Theo thống kê từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Vietnamobile vẫn tiếp tục ghi nhận “chảy máu” thuê bao kể từ khi dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP) được triển khai. Tính riêng trong tháng 4, hơn 9.100 thuê bao của nhà mạng này đăng ký chuyển sang các đối thủ khác trong khi chỉ có 3 trường hợp xin chuyển đến.
Cụ thể, Vietnamobile chấp thuận chuyển mạng cho 7.540 trường hợp và từ chối 1.608 thuê bao. Hơn 600 thuê bao được xác định từ chối sai sau đối soát và đã được chấp thuận chuyển đi.
Ngoài Vietnamobile, các nhà mạng khác như MobiFone, VinaPhone hay Viettel cũng ghi nhận tình trạng hàng nghìn thuê bao đăng ký rời đi trong tháng 4, lần lượt là 3.315 thuê bao, 3.155 thuê bao và 1.959 thuê bao. Tuy nhiên những nhà mạng này có lượng từ chối tương đối lớn, đơn cử như MobiFone từ chối 2.300 thuê bao, VinaPhone từ chối 1.338 thuê bao còn Viettel từ chối 1.447 thuê bao.
LƯỢNG THUÊ BAO ĐĂNG KÝ ĐẾN VÀ ĐI Ở CÁC NHÀ MẠNG TRONG THÁNG 4 | |||||
Nguồn: Cục Viễn thông | |||||
Nhãn | Viettel | MobiFone | VinaPhone | Vietnamobile | |
Đăng ký đến | thuê bao | 8909 | 3092 | 5444 | 3 |
Đăng ký đi | 1959 | 3315 | 3155 | 9163 |
Sau khi hoàn tất dịch vụ, chỉ có Vietnamobile chứng kiến tình trạng thuê bao đến thấp hơn thuê bao đi. Sự chuyển dịch này không chỉ khiến Vietnamobile thâm hụt người dùng mà còn củng cố số lượng khách hàng cho các đối thủ.
Trong tháng 4 Viettel là nhà mạng có số thuê bao xin chuyển đến lớn nhất, lên đến gần 9.000 thuê bao và đã chấp thuận cho 5.150 thuê bao. VinaPhone cũng đón 3.422 thuê bao sau khi ghi nhận 5.444 trường hợp đăng ký chuyển đến. MobiPhone chấp thuận cho 2.087 thuê bao sau khi nhận được 3.092 trường hợp đăng ký.
Tổng cộng trong tháng 4, Cục Viễn thông ghi nhận 17.598 trường hợp đăng ký dịch vụ MNP, trong đó đã thực hiện cho 10.711 thuê bao, từ chối 6.698 trường hợp.
Lũy kế từ ngày 16/11/2018 (thời điểm triển khai MNP) đến ngày 8/5, Vietnamobile đã thâm hụt gần 1,5 triệu thuê bao trong khi MobiFone thâm hụt khoảng 10.000 thuê bao, VinaPhone lãi 352.000 thuê bao còn Viettel lãi 1,2 triệu thuê bao.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...