Zing lược dịch bài của tác giả Rielle Pardes từ Wired về khoảng thời gian ở nhà tránh dịch Covid-19.
Tôi không treo đồng hồ ở nhà, muốn xem giờ thì sẽ hỏi Google Home. Tôi thường kêu Google Home canh giờ nấu cơm, nhưng dạo gần đây còn hỏi nó mấy giờ, hôm nay là thứ mấy. Tôi còn hỏi giờ sau khi xem trên điện thoại chỉ để biết rằng mình đã... phí bao nhiêu thời gian trong ngày, thậm chí còn phải thốt lên "lại thứ Năm rồi à?".
Tôi thấy mình giống nhân vật trong một mẩu chuyện in trên báo The New Yorker: một người đàn ông hồn lìa khỏi xác, bị ám ảnh bởi hồn ma của chính mình liên tục nói: "Ta là ngươi của tương lai hay quá khứ, thời gian của ta lạc đâu mất rồi?".
Các nhà tâm lý học đang nghiên cứu cách đại dịch ảnh hưởng đến nhận thức về thời gian của chúng ta. Ảnh: Getty Images. |
"2020 là năm nhuận độc nhất"
Triết gia Aristotle từng nói rằng thời gian là thước đo của sự thay đổi. Nó không tồn tại dưới dạng vật chứa mọi thứ mà phụ thuộc vào những gì đang dịch chuyển, tái định hình và những thứ còn giữ nguyên. Nó tuân theo quy tắc trước sau, hiện tại và tiếp đến, khởi đầu và kết thúc.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 là điểm tựa của nhiều sự thay đổi, trong đó có thời gian. Sự bùng phát của dịch không còn tính bằng ngày, mà là số ca nhiễm và tử vong.
Virus đã tạo ra đồng hồ của riêng chúng, thu hẹp khoảng cách giữa ngày và tuần, sáng và tối, hiện tại và mới đây. Ngày tháng dường như hòa trộn vào nhau. Trong khi tác động của đại dịch ở từng khu vực là khác nhau, nhận thức về thời gian ở mọi nơi dường như đã thay đổi.
"2020 là năm nhuận độc nhất. Nó có 29 ngày vào tháng 2, 300 ngày vào tháng 3 và 5 năm vào tháng 4", nhà nghiên cứu kinh tế David Wessel chia sẻ trên Twitter.
Những triết gia thường nói về thời gian theo quan niệm siêu hình, còn các nhà tâm lý học lại giải thích về thời gian qua bộ não. Trong não chúng ta luôn tồn tại một máy gõ nhịp, nhưng giờ nó đã bị lệch nhịp.
"Thời gian giờ đây trôi nhanh chậm bất thường", Ruth Ogden, nhà tâm lý học Đại học Liverpool John Moores (Anh) chia sẻ. Công việc của Ogden là phân tích nhận thức thời gian. Trong phòng tâm lý của cô, mọi người được cho nhìn những bức ảnh khác nhau rồi trả lời xem khoảng bao nhiêu giây đã trôi qua.
"Nếu cho kích thích bằng những hình ảnh rùng rợn - một cơ thể không nguyên vẹn hoặc cú sốc điện - họ sẽ nói rằng thời gian trôi qua lâu hơn so với khi xem những gì trung tính, như hình ảnh chú mèo con", Ogden chia sẻ.
Thời gian gần đây, Ogden tập trung nghiên cứu nhận thức của con người về thời gian trong bối cảnh đại dịch. Liệu người ta có cảm thấy thời gian trôi qua nhanh/chậm hơn khi ở nhà tránh dịch không? Nếu kéo dài trong vài tuần thì sao?
Ở nhà tránh dịch trong thời gian dài khiến chúng ta có cảm giác thời gian trôi nhanh hơn hoặc chậm đi. Ảnh: The Bold Italic. |
Đại dịch thay đổi nhận thức về thời gian
Ogden đã thực hiện khảo sát về mối liên hệ giữa nhận thức thời gian với tâm trạng, hoạt động thể chất, mức độ tiếp cận xã hội, cảm giác lo lắng và chán nản. Hơn 800 người đã tham gia khảo sát. Sau khi xem kết quả, Ogden nhận thấy mọi người đang trải nghiệm thời gian một cách khác biệt, một nửa cho rằng thời gian trong mùa dịch trôi nhanh hơn, nửa còn lại nói rằng nó trôi qua khá chậm.
Sự thay đổi về nhận thức thời gian là chủ đề khiến các nhà triết học bối rối, song là nguồn cảm hứng cho các nhà văn trong nhiều thế kỷ. Gần đây, nó còn khiến các nhà tâm lý học như Ogden chú ý.
Không có nhiều ký ức mới lạ, chúng ta sẽ cảm thấy thời gian trôi rất chậm. Ảnh: For The Times. |
Ogden cũng là người tạo ra những thí nghiệm liên quan đến nhận thức thời gian dựa trên nhiệt độ, tâm trạng, giữa nhìn đồng hồ với tập trung làm việc.
Nhận thức về thời gian có thể biến mất khi chúng ta đắm chìm trong một hoạt động ưa thích. Ngược lại, nếu có cảm giác buồn chán, không có gì thay đổi thì chúng ta sẽ cảm thấy thời gian trôi rất chậm.
Từng có nghiên cứu cho 110 sinh viên đại học chơi trò khoanh số trên giấy, những người đang buồn chán nói rằng thời gian họ dành để chơi trò này lâu hơn bình thường.
Hầu hết nghiên cứu tập trung về nhận thức thời gian ở đơn vị giây và giờ. Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch, lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Tại Việt Nam, chúng ta đã trải qua 2-3 tuần giãn cách xã hội, trong khi nhiều quốc gia có thể lên đến hàng tháng - khoảng thời gian mà chúng ta có thể cùng lúc cảm thấy đau đớn và trống vắng.
"Não chúng ta thích sự mới lạ. Nó tiết ra dopamine để thiết lập sự khởi đầu của thời gian mỗi khi chúng ta trải nghiệm những điều mới", Kevin LaBar, nhà thần kinh học nhận thức tại Viện Khoa học Não Duke, cho biết lúc này, não sẽ ghi lại những trải nghiệm đó, cất chúng vào vùng ký ức rồi thuật lại để ước tính bao lâu đã trôi qua.
Tuy nhiên nếu ở nhà suốt ngày và không có sự mới mẻ nào, dopamine sẽ không được tiết và hệ thống nhận thức thời gian cũng không có gì để tính nữa.
"Nghịch lý cách ly" về thời gian
Claudia Hammond, nhà báo kiêm tác giả cuốn Time Warped: Unlocking the Mysteries of Time Perception (tạm dịch: Bẻ cong thời gian: Giải mã Bí ẩn về Nhận thức thời gian), nói rằng mô tả (của LaBar) còn gọi là "nghịch lý kỳ nghỉ" (holiday paradox).
"Khi mọi người bước vào kỳ nghỉ, họ sẽ nói thời gian trôi nhanh quá. Một nửa kỳ nghỉ trôi qua, họ sẽ nghĩ rằng "Đã hết nửa kỳ nghỉ rồi sao". Nhưng khi kỳ nghỉ quay lại, họ sẽ có cảm giác nó đã trôi qua từ rất lâu", Hammond chia sẻ.
Những kỳ nghỉ này thường đi kèm các trải nghiệm mới, khác biệt so với thói quen thường ngày, nó tạo ra nhiều ký ức hơn so với những tuần làm việc thông thường.
Có thể áp dụng logic tương tự cho "nghịch lý cách ly" (quarantine paradox). Những ngày dài "trốn" trong nhà sẽ cho cảm giác thời gian trôi rất lâu nhưng không tạo ra nhiều ký ức, do đó nhiều tháng trôi qua với lịch trình tương tự sẽ có cảm giác trôi nhanh. Trong khi đó, những người ở tuyến đầu chống dịch có thể cảm nhận mỗi ngày trôi nhanh nhưng từng tháng sẽ trôi lâu hơn bởi các ký ức xuất hiện chồng chất lên nhau.
Có thể đây chỉ là sự khởi đầu. Cũng có thể nó sắp kết thúc. Thế giới sau này sẽ ra sao, không ai biết được cả. Ảnh: Fatherly. |
Cũng trong cuốn Time Warped, Hammond đã kể lại câu chuyện của Alan Johnston, phóng viên BBC bị giam giữ bởi đội quân du kích Palestine trong 4 tháng. Johnston khẳng định anh có thể cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, nhưng không thể nhận thức về việc mình bị giam trong bao lâu.
"Bỗng dưng thời gian trở thành sinh vật sống, một sức nặng đang đè nén mà bạn phải chịu đựng. Cảm giác thời gian dường như dài vô tận vì bạn không thể biết khi nào mình được thả", nhà báo Johnston chia sẻ với Hammond.
Tất nhiên ở nhà tránh dịch không phải bị giam giữ, nhưng chia sẻ của Johnston lại phản ánh một phần thực tế hiện nay. Chưa rõ khi nào đại dịch mới chấm dứt, khi nào có vaccine chữa trị, cho đến lúc đó thì chúng ta vẫn phải sống trong tình cảnh này.
Có thể đây chỉ là sự khởi đầu. Cũng có thể nó sắp kết thúc. Thế giới sau này sẽ ra sao, không ai biết được cả.
Nhận thức về thời gian không chỉ khác nhau vì chúng ta thấy chán nản, gò bó hay căng thẳng. Chúng ta sợ điều này sẽ kéo dài mãi mãi. Chúng ta lại sợ nó sẽ kết thúc quá sớm. Khái niệm thời gian đã thay đổi vì chúng ta không biết cách tính sao cho chính xác nữa.