Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (mã chứng khoán VNS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm, với tình hình kinh doanh tiếp tục nhiều khó khăn.
Tính riêng quý II, Vinasun ghi nhận 530 tỷ đồng doanh thu, giảm 35% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giá vốn giảm thấp hơn khiến lãi gộp thu về giảm 16%, xuống chỉ còn 98 tỷ đồng.
Để duy trì hoạt động kinh doanh với số lượng xe lớn, Vinasun vẫn phải chi hàng trăm tỷ đồng chi phí. Hãng taxi truyền thống này đã phải báo lỗ từ hoạt động kinh doanh chính gần 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 12 tỷ đồng
Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp hãng bị lỗ từ hoạt động kinh doanh chính, nhưng mức lỗ đang giảm dần theo từng quý.
Tình hình kinh doanh của Vinasun vẫn đang đi xuống. |
Đáng chú ý, khoản thu nhập khác lại mang về cho Vinasun gần 22 tỷ đồng. Thu nhập khác được doanh nghiệp thể hiện là thanh lý xe cũ và thu quảng cáo trên taxi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinasun đạt 1.019 tỷ đồng doanh thu, giảm 46% so với nửa đầu năm trước, và báo lỗ từ hoạt động kinh doanh chính 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu từ thanh lý tài sản mang về 30 tỷ đồng và gần 21 tỷ đồng thu từ quảng cáo trên taxi đã giúp hãng báo lãi dương nửa năm qua.
Hoạt động kinh doanh của hãng taxi truyền thống lớn nhất phía Nam bắt đầu gặp khó từ cuối năm 2017, khi thị trường bị cạnh tranh gay gắt bởi Uber và Grab. Trong vài tháng trở lại đây, dù Uber không còn hoạt động thì Vinasun cũng chưa cải thiện được tình hình kinh doanh và tiếp tục đi xuống.
Thậm chí, việc thay đổi mô hình kinh doanh từ sở hữu xe và thuê tài xế rồi chia sẻ doanh thu sang cho tài xế thuê, bao xe và trả phí cũng không giúp kết quả khá hơn.
Sau khi GIC thoái toàn bộ vốn khỏi Vinasun, HSC đã mua vào để trở thành cổ đông lớn thứ 3 tại hãng taxi này. |
Sau gần 1 năm ứng dụng, mô hình này chưa mang lại hiệu quả cho Vinasun, ngoài việc giúp số lượng nhân viên của hãng giảm mạnh. Tính đến ngày 30/6, tổng số nhân viên của Vinasun là 7.021 người, giảm gần 100 người so với đầu năm, nhưng đã giảm hơn 10.000 người so với năm 2016.
Mới đây, Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã bán cắt lỗ toàn bộ 7,96% vốn Vinasun, sau gần 4 năm đầu tư. Quỹ này đã phải cắt lỗ với mức giá thỏa thuận chỉ 14.400 đồng/cổ phiếu, tương đương khoản lỗ 120 tỷ đồng. Trước đó, GIC đã chi ra hơn 202 tỷ đồng để đầu tư vào Vinasun.
Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) ngay sau đó đã mua vào 7,2 triệu cổ phiếu VNS, để trở thành cổ đông lớn thứ 3 tại đây, sở hữu 10,61% cổ phần.
Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Vinasun vẫn là ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT, với 24,92% vốn, tiếp đến là quỹ Tael Two Partners sở hữu 18,3% vốn doanh nghiệp. Ông Đặng Thành Duy, Phó tổng giám đốc Vinasun, con trai ông Thành, cũng nắm giữ 7,97% vốn tại đây.
Nguồn: VNDirect. |