Trong cuộc họp trực tuyến giữa Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và đại diện các đội bóng ở V.League hôm 31/3, nhiều CLB bày tỏ nguyện vọng mùa giải năm nay không có đội xuống hạng. Theo tìm hiểu của Zing, nguyện vọng này xuất phát từ các CLB Hà Tĩnh, Nam Định, Đà Nẵng và SLNA.
Nếu vấn đề được đưa ra biểu quyết, lấy ý kiến và nhận sự đồng tình của ít nhất 4 CLB nữa, đề đạt nêu trên sẽ được chấp thuận. Đây là điều có thể xảy ra bởi ngoài nhóm đội cuối bảng, nhóm đầu bảng như CLB Hà Nội, TP.HCM hay Quảng Ninh cũng có thể ủng hộ quyết định này. Đề xuất không ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi trực tiếp của họ, song vì nhiều lý do khác nhau, họ hoàn toàn có thể tán thành nó.
Vậy trong trường hợp quyết định được đưa ra, những hướng đi nào có thể được tính tới cho mùa giải V.League 2020?
Nam Định và Hà Tĩnh được đánh giá là 2 đội bóng sẽ hưởng lợi nhiều nếu V.League không có đội xuống hạng. Ảnh: Minh Chiến. |
Phương án đầu tiên có thể tính tới là giữ nguyên số đội, tức sẽ không có đội xuống hạng từ V.League, hạng Nhất hay hạng Nhì và cũng không có đội bóng chuyển lên theo chiều ngược lại ở các giải đấu này.
Về ưu điểm, đây là phương án an toàn và không gây xáo trộn cơ cấu tổ chức của các giải đấu. Tuy nhiên, trong trường hợp này, động lực thi đấu của cầu thủ cùng chất lượng chuyên môn của giải đấu sẽ là dấu hỏi lớn.
Không có đội lên, xuống hạng đồng nghĩa ngoài nhóm cạnh tranh huy chương tại V.League, phần lớn CLB còn lại ở các hạng đấu sẽ rơi vào tình trạng "đá cho vui", thiếu động lực thi đấu. Thực tế này sẽ dẫn tới sự lao dốc ở chất lượng chuyên môn cũng như sức hấp dẫn đối với khán giả trong các trận đấu.
Chưa kể tới những đội bóng hạng dưới có tham vọng và khát khao lên hạng thực sự, điển hình như CLB Phố Hiến ở giải hạng Nhất, việc không có đội xuống/lên hạng sẽ là sự bất công với nỗ lực của không chỉ riêng đội bóng này mà còn nhiều đội bóng nghiêm túc với mục tiêu lên hạng khác.
Cầu thủ CLB Phố Hiến khóc nức nở khi để thua Thanh Hóa ở trận play-off cuối mùa giải 2019. Ảnh: Minh Chiến. |
Trong trường hợp phương án này không khả thi, cách xử trí của ban tổ chức J.League có thể xem như một giải pháp đáng lưu tâm dành cho VPF.
Theo xác nhận của Chủ tịch J.League, ông Mitsuru Murai, J.League 2020 sẽ không có đội xuống hạng. Hai đội dẫn đầu J2 và J3 League vẫn thăng hạng lên chơi tại J1 và J2 League. Tuy nhiên, ở mùa giải 2021, số suất xuống hạng sẽ tăng từ 2 lên thành 4 đội nhằm khôi phục đúng số lượng đội tham dự giải trước đó.
Lý giải về quyết định này, ông Murai cho biết tình hình dịch bệnh tại các tỉnh của Nhật Bản đang diễn ra khác nhau. Khi giải đấu trở lại, một số đội bóng sẽ chưa thể đón CĐV vào sân hay thậm chí tệ hơn là phải chơi trên sân trung lập. Điều này mang tới sự bất bình đẳng giữa các đội bóng và là nguyên nhân chính khiến ban tổ chức J.League đưa ra quyết định khó khăn này.
Quay trở lại V.League, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, VPF đang tính tới chuyện thi đấu tập trung tại miền Bắc. Khi đó, các đội bóng miền trong sẽ mất đi lợi thế sân nhà cũng như gặp nhiều bất lợi khác về chuyện thích nghi khí hậu, sinh hoạt, ăn ở. Thiệt thòi là khó tránh khỏi, và việc giải đấu không có đội xuống hạng sẽ là giải pháp bảo đảm quyền lợi cho những đội bóng này.
Nhóm đội cuối bảng hưởng lợi song quyền lợi của nhóm cạnh tranh lên hạng ở hạng dưới cũng không vì thế mà mất đi. Số suất lên hạng tại V.League và giải hạng Nhất hiện tại lần lượt là 1,5 và 1. Nếu áp dụng phương án này, 2 hạng đấu cao nhất Việt Nam mùa này nhiều khả năng đều sẽ có 2 suất lên hạng và tới mùa 2021, số suất xuống hạng sẽ lần lượt là 3,5 và 3.
Động lực thi đấu cùng chất lượng chuyên môn của các trận đấu ít nhiều sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, việc số đội tăng lên thành 16 và 14 tại V.League cũng như hạng Nhất quốc gia sẽ ảnh hưởng tới lịch thi đấu vốn ổn định nhiều năm nay. Đây là điều VPF sẽ phải cân nhắc nếu muốn đảm bảo tính quy củ của các giải đấu.
Ngoài Phố Hiến, Khánh Hòa có thể là đội bóng tiếp theo ở hạng Nhất hưởng lợi nếu V.League tổ chức theo phương án 2. |
Cuộc họp ngày 31/3 chắc chắn chưa phải cuộc họp cuối cùng, và ban tổ chức sẽ phải suy tính kỹ lưỡng để quyền lợi của các đội bóng và giải đấu đứng thăng bằng khi đặt trên cán cân lợi ích.
Dù thế nào, việc thay đổi những quy định bấy lâu của giải đấu vẫn sẽ mang tới những xáo trộn lớn. Hơn lúc nào hết, VPF cần sự hợp tác tối đa của lãnh đạo các đội bóng tại Việt Nam. Vì cái chung, nếu không thể đóng góp, điều tối thiểu các đội bóng nên làm lúc này là ủng hộ những người làm bóng đá Việt Nam.