Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc lao đao vì khủng hoảng điện

Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện do thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu sử dụng tăng đột biến và các chính sách hạn chế năng lượng từ than đá.

Theo CNN, tình trạng thiếu hụt năng lượng kéo dài trong nhiều tháng đang khiến quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng như thương mại toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

Quảng Đông - trung tâm sản xuất chiếm 1.700 tỷ USD, tương đương hơn 10% sản lượng kinh tế hàng năm của Trung Quốc và đóng góp không nhỏ vào xuất khẩu - đang chịu cảnh cắt điện luân phiên từng khu vực suốt tháng qua.

Thậm chí, sự thiếu hụt năng lượng buộc một số công ty phải đóng cửa vài ngày/tuần. Theo cảnh báo của chính quyền địa phương, việc cắt điện luân phiên trên toàn tỉnh có thể kéo dài đến cuối năm 2021.

Ngoài Quảng Đông, ít nhất 9 tỉnh gồm Vân Nam, Quảng Tây, trung tâm sản xuất Chiết Giang gặp vấn đề tương tự. Đến nay, chính quyền các địa phương đang giới hạn cung ứng điện trên một khu vực có tổng diện tích bằng Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản cộng lại.

Kinh te the gioi anh huong neu Trung Quoc thieu dien anh 1

Trung Quốc muốn hoàn tất mục tiêu trở thành nước trung hòa carbon vào năm 2060. Ảnh: CNN.

Sản lượng, tốc độ tăng trưởng giảm vì thiếu điện

Ngày 30/6, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thừa nhận cuộc khủng hoảng điện đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của các nhà máy trong tháng 6.

Đây là tình trạng thiếu hụt điện tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ năm 2011, khi hạn hán và giá than tăng cao khiến 17 tỉnh và khu vực hạn chế sử dụng điện. Tuy nhiên, các nhà máy điện không thể sản xuất thêm khi giá than đắt và bị Bắc Kinh kiểm soát chi phí.

Là quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang vật lộn để trở thành nước trung hòa khí thải carbon vào năm 2016. Theo Yao Pei, nhà phân tích của công ty môi giới chứng khoán Soochow Securities, dù nhu cầu ngày một tăng, các mỏ than Trung Quốc vẫn bị giới hạn về sản lượng, khiến giá than cao hơn.

Tình trạng thiếu hụt điện có thể giảm sản lượng trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm ngành xây dựng và sản xuất then chốt. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các doanh nghiệp này chiếm 70% lượng điện của Trung Quốc vào năm 2020 và là động lực chính cho sự phục hồi vào năm 2021.

Kinh te the gioi anh huong neu Trung Quoc thieu dien anh 2

Tình trạng cắt điện luân phiên xảy ra ở nhiều tỉnh tại Trung Quốc. Ảnh: AFP.

“Việc cắt điện luân phiên chắc chắn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế”, Yan Qin, nhà phân tích carbon hàng đầu của Refinitiv, cho biết.

Chengde New Material, một trong những nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất Trung Quốc có trụ sở tại Quảng Đông, thông báo sẽ tạm ngừng hoạt động 2 ngày/tuần cho đến khi nguồn cung ứng điện trở về bình thường. Dự kiến, khối lượng sản xuất của công ty sẽ giảm 20%, tương đương 10.000 tấn thép/tháng.

“Các công ty không hài lòng về điều này”, Klaus Zenkel - Chủ tịch Phòng Thương mại EU ở miền nam Trung Quốc - nói. Ông cho biết có tới 80 công ty thành viên của hội chịu ảnh hưởng bởi tình trạng đình trệ sản xuất. Một số công ty thậm chí thuê máy phát điện chạy dầu diesel để duy trì hoạt động.

Việc cắt điện luân phiên chắc chắn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc

Nhà phân tích Yan Qin của Refinitiv

Dữ liệu của chính phủ và báo cáo nghiên cứu độc lập cho thấy việc phân bổ điện tại đầu tàu sản xuất kim loại Vân Nam đã khiến nguồn cung một số kim loại như nhôm, thiếc thiếu hụt.

Việc cắt giảm sản lượng có thể ảnh hưởng tới thời hạn giao hàng cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Riêng Quảng Đông là trung tâm sản xuất chiếm ¼ tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc, bao gồm quần áo, đồ chơi và đồ điện tử.

“Tình trạng thiếu điện có thể gia tăng sự chậm trễ vận chuyển toàn cầu”, Henning Gloystein - Giám đốc năng lượng, khí hậu, tài nguyên của Eurasia Group - nhận xét. Việc tồn đọng hàng hóa có thể mất nhiều tháng để giải quyết và để lại hệ lụy cho mùa mua sắm cuối năm.

“Tình trạng thiếu điện có thể xáo trộn lịch trình làm việc của các nhà sản xuất địa phương, thách thức thời gian giao hàng và phần còn lại của chuỗi cung ứng”, Lara Dong, Giám đốc cấp cao về năng lượng và năng lượng tái tạo tại IHS Markit, nói.

Áp lực từ khí hậu, căng thẳng thương mại

Thời tiết nắng nóng bất thường tại một số khu vực ở Trung Quốc khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Ngoài ra, tình trạng hạn hán đang khiến một số nguồn năng lượng như thủy điện bị hạn chế.

Theo Lauri Myllyvirta, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, kế hoạch phục hồi kinh tế khiến Trung Quốc xả thải lượng lớn carbon ra môi trường.

Theo công ty vận hành lưới điện China Southern Power Grid, lượng tiêu thụ điện ở Nam Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2021 tăng 21% so với cùng kỳ 2019. Điện than hiện chiếm khoảng 60% nguồn điện của Trung Quốc và có thể tăng cao hơn.

Trước tham vọng trở thành nước trung hòa carbon vòa năm 2060, sự hạn chế trong việc sử dụng điện than đang khiến nền kinh tế Trung Quốc khát năng lượng. Trung Quốc cũng đang vật lộn để tăng nguồn cung ở nước ngoài. Theo Gloystein, giá than đã tăng gấp đôi trong năm 2020.

Kinh te the gioi anh huong neu Trung Quoc thieu dien anh 3

Giá than tăng cao khiến nhiều nhà máy điện hạn chế sản lượng. Ảnh: Wang Kai.

Ngoài ra, sự căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia đang khiến tình hình nghiêm trọng hơn. Năm 2019, khoảng 60% lượng than nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Australia. Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh đã áp đặt các rào cản thương mại đối với than đá Australia khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid-19.

Để bù đắp thâm hụt, Trung Quốc nhập khẩu thêm than từ Indonesia và Nam Phi nhưng chưa thể lấp đầy khoảng trống mà Australia để lại. Tình trạng thiếu điện có thể diễn ra ít nhất vài tháng tới.

Theo Qin, nếu thời tiết nắng nóng hơn bình thường, tình trạng phân bổ điện năng giữa miền nam và miền trung Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn. Chính phủ Trung Quốc có thể cân nhắc các giải pháp như gỡ bỏ rào cản đối với mặt hàng than của Australia hoặc khởi động lại các nhà máy điện phải đóng cửa trước đó để hạn chế ô nhiễm.

“Nguồn điện của Trung Quốc vừa đối mặt với nhu cầu lớn, vừa phải đáp ứng tới mục tiêu trung hòa carbon”, Qin cho rằng các nguồn năng lượng tái tạo do Trung Quốc phát triển vẫn chưa thể ổn định như năng lượng hóa thạch.

Vì sao nhà đầu tư Việt vẫn bị sàn Forex lừa?

Bằng cách tung ra nhiều sản phẩm tài chính mập mờ, các sàn Forex lừa đảo vẫn đang thu hút lượng lớn nhà đầu tư Việt Nam.

Ngọc Phương Linh

Bạn có thể quan tâm