Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VNA và bài toán hơn 1.100 tỷ trả lương cho 600 phi công

Kế hoạch tăng lương gấp đôi cho phi công của Vietnam Airlines có dễ thực thi khi mà theo kịch bản, số tiền cần chi lên đến hơn 1.100 tỷ - gấp hơn 13 lần so với lãi nửa năm 2014?

Phi công và cán bộ kỹ thuật cao của Vietnam Airlines lãn công bằng cách "cáo ốm hàng loạt", nộp đơn xin nghỉ việc đã châm ngòi cho những thông tin trái chiều về chế độ lương, đãi ngộ của một trong những nghề nghiệp có thu nhập cao bậc nhất hiện nay ở Việt Nam. Trong khi hãng hàng không quốc gia cho rằng, mức lương dành cho lao động nội địa là khá tương xứng, và đang trong lộ trình tăng để bắt kịp với mức đang trả cho phi công nước ngoài, thì nhiều người lao động, chuyên gia cho rằng, cơ chế trả công của Vietnam Airlines đang tồn tại nhiều bất cập, cùng với những lý do nằm ngoài bảng lương mà hãng không đề cập đến.

Theo phản ánh của các phi công Vietnam Airlines, mức lương 74,8 triệu đồng mà hãng trả hiện quá thấp so với mặt bằng chung của nghề ở ngay tại thị trường nội địa và khu vực. Thậm chí, một phi công từng làm việc tại hãng bay này còn khẳng định, con số 80 triệu đồng mà hãng hàng không quốc gia trả chưa bằng một nửa so với các hãng bay khác, dù lịch khai thác bay của Vietnam Airlines không hề thua kém.

Theo kế hoạch tăng lương của Vietnam Airlines, chi phí lương hàng năm của hãng có thể lên tới hơn 1.100 tỷ đồng, gấp tới 14 lần lợi nhuận trong nửa đầu năm 2014. Ảnh: Vietnam Airlines.

Một phi công từng có 10 năm làm việc tại Vietnam Airlines, được đào tạo theo chương trình tập huấn của hãng, nhưng đã chuyển sang công ty khác cho biết, mức đầu tư đào tạo của Vietnam Airlines trong hợp đồng "có lẽ không vượt qua con số 2 tỷ đồng".

"Đúng là cơ chế tại Vietnam Airlines không thể giống như một hãng hàng không tư nhân trong nước hay nước ngoài, bởi còn phụ thuộc vào các quy định về lương. Nhưng điều này đã trở thành rào cản cạnh tranh của Vietnam Airlines với các hãng bay khác. Tất nhiên, không phải ai ra đi cũng vì chênh lệch bảng lương, mà cái chính là sự chênh lệch với những đồng nghiệp nước ngoài ngay cùng đơn vị. Con số chênh lệch từ 5.000 USD đến 8.000 USD là điều không bình thường", phi công này chia sẻ.

Không tiết lộ mức lương trung bình trả cho phi công và tiếp viên, nhưng VietjetAir - hãng hàng không bị cho là đang cạnh tranh với Vietnam Airlines - khẳng định, hãng hiện trả lương "theo một mức công bằng" cho phi công nội địa và ngoại quốc. "Phi hành đoàn của hãng gồm các phi công đến từ 22 quốc gia. Mặc dù mức lương vẫn dựa chủ yếu trên sự thỏa thuận giữa người lao động và hãng bay, nhưng nó vẫn phải đáp ứng được mức trung bình chung trên thế giới. Tất nhiên là có sự khác biệt giữa thâm niên công tác, kinh nghiệm, loại máy bay, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo công bằng. Bởi người lao động có quyền được lựa chọn nơi làm việc phù hợp, với mức lương thưởng xứng đáng", một đại diện hãng hàng không này nói.

Hiện trong ngành hàng không, ngoài Vietnam Airlines, hai hãng hàng không khác là Jetstar Pacific và Vietjet Air cũng đang duy trì lịch khai thác bay. Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn của các hãng bay giá rẻ, thị phần của Vietnam Airlines dần eo hẹp. Bằng chứng là từ chỗ chiếm tới 80% thị phần trong nước thì đến cuối năm 2014, Vietnam Airlines chỉ còn nắm khoảng 56%. Thị phần thu hẹp, khấu hao lớn... nhưng với lịch khai thác bay dày đặc và số lượng đường bay áp đảo, Vietnam Airlines vẫn phải gánh chi phí nhân sự khá lớn (chiếm 7-8% tổng chi năm), khiến lợi nhuận của hãng hàng không được định giá tới hàng tỷ USD này chỉ đạt mức khiêm tốn vài chục tỷ đồng, thậm chí có lúc còn dự kiến lỗ.

Theo chia sẻ của đại diện một hãng hàng không giá rẻ, hiện đội bay của hãng có khoảng 300 phi công và 500 tiếp viên, trong đó, phi công người Việt chiếm khoảng 5-10%. Tuy nhiên, hãng này mới chỉ bắt đầu kỳ tuyển dụng học viên phi công được một khóa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong một thời gian dài, hãng đã tuyển dụng phi công trong nước mà không phải nhân sự tự đào tạo.

"Đó là quy luật cung cầu và cạnh tranh lành mạnh", một chuyên gia về hàng không cho hay. "Thị trường hàng không ngày nay đã khác với thời điểm cách đây 10 năm trước, khi phần lớn thị phần rơi vào tay chỉ một nhà khai thác, và nguồn nhân sự chỉ do một hãng bay duy nhất cung cấp, sử dụng. Việc một hãng hàng không ký hợp đồng với người lao động, trong đó có những điều khoản ràng buộc là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi hợp đồng này bị đơn phương chấm dứt ở bất cứ phía nào, thì chỉ có thể áp dụng một mức phạt, chứ không thể cấm người lao động không được di chuyển giữa các hãng trong ngành", vị này chia sẻ.

Trong cuộc họp báo mới đây, Vietnam Airlines đã đưa ra lộ trình tăng lương cho người lao động, trong đó có phi công, với mức trung bình khoảng 160 triệu đồng/người vào tháng 7/2015. Đây có vẻ là một kế hoạch tham vọng, bởi theo kịch bản kinh doanh tốt nhất mà công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) - tổ chức tư vấn IPO của Vietnam Airlines đưa ra, doanh thu của hãng bay này sẽ đạt trên 57.300 tỷ đồng năm 2014, và tăng lên gần 106.000 tỷ đồng vào năm 2018 (bằng 1,8 lần con số năm 2014).

Lãi dự kiến của Vietnam Airlines theo kế hoạch này chỉ đạt 269 tỷ đồng năm 2014 và tăng lên 2.990 tỷ đồng vào năm 2018. Trong khi đó, thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2014, Vietnam Airlines chỉ lãi hơn 80 tỷ đồng. Nếu tiếp tục thực hiện theo lộ trình tăng lương này, hãng sẽ phải bỏ ra khoảng 1.100 tỷ đồng/năm (vào 2015) chỉ dành để chi lương cho đội ngũ 600 phi công đang làm việc.

VNA: Tháng 7/2015, mức lương cơ trưởng sẽ là 177 triệu đồng

Lãnh đạo Vietnam Airline cho biết, theo lộ trình, đến tháng 7/2015, mức lương cho vị trí cơ trưởng sẽ dao động từ 158,8 đến 177 triệu/tháng so với mức bình quân 12 triệu đồng.

T.A

Bạn có thể quan tâm