Tại buổi họp báo diễn ra chiều nay (12/1), ông Phạm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) cho biết hiện tượng phi công của hãng nghỉ việc đã diễn ra từ đầu năm 2014. Khi đó, một số kỹ sư, thợ máy nộp đơn xin nghỉ việc. Gần đây nhất, dịp Tết dương lịch, có 117 lượt phi công báo ốm và sau đó là 30 trường hợp nộp đơn thôi việc. Theo lãnh đạo VNA, đây là hiện tượng bất thường vì 90% trong số này thuộc đội bay Airbus, không có ai trong đội bay Boeing và ATR27.
Theo VNA, sự việc này rất bất thường, có nguy cơ làm xáo trộn lịch bay, uy hiếp an toàn bay. “Sự việc này không thể nhìn nhận đơn giản mà có thể nói là lãn công tập thể thông qua việc báo ốm”, ông Minh nhìn nhận và cho biết hiện tượng này không phải là hiếm trên thế giới. Điều này cũng đòi hỏi VNA và các cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp vì sự việc trên đang đe dọa an ninh kinh tế cả đất nước khi VNA đang thực hiện các mục tiêu kinh tế chính trị, an ninh quốc phòng.
Lãnh đạo VNA cho biết, lộ trình cải cách tiền lương của đơn vị này đã được xây dựng từ năm 2008. Dự kiến đến tháng 7/2015, lương cơ trưởng sẽ dao động từ gần 160 đến 177 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa. |
Cũng theo thông tin từ hãng hàng không quốc gia, từ năm 2008, VNA đã xây dựng lộ trình cải cách tiền lương. Lần cải cách đầu tiên năm 2008, phi công được tăng lương gấp đôi và sự điều chỉnh nhìn thấy rõ qua các năm. Tháng 9/2014, lương cơ trưởng máy bay Boing 777 và Airbus 330 là 132 triệu đồng/tháng và tăng lên 163 triệu đồng/tháng đến tháng 1/2015. Dự kiến, mức lương sẽ tăng lên 177 triệu đồng/tháng vào tháng 7/2015. Với cơ trưởng máy bay A321, lương tăng tương ứng là 115 triệu đồng/tháng (tháng 9/2014) lên 143 triệu và 158,8 triệu đồng vào hai giai đoạn sau.
Lãnh đạo này cũng cho rằng mức lương nói trên vẫn thấp so với một số hãng hàng không trong khu vực và sẽ tiếp tục được cải cách hợp lý. Ông cũng bác bỏ thông tin cho rằng có hãng khác cạnh tranh với VNA bằng cách đưa ra mức lương hấp dẫn hơn với các phi công. Trong khi lương 600 phi công vẫn tăng thì chế độ đối với các bộ phận khác tại VNA vẫn giữ nguyên. Mức bình quân hiện tại của lao động tại VNA, theo tiết lộ từ đại diện bộ phận tổ chức tiền lương đơn vị này là xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng, tiếp viên khoảng 19 triệu đồng. Bình quân, người lao động của VNA nhận lương tháng 12 triệu đồng.
Trước đó, một số ý kiến cho biết có sự chênh lệch lớn lên tới vài ngàn USD trong mức lương phi công người Việt Nam với nước ngoài, trong khi áp lực và mức độ nguy hiểm trong công việc là như nhau. Vietnamnet dẫn lời ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Đoàn trưởng đoàn bay 919 cho biết, học phí để trở thành lái chính của VNA là 7 năm rèn luyện và mức chi phí đào tạo dao động 1,4 đến 2,4 tỷ đồng chưa bao gồm chi phí học trong và ngoài nước trong khoảng 3 năm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt phi công của VNA xin nghỉ việc, báo ốm.