Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần hết vụ vải thiều, nông dân Bắc Giang ước thu hơn 6.700 tỷ đồng

Doanh thu từ vải thiều ước tính đạt 4.214 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ phụ trợ (như thùng xốp, đá cây...) ước đạt 2.511 tỷ đồng.

Sau hơn một tháng tiêu thụ, thống kê của Sở Công Thương Bắc Giang cho thấy doanh thu ước tính từ vải thiều và dịch vụ phụ trợ tính đến nay đạt 6.727 tỷ đồng (bằng 98,5% năm ngoái), kết thúc vụ dự kiến doanh thu trên 6.800 tỷ đồng.

Đến 30/6, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được trên 212.876 tấn vải thiều, đạt 118,3% kế hoạch. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 138.619 tấn, chiếm 65,1%; xuất khẩu 74.257 tấn, chiếm 34,9%.

Giá bán vải tươi duy trì ở mức dao động từ 12.000-26.000 đồng/kg; giá vải sấy khô 40.000-55.000 đồng/kg.

Theo kế hoạch và căn cứ tình hình sản xuất thực tế, khoảng một tuần nữa nông dân trong tỉnh sẽ cơ bản thu hoạch xong vải thiều, sớm hơn dự kiến khoảng 10 ngày.

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang tại thời điểm trước và trong vụ tiêu thụ vải thiều, nhưng việc thu hoạch và tiêu thụ đã diễn ra thuận lợi.

Bac Giang uoc thu hon 6.700 ty dong tu vai thieu anh 1

Xuất khẩu đường bộ thuận lợi, mở rộng thị trường phía Nam, đổi mới kênh bán hàng đã giúp Bắc Giang tiêu thụ gần 90% tổng sản lượng vải thiều. Ảnh: Lê Hiếu.

Theo đó, đây là năm đầu tiên thị trường tiêu thụ nội địa có sản lượng vải thiều lớn nhất. Không chỉ trong nước, vải thiều còn được xuất khẩu thuận lợi theo đường chính ngạch, được người tiêu dùng Nhật Bản, Australia, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Cộng hòa Czech, Đức... đón nhận.

Ngoài ra, vải thiều cũng được xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc (hơn 66.000 tấn), Campuchia, Thái Lan và một số nước Đông Nam Á với số lượng hàng chục nghìn tấn.

Từ đầu vụ năm nay, Bắc Giang xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ và liên tục thay đổi kịch bản theo tuần, tùy theo diễn biến của dịch. Ngoài ra, Bắc Giang cũng chủ động thay đổi chiến lược, chuyển hướng tiêu thụ 60% nội địa và 40% xuất khẩu, thay vì tỷ lệ ngược lại như mọi năm.

Thị trường trong nước cũng được tính toán lại, ngoài TP.HCM còn được mở rộng thêm các tỉnh Tây Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, thay vì chú trọng Hà Nội, các tỉnh miền Bắc như những năm trước.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương cùng người dân tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Bằng các làm này, đến nay toàn tỉnh tiêu thụ hơn 5,2 nghìn tấn vải thiều qua 7 sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế cùng nhiều kênh bán hàng online.

Trước đó vào đầu tháng 6, Bắc Giang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các hãng hàng không trong nước hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh phân phối vải thiều từ Bắc Giang vào các tỉnh phía Nam với mức giá ưu đãi trong thời gian thu hoạch chính vụ.

Theo ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đạt được kết quả tiêu thụ vải hiện nay ngoài sự nỗ lực của Bắc Giang, "còn là sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ ngành, tỉnh thành và sự ủng hộ tích cực của người dân cả nước".

Bắc Giang đã tiêu thụ được gần 200.000 tấn vải thiều

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều tại Bắc Giang vẫn diễn ra thuận lợi. Hiện, tỉnh đã tiêu thụ được gần 95% tổng sản lượng vải thiều.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm