Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lại nóng an toàn thực phẩm cuối năm

Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa của người dân Thủ đô Hà Nội tăng cao. Là cơ hội cho "điểm đen" mất an toàn vệ sinh thực phẩm hoành hành.

Bài toán khó giải

Theo thói quen mua sắm của đa số người Việt thì việc tiêu dùng vẫn chủ yếu ở các chợ, do vậy chợ là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến người dân phải sử dụng thực phẩm bẩn.

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song hiện nay trên thị trường các mặt hàng phục vụ Tết đã tràn ngập. Các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo tại làng nghề truyền thống như Xuân Đỉnh - Từ Liêm, La Phù, Dương Liễu - Hoài Đức... cũng đang khẩn trương bước vào vụ sản xuất để kịp cung cấp hàng cho dịp Tết. Hàng hóa nhiều, mẫu mã chủng loại đa dạng, phong phú song chất lượng có đảm bảo ATTP hay không lại là điều đáng bàn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số chợ, nhiều loại bánh kẹo, mứt, ô mai được đóng trong các bao nilon hoặc bao tải trong tình trạng “ba không”: Không nguồn gốc địa chỉ sản xuất, không nhãn mác, không hạn sử dụng”. Những sản phẩm này được bán theo cân, theo lạng. Bên cạnh đó, các sản phẩm tươi sống bày bán tràn lan mà không có dấu kiểm dịch, chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) của các cơ quan chức năng; các sản phẩm giò, chả... cũng chủ yếu vẫn được sản xuất theo hình thức thủ công nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không đảm bảo nên chất lượng rất khó được kiểm soát chặt chẽ.

 

Trong năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý hơn 9.000 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hành chính trên 31 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường toàn quốc đã phát hiện hơn 21.000 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm với 661 tổ chức, 1.300 cá nhân vi phạm; xử lý hành chính 1.200 vụ, tổng số tiền phạt hơn 12 tỷ đồng.

 

Do vậy nhằm hạn chế những rủi ro này, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội triển khai bố trí thiết bị xét nghiệm ATTP tại một số chợ, siêu thị để cung cấp dịch vụ kiểm tra nhanh theo phương thức xã hội hóa. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều cơ quan liên quan, để thực hiện việc này không dễ. 

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đến nay đơn vị này vẫn chưa biết thông tin về loại thiết bị này bán ở đâu, sử dụng ra sao. Hơn nữa, tính pháp lý của kết quả xét nghiệm nhanh đang là vấn đề nan giải. “Khi người dân kiểm tra cho kết quả thực phẩm không đạt chất lượng thì trả lại cho ai? Ai là người chịu trách nhiệm? Thực tế cơ quan chức năng không thể dựa vào kết quả xét nghiệm nhanh để xử lý, mà đó chỉ có tính chất tham khảo. Khi có mẫu nghi ngờ không đạt chuẩn, cần tiếp tục xét nghiệm định lượng tại phòng xét nghiệm mới kết luận được”.

An toàn thực phẩm tại chợ luôn là mối lo lớn của người tiêu dùng.
An toàn thực phẩm tại chợ luôn là mối lo lớn của người tiêu dùng.

 

Về việc này bà Nguyễn Thị Bích Ngọc- Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu hai phương án, hoặc tìm hiểu, mua máy xét nghiệm đặt tại các chợ, siêu thị, hoặc mua xe lưu động có trang bị máy xét nghiệm nhanh, luân phiên đến các chợ đầu mối, siêu thị, đại lý cung cấp thực phẩm lớn để xét nghiệm.

Trông chờ vào ý thức của người kinh doanh

 

Trong năm, cả nước ghi nhận 189 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 5.100 ca mắc, 4.100 ca nhập viện và 43 trường hợp tử vong. So với năm 2013, ngộ độc thực phẩm tăng 22 vụ và số người tử vong tăng gần 54%.

 

Nhìn một cách tổng thể, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Liên tục trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về ATTP. Hàng tấn mỡ động vật đã thối rữa vẫn được vận chuyển công khai đi tiêu thụ; thịt gia súc, gia cầm bày bán tràn lan nhưng không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch thú y; bánh mứt kẹo, ô mai, hạt dưa đỏ tẩm ướp hoặc nhuộm hóa chất độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc...

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, hiện công tác quản lý ATTP còn một số bất cập, việc xử lý vi phạm còn chưa kiên quyết, đặc biệt tại xã, phường; tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Việc vi phạm về an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm vẫn còn phổ biến, tỷ lệ vi phạm về điều kiện ATTP đối với những người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn cao.

Để đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân trong dịp tết Ất Mùi sắp tới, ông Phong cho biết, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã thành lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành, tập trung kiểm tra quyết liệt các mặt hàng thực phẩm Tết như các loại bánh, mứt, kẹo, ô mai; các sản phẩm chế biến từ thịt, dịch vụ ăn uống tại các tỉnh, thành phố... trong đó chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất...

Tuy nhiên, ông Phong cũng cho biết, hiện nay lực lượng thanh tra đặc biệt là thanh tra chuyên ngành ATTP vẫn còn hạn chế, trong khi đó số cơ sở sản xuất thực phẩm của nước ta lại quá lớn, do vậy trong “cuộc chiến” chống lại tình trạng mất ATTP, bên cạnh lương tâm, đạo đức của DN, người sản xuất, thái độ của người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu mọi người cùng đồng lòng “tẩy chay” các loại thực phẩm kém chất lượng, lựa chọn các thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng thì sức khỏe của người dân sẽ được đảm bảo, an toàn hơn.

Chính vì vậy bên cạnh việc các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc thì vấn đề tự ý và đề cao đạo đức của những người sản xuất, kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng thực phẩm.

Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã đề ra chỉ tiêu cụ thể: giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm 2014; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, phường bảo đảm số cơ sở được thanh, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân.


Phi công và tiếp viên hàng không VNA nhận lương bao nhiêu?

Năm 2013, lương bình quân tháng của một phi công Vietnam Airlines (VNA) là 74,8 triệu đồng và tiếp viên là 18,7 triệu đồng.

http://www.baohaiquan.vn/pages/lai-nong-an-toan-thuc-pham-cuoi-nam.aspx

Theo Minh Châu/Hải Quan

Bạn có thể quan tâm