Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vietnam Airlines lo 'chảy máu' lực lượng phi công

Ông Dương Trí Thành, CEO Vietnam Airlines cho biết đang có tình trạng một đội bay của hãng nhưng bị hãng hàng không khác “câu” mất tới 30% nhân sự, gây ảnh hưởng công tác vận hành.

Chia sẻ trong cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 90 công nhân lao động kỹ thuật cao diễn ra tại TP.HCM sáng 5/5, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đã có những trần tình về tình trạng “chảy máu” phi công của hãng thời gian qua.

Mất ít nhất 3 năm để đào tạo một phi công

Theo Nhân Dân, ông Thành cho hay trước đây, đội ngũ phi công, kỹ sư máy bay ở Việt Nam được đào tạo hoàn toàn tại nước ngoài với chi phí 200.000 USD/người.

Phần lớn số tiền này phải dựa vào nguồn vốn ODA hoặc nguồn lực từ không quân chuyển sang, có chuyển loại. Nhưng từ đầu năm 2000, Vietnam Airlines đã tự chủ hoạt động này bằng giải pháp xã hội hóa.

Vietnam Airlines lo 'chay mau' luc luong phi cong anh 1
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines. Ảnh: Minh Trang.

Theo đó, hãng đang khai thác, vận hành hơn 115 máy bay, với hơn 20.000 cán bộ nhân viên. Trong đó, có 1.200 phi công, 2.500 kỹ sư máy bay và hơn 3.000 tiếp viên hàng không.

Ông Thành cho hay để đào tạo một phi công lái chính phải tốn rất nhiều thời gian. Như phi công lái chính máy bay thông thường Airbus A320, A321, hãng cần ít nhất 3-4 năm đào tạo cơ bản.

“Còn nếu đào tạo phi công lái máy bay cỡ lớn như Airbus A350, Boeing 787 thì phải cần tới 7-8 năm”, vị CEO nhấn mạnh.

Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines từng phải đi thuê lao động nước ngoài để tiếp thu, vận hành máy móc công nghệ cao, tàu bay mới, nhưng chi phí cho hoạt động này rất cao.

Theo Chinhphu.vn, đại diện hãng Vietnam Airlines cho biết 75% đội bay của hãng là phi công Việt Nam, với tỷ lệ 800/1.200 phi công là người Việt Nam.

Và để làm được điều đó, hãng đã tập trung đầu tư lớn cho đào tạo như mở trung tâm huấn luyện bay, đầu tư thiết bị mô phỏng bay cũng như hợp tác với trung tâm đào tạo lớn của cả nước cũng như quan tâm đến chính sách đãi ngộ người lao động.

Riêng với đội ngũ kỹ sư máy bay, hiện trong hơn 2.500 người do Vietnam Airlines đào tạo, có khoảng 1.200 người đạt trình độ quốc tế, được cấp chứng chỉ an toàn hàng không của các tổ chức Hàng không uy tín trên thế giới.

Ngoài ra, các cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật máy bay của VNA có thể bảo dưỡng kỹ thuật máy bay của chính mình và cho máy bay của các hãng hàng không khác tại Việt Nam như Vietjet, Bamboo hoặc nhận đơn hàng từ các hãng hàng không trong khu vực cũng như quốc tế.

Bị hãng khác “câu” mất 30% nhân sự một đội bay

Tuy nhiên, ông Thành cho biết thị trường hàng không đang cạnh tranh mạnh hơn với sự tham gia của nhiều hãng, và Vietnam Airlines đang phải đối diện với nguy cơ “chảy máu” chất xám do các doanh nghiệp mới sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút, "kéo" phi công của hãng này.

Vietnam Airlines lo 'chay mau' luc luong phi cong anh 2
Vietnam Airlines phản ánh tình trạng đang bị hãng khác "câu" mất phi công của mình. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo Chinhphu.vn, vị lãnh đạo Vietnam Airlines tiết lộ, mức lương của phi công Việt Nam tại Vietnam Airlines hiện nay bằng khoảng 75% phi công nước ngoài, cao nhất là 300 triệu/tháng. Còn mức thu nhập bình quân hàng tháng của phi công Việt cũng vào khoảng 150 triệu/tháng.

“So với mặt bằng chung, đây là mức thu nhập mơ ước nhưng trong bối cảnh hàng không cạnh tranh ngày càng gay gắt, các phi công đòi hỏi mức thu nhập cao hơn và lãnh đạo doanh nghiệp cũng hiểu rõ điều đó”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, vị này thừa nhận dù Vietnam Airlines đã là công ty cổ phần, nhưng bản chất vẫn hoạt động theo các quy định của doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, tổng quỹ lương phải áp dụng theo đúng chính sách quy định. Kể cả trong trường hợp công ty có năng lực tài chính, cũng không thể linh hoạt tăng lương cho “anh em” để bảo đảm nguồn lực.

“Vietnam Airlines có thể coi đây là trách nhiệm của hãng hàng không quốc gia, đào tạo nhân lực chung cho ngành hàng không. Tuy nhiên, nhân sự một đội bay của hãng đã bị hãng khác "câu" mất tới 30% thì là điều bất hợp lý”, Báo Nhân dân dẫn phản ánh của ông Thành.

Qua đó, ông Thành kiến nghị các bộ, ngành rà soát quy định trong Bộ luật Lao động và các bộ luật chuyên ngành, căn cứ những ngành nghề cụ thể, nhằm bảo đảm doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

Như quy định về thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, nghĩa vụ đầu tư cho đào tạo của người sử dụng lao động, nghĩa vụ bồi hoàn chi phí đào tạo trước khi chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp khác...

Bên cạnh đó, cần ban hành các quy định về kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng đội tàu bay của các hãng hàng không phù hợp, đồng bộ quy hoạch, tốc độ phát triển hạ tầng, kỹ thuật của đất nước.

Vietnam Airlines đang làm báo cáo về văn bản 'mật' tố Bamboo Airways

Trao đổi với Zing.vn, đại diện doanh nghiệp cho biết Bộ GTVT đang yêu cầu hãng và Cục Hàng không gửi báo cáo chi tiết về vụ việc liên quan tới văn bản "mật" gửi Bộ.



Quang Thắng (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm