“Cho đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp cán bộ viên chức ở Cơ quan đại diện nhiễm Covid-19”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời Zing.vn ngày 20/3 khi được hỏi về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới các nhà ngoại giao của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao khẳng định các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã “thực hiện nghiêm túc nhiều biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch tễ, tuân thủ nghiêm các yêu cầu, khuyến cáo, quy định về phòng chống dịch của sở tại”.
Các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan nhanh bao gồm “duy trì đường dây nóng bảo hộ công dân, thường xuyên cập nhật thông tin và giữ liên hệ với sinh viên và cộng đồng người Việt Nam ở sở tại”.
Ngoài ra, các cơ quan đại diện cũng “chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị tạo điều kiện cư trú và chăm sóc y tế cho công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết, phối hợp hỗ trợ công dân trong quá trình về nước”, bà Hằng cho biết thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Việt Linh. |
Đại dịch Covid-19 nay đã lan tới 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, có tổng cộng hơn 275.000 ca nhiễm và hơn 11.000 ca tử vong. Nhưng đồng thời, cũng có gần 92.000 ca bình phục, theo Worldometer tính đến sáng 21/3.
Sau hai tháng phong tỏa diện rộng và chống dịch quyết liệt, Trung Quốc đang kiềm chế được dịch. Trung Quốc đại lục ghi nhận 41 ca nhiễm mới trong ngày 20/3, và sang ngày thứ ba liên tiếp không có ca nhiễm mới nào ở Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc.
Trong khi đó, tâm dịch lại chuyển sang châu Âu, Mỹ và Iran, và lây lan ngày càng mạnh trong những ngày qua, đe dọa “làn sóng” dịch thứ hai trở lại châu Á.
Ngày 19-20/3, liên tiếp các bang của Mỹ, bao gồm California, Illinois, New York và Connecticut ra lệnh cho người dân ở nhà, ảnh hưởng tới hơn 60 triệu người, giữa lúc số ca nhiễm ở Mỹ tăng vọt lên hơn 19.000 sau khi đẩy mạnh xét nghiệm.
Ở châu Âu, nhiều nước như Italy, Tây Ban Nha và Pháp đã ra lệnh phong tỏa tương tự trên cả nước, với cảnh sát được điều động để kiểm tra giấy phép, lý do đi lại của người dân, trong khi nhiều nước EU khác đã đóng cửa hàng quán, đóng cửa biên giới nội khối.
Các ổ dịch lớn nhất châu Âu hiện là Italy (47.000 ca nhiễm), Tây Ban Nha (hơn 21.000), Đức (gần 20.000) và Pháp (hơn 12.000), theo Worldometer tính đến sáng 21/3.