hồ sơ, Hà Sơn cho biết các nền tảng có quy trình giải ngân nhanh chóng thường được người quỵt nợ săn đón. Phía app cho vay cũng không quan tâm đến tính chính xác của một số thông tin như nghề nghiệp, địa chỉ nhà.
Ban đầu, các nền tảng này thường duyệt những khoản vay giá trị thấp, từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng, thanh toán nợ trong vòng 10-15 ngày. Đối với các “quỵt thủ”, số tiền này không đáng là bao so với những rắc rối họ nhận lại.
Theo Phạm Lan, một thành viên có kinh nghiệm quỵt tiền app cho vay, để nâng hạn cao hạn mức vay, người dùng cần bỏ vốn để “nuôi app”. Theo đó, người dùng cần trải qua 2-3 đợt vay nhằm tạo uy tín với app, miễn sao thanh toán đúng hạn và không mắc lỗi.
Nếu thành công, người dùng sẽ được app giải ngân khoản vay lớn hơn 4-8 triệu đồng.
Mỏ vàng cho tín dụng đen
Cũng theo Hà Sơn, phần lớn app cho vay không áp dụng hệ thống thông tin từ CIC, do đó, người vay có thể “an tâm” quỵt nợ mà không sợ ảnh hưởng đến các khoản vay sau này.
Tuy nhiên, nếu không trả nợ, nền tảng sẽ lợi dụng thông tin người dùng cung cấp để gây áp lực. “Người vay có thể nhận được hàng chục, thậm chí hàng trăm cuộc gọi đòi nợ mỗi ngày. Số điện thoại tham chiếu của người thân cũng là mục tiêu bị khủng bố”, Hà Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, nhờ được cấp quyền truy cập vào danh bạ, lịch sử cuộc gọi, tài khoản mạng xã hội, một số app cho vay có thể gửi thông báo đòi nợ tới người thân, người quen, nơi làm việc, công tác của người vay.
"Do là mô hình tín dụng đen, ngoài việc khủng bố điện thoại, bêu xấu người vay trên mạng xã hội, những app cho vay này không thể làm gì chúng tôi. Sau vài tháng, họ thường bỏ cuộc và không còn làm phiền nữa”, tài khoản tên Lan từng nhiều lần vay qua app cho biết.
Việt Nam có số lượng thuê bao di động cao gấp 1,5 lần dân số. Bất cứ ai cũng có thể tiếp cận với tín dụng đen và ngược lại
TS Nguyễn Trí Hiếu
Trao đổi với Zing, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết nhu cầu cho vay của xã hội rất lớn, đặc biệt sau giai đoạn dịch bệnh hoành hành. Tuy Việt Nam đã có chế tài, nhưng việc làm sao để kiểm soát nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen vẫn là vấn đề nan giải.
“Việt Nam có số lượng thuê bao di động cao gấp 1,5 lần dân số. Bất cứ ai cũng có thể tiếp cận với tín dụng đen và ngược lại. Nhu cầu vay nặng lãi, tín dụng đen càng cao càng gây ra nhiều rủi ro cho xã hội lẫn kinh tế”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, bên cạnh chế tài riêng về vấn đề cho vay nặng lãi ban hành trong luật dân sự, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra mức trần lãi suất không quá 20%/năm với các khoản vay này. Đây cũng là căn cứ để xử phạt các tổ chức tài chính, công ty cho vay với lãi suất cắt cổ.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn quảng bá, siết chặt quy mô hoạt động của tín dụng đen còn giới hạn, trước nhu cầu vay tiêu dùng lớn, hàng loạt nền tảng tín dụng đen đang dần thay đổi, biến tướng, ẩn dưới nhiều hình thức khác nhau để mời gọi người dân.
Theo ông Hiếu, bên cạnh vai trò quản lý của Nhà nước, việc cảnh báo, giáo dục người dân trên các kênh thông tin rất quan trọng. Ông cũng cho rằng Việt Nam cần bắt đầu nghiên cứu, xây dựng hệ thống chương trình giáo dục tài chính đại trà và áp dụng trong các trường học, công sở.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...