- Bóng đá Việt Nam sẽ liên tiếp chạm trán Thái Lan ở SEA Games 28 và vòng loại kép World Cup 2018 – Asian Cup 2019. Ông suy nghĩ gì về điều này?
- Họ đứng trên chúng ta một bậc. Ở khu vực Đông Nam Á (ĐNA), Thái Lan là nền bóng đá có đẳng cấp cao nhất, chúng ta nằm trong nhóm thứ hai cùng với Malaysia, Indonesia hay Singapore… Nếu xét trên phạm vi châu lục, bóng đá Thái Lan nằm trong nhóm thứ ba và đang nỗ lực vươn lên nhóm thứ hai, còn Việt Nam nằm ở nhóm thứ tư.
HLV Hoàng Anh Tuấn sở hữu nhiều bằng cấp cao như bằng A của AFC, bằng A của UEFA hay chứng chỉ giảng viên của FIFA… |
- Bóng đá Việt Nam liệu có rút ra được bài học gì từ thành công của bóng đá Thái Lan, thưa ông?
- Có 4 điểm mà tôi rất ấn tượng với cách làm bóng đá của Thái Lan. Thứ nhất là tính phổ cập của môn thể thao vua trong xã hội. Nếu sang Thái Lan, bạn sẽ thấy họ có rất nhiều sân bóng đá ở từng góc phố, mỗi trường học… Đó chính là cái nôi khơi dậy tình yêu, sự đam mê và phát hiện tài năng cho nền bóng đá. Xây dựng nhiều học viện cũng không tốt bằng việc có nền tảng bóng đá phong trào phát triển mạnh như vậy.
Thứ hai là tính định hướng, kế hoạch rõ ràng. Thành công của bóng đá Thái Lan ngày hôm nay là kết quả của quá trình thay đổi toàn diện, sau khi họ nhận thấy dấu hiệu tụt lùi về phong độ, thành tích khoảng 4-5 năm trước. Thái Lan chấp nhận hy sinh một vài kỳ SEA Games và AFF Cup để hướng đến những mục tiêu dài hạn. Các đội tuyển trẻ của họ được đầu tư chu đáo, tập huấn bài bản và có chiến lược vươn lên tầm châu lục.
Thứ ba là khả năng tổ chức nền bóng đá một cách chuyên nghiệp. Các CLB Thái Lan hoạt động theo mô hình giống các đội bóng ở châu Âu. Họ rất chú trọng đến cơ sở vật chất (sân bãi, dụng cụ luyện tập…) hay hoạt động tiếp thị, quảng bá hình ảnh để đưa khán giả đến sân. Khi trận đấu diễn ra, họ biết cách làm cho người xem cảm thấy hài lòng.
Cuối cùng là sự giao lưu rộng rãi của bóng đá Thái Lan với bên ngoài, đặc biệt là bóng đá châu Âu. Không hề ngẫu nhiên khi rất nhiều đội bóng lớn chọn Thái Lan làm điểm dừng chân. Tôi nghĩ tài chính không phải vấn đề có ý nghĩa quyết định. Điều quan trọng là các CLB lớn của châu Âu nhìn thấy ở bóng đá Thái Lan những tiềm năng phát triển.
Có thể còn nhiều nguyên nhân khác, ở góc độ của mình, tôi cho rằng thành công của bóng đá Thái Lan là sự tổng hòa của những lý do nêu trên.
Hai ngôi sao Beckham và Solskjaer của M.U trong chuyến du đấu Thái Lan năm 2001. Ảnh: Reuters |
- Ông có nghĩ HLV Kiatisak cũng là một lý do, sau khi bóng đá Thái Lan thất bại với những nhà cầm quân ngoại quốc tên tuổi như Peter Reid , Bryan Robson hay Winfried Schaefer?
- Tôi không phủ nhận tài năng của Kiatisak nhưng cần khách quan là trong quá khứ, bóng đá Thái Lan cũng từng thành công rực rỡ với các HLV nội. Với nền tảng tốt như tôi vừa nhắc đến ở trên, các HLV Thái Lan sẽ có rất nhiều thuận lợi trong công việc của họ. Còn chuyện các nhà cầm quân tên tuổi không thành công khi làm việc ở nước ngoài là điều bình thường trong thế giới bóng đá và có đủ loại lý do dẫn đến điều này.
- Ông đánh giá như thế nào về trình độ của các HLV Thái Lan?
- Nhờ có sự giao lưu rộng rãi với bóng đá châu Âu, các HLV Thái Lan có điều kiện tiếp xúc với kiến thức tiên tiến, phương pháp huấn luyện hiện đại, tương ứng là trình độ của họ cũng sẽ được nâng cao.
Tôi còn nhớ khi học các lớp ở khu vực ĐNA và châu Á, tôi hiếm khi bắt gặp các HLV Thái Lan. Chỉ đến khi học các lớp ở châu Âu, tôi mới gặp họ. Điều đó phần nào cũng cho thấy bóng đá Thái Lan đã đi trước so với mặt bằng khu vực.
- Ông có cho rằng sau những bước thụt lùi khoảng 4-5 năm trước, bóng đá Thái Lan đã quyết tâm cho ra đời một thế hệ cầu thủ mới để gặt hái thành công?
- Theo tôi được biết, ở Thái Lan cũng có một số học viện bóng đá giống như Học viện HAGL Arsenal JMG. Nhưng điều này không có ý nghĩa quan trọng bằng sự phổ cập của môn thể thao vua trong xã hội của họ. Thông qua quá trình giao lưu rộng mở, cầu thủ Thái Lan cũng được tiếp xúc và hình thành tư duy, kỹ năng chơi bóng hiện đại từ rất sớm.
U19 Việt Nam từng vượt qua U19 Thái Lan tại giải U22 ĐNA (Hassanal Bolkiah Trophy) tổ chức ở Brunei năm 2014. Ảnh: Tùng Lê |
- Một sự so sánh giữa cầu thủ Việt Nam và cầu thủ Thái Lan, thưa ông?
- Xét về kỹ năng chơi bóng, chúng ta không thua kém bất cứ đối thủ nào trong khu vực. Điều chúng ta thua họ là cách làm. Cầu thủ Thái Lan được đặt trong hệ thống đồng bộ để phát triển tài năng, còn chúng ta là sự tập hợp khả năng của các cá thể.
- Ông nhận định như thế nào về bảng đấu của U23 Việt Nam tại SEA Games 28?
- Thái Lan là ứng cử viên số một còn chúng ta cố gắng để thay đổi điều đó. Về phần Malaysia, ngay cả khi họ đăng quang liên tiếp ở SEA Games 25 (2009), 26 (2011) và AFF Cup 2010, tôi vẫn thấy không phục vì cầu thủ Malaysia không có gì hơn cầu thủ Việt Nam.