Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công ty chứng khoán rót 100 tỷ đồng vào Vinasun

Trong khi hàng loạt quỹ ngoại rút vốn khỏi Vinasun thì bất ngờ một doanh nghiệp nội đầu tư 100 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.

Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) vừa thông báo mua vào 7,2 triệu cổ phiếu Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) để trở thành cổ đông lớn nắm giữ 10,61% vốn điều lệ.

HSC trở thành cổ đông lớn thứ 3 tại VNS, đứng sau ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT công ty, sở hữu gần 25% vốn cùng tổ chức khác là Tael Two Partners Ltd, nắm giữ 18,3%.

HSC rot von vao Vinasun anh 1

Theo thông báo, giao dịch thực hiện ngày 25/5. Đây cũng là phiên xuất hiện giao dịch thỏa thuận của khối ngoại bao gồm 2 lệnh: 5,4 triệu cổ phần và 1,8 triệu cổ phần, với giá khớp trung bình 14.400 đồng/cổ phiếu. Như vậy bên mua khả năng cao chính là HSC.

Cũng trong phiên giao dịch hôm đó, Quỹ đầu tư GIC Pte Ltd của Chính phủ Singapore thông báo đã bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu Vinasun. Như vậy, quỹ ngoại này là 1 trong các nhà đầu tư đã bán thỏa thuận cổ phiếu Vinasun vừa qua cho HSC.

GIC là một trong những quỹ ngoại đầu tiên đầu tư vào hãng taxi của Việt Nam, với việc mua tổng cộng 4,5 triệu cổ phiếu VNS và tăng lên sở hữu 5,4 triệu cổ phiếu sau chia thưởng, tương đương giá trị đầu tư khoảng hơn 200 tỷ.

Tính ra sau gần 4 năm rót vốn, quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore đã phải cắt lỗ 120 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của VNS cũng có sự xáo trộn sau các giao dịch thỏa thuận trên. Cổ đông lớn nhất của Ánh Dương vẫn là gia đình ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQTvới tổng cộng 35,5% vốn, tiếp đến là quỹ Tael Two Partners Ltd sở hữu 12,4 triệu cổ phiếu, tương đương 18,3% vốn doanh nghiệp. Tổng công ty thương mại Sài Gòn chiếm 7,91% vốn. Nhóm quỹ SSIAM chiếm 4,98% vốn điều lệ.

HSC rot von vao Vinasun anh 2
Quỹ ngoại rút khỏi Vinasun vì tình hình kinh doanh bết bát .

Andbanc Investments Sif-Vietnam Value And Income Porfolio hồi tháng 3 cũng bán cổ phiếu VNS, dẫn đến tỷ lệ sở hữu của cả nhóm SSIAM chỉ còn 4,98% vào ngày 2/4.

Cổ phiếu Vinasun đã giảm liên tục trong thời gian qua, do kết quả kinh doanh đi xuống trước sự cạnh tranh gay gắt từ xe công nghệ là Uber hay Grab. Hiện tại, phần lớn lợi nhuận của hãng taxi này đến từ thanh lý xe cũ.

Trong năm 2018, Vinasun chỉ đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.750 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2017. Lợi nhuận trước và sau thuế thu về cũng giảm 50%, lần lượt đạt 119 tỷ đồng95 tỷ đồng.

Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của công ty kể từ năm 2010 đến nay.

Kinh doanh đi xuống, quỹ ngoại Singapore rút hết vốn khỏi Vinasun

Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu nắm giữ tại Vinasun để “cắt lỗ”, khi kết quả kinh doanh của hãng taxi này liên tục đi xuống.




Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm