Tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Phù Mỹ, Bình Định trước thềm kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chính cho biết trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp còn khó khăn, Bộ đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách tài khóa nhằm phục hồi và tăng trưởng kinh tế- xã hội.
Hơn 3 năm qua, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 với tổng giá trị hỗ trợ hơn 507.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 352.000 tỷ đồng; còn số tiền được miễn, giảm khoảng 155.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dự báo nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới.
Mục tiêu của Bộ Tài chính là tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ. |
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng, những biến động kinh tế thế giới chắc chắn có tác động lớn tới sự phục hồi của nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xem xét, nghiên cứu, kiến nghị và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ.
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12 hay đề xuất giảm 35 khoản phí, lệ phí và áp dụng cho giai đoạn từ 1/7 đến hết năm.
“Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục kiên định mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Do đó, mong các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Doanh nghiệp có mạnh, thì kinh tế mới tăng trưởng và từ đó góp phần tăng thu về cho ngân sách Nhà nước”, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, liên tục rà soát các chính sách để kịp thời gian tham mưu cho Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động. Trong đó, tập trung vào các giải pháp về giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí; triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư nhân, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...