Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ 'nút thắt' trong việc dập dịch toàn cầu

Khi càng nhiều nước đẩy mạnh xét nghiệm, “nút thắt” có thể nằm ở sự thiếu hụt bộ xét nghiệm, cũng như thiếu hụt các vật dụng, nhân lực để tiến hành xét nghiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng Anh muốn đạt “miễn dịch bầy đàn”, nhất là sau phát ngôn của trưởng cố vấn khoa học chính phủ Anh Patrick Vallance nói nếu khoảng 60% dân số Anh có bệnh thì virus sẽ không lây lan trở lại. Nhưng chiến lược đó cũng vấp phải phản đối mạnh mẽ, buộc chính phủ phải lên tiếng thanh minh.

Mien dich bay dan covid-19 anh 1

Giáo sư Claire Standley. Ảnh: Đại học Georgetown.

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Claire Standley, từ Trung tâm Khoa học và An ninh Y tế Toàn cầu, thuộc Đại học Georgetown ở Washington, D.C., Mỹ, nhận xét rằng Anh có thể không muốn ngăn chặn hoàn toàn virus corona lây lan, mà muốn kiểm soát tốc độ lây lan ở mức hợp lý sao cho hệ thống bệnh viện không bị quá tải - giống như điều chỉnh dòng chảy từ vòi nước.

Tuy nhiên, đó là chiến lược rủi ro, theo tiến sĩ Standley, người chuyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm. Dịch bệnh không như dòng nước để có thể dễ dàng điều chỉnh, và các biện pháp kiểm soát thường mất một khoảng thời gian mới có tác dụng. Nói cách khác, “vòi nước” có thể không tốt như dự kiến.

Bà cũng cảnh báo những “nút thắt” có thể trong khâu xét nghiệm, một khi nhiều nước muốn đẩy nhanh, mở rộng xét nghiệm theo như lời khuyên của WHO.

Mien dich bay dan covid-19 anh 2

Một phụ nữ đeo khẩu trang đi bộ qua cầu Westminster. Ảnh: Reuters.

Không chắc Anh muốn “miễn dịch bầy đàn”

- “Miễn dịch bầy đàn” có phải là chính sách mà Anh muốn hướng tới?

- Chính sách của Anh đang có sự dịch chuyển. Ban đầu, dường như họ không muốn áp đặt các biện pháp hà khắc, và có những dấu hiệu cho thấy điều đó nằm trong một chiến lược tổng thể: chấp nhận những người nguy cơ thấp (khỏe mạnh, dưới 50 tuổi) sẽ nhiễm bệnh để tạo nên “miễn dịch bầy đàn”.

Tuy nhiên, ngay cả khi Anh trì hoãn các biện pháp hà khắc, vẫn không thể chắc chắn liệu chính phủ Anh có thực sự muốn để cho 40 triệu người nhiễm bệnh hay không. Có thể là với việc trì hoãn các biện pháp hà khắc, họ chỉ đang muốn cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe và duy trì, không để xáo trộn cuộc sống bình thường.

Về lý thuyết, nếu để dịch bệnh lây lan lúc đầu, có thể dẫn đến “miễn dịch bầy đàn”, so với chiến lược phong tỏa nghiêm ngặt, để rồi vẫn có nguy cơ dịch bệnh lây lan trở lại sau vài tháng.

Sau nhiều lời chỉ trích, phản đối từ giới khoa học, y học đối với chính sách nới lỏng, chính phủ Anh dường như đang rời xa lập trường trước đó là không áp dụng biện pháp hà khắc. Chẳng hạn, các trường học tại Anh đóng cửa từ ngày 20/3.

- Nếu Anh chủ động theo đuổi “miễn dịch bầy đàn”, khả năng thành công của chiến lược đó có cao không?

- Như đã nói trên, Anh dường như đang thay đổi chiến lược và bắt đầu áp dụng các biện pháp khắt khe hơn, bao gồm đóng cửa trường học, dù Anh không phong tỏa hoàn toàn như Tây Ban Nha, Pháp, Italy.

Thay vào đó, Anh nghiêng theo hướng giống Đức, nơi hàng quán đã đóng cửa, nhưng người dân vẫn được phép ra khỏi nhà mà không cần chứng minh lý do.

Nếu chính phủ Anh vẫn tiếp tục theo chiến lược ban đầu, sẽ có những rủi ro. Anh có thể nghĩ rằng sẽ điều chỉnh được tốc độ lây lan, như nước chảy ra từ vòi. Họ cho rằng có thể cho chảy nhỏ giọt, và miễn dịch sẽ dần hình thành trong dân số. Đa số ca nhiễm sẽ là nhẹ, có thể chữa trị ở nhà mà không đặt gánh nặng lên Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS), còn các ca nặng sẽ ở mức thấp để NHS xử lý được.

Tuy nhiên, dịch bệnh không giống nước chảy từ vòi, còn các biện pháp chống dịch như giữ khoảng cách xã hội cũng không giống vòi nước.

Đầu tiên, mọi thứ chúng ta biết về dịch bệnh đang là một khoảng ước tính. Chẳng hạn, hiện ước tính khoảng 20% số ca nhiễm sẽ cần nhập viện. Nhưng nếu con số thực là 23%, do sự khác biệt nào đó về sức khỏe dân số, lứa tuổi hay yếu tố khác của riêng nước Anh, thì sẽ thay đổi đáng kể số giường bệnh cần có.

Ngoài ra, việc yêu cầu mọi người giữ khoảng cách để kiềm chế dịch khó có tác dụng tức thì, mà phải sau một khoảng thời gian. Vì vậy, nếu số ca nhiễm tăng vọt, sẽ khó có thể kiểm soát lây lan một cách tức thì.

Như chúng ta đã thấy ở Italy, số ca đã tăng vọt dù các biện pháp kiểm soát quyết liệt được ban hành. Vì vậy, sẽ an toàn hơn nếu áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, như giữ khoảng cách, ngay từ đầu, trước khi số ca tăng vọt, dù cho các biện pháp đó sẽ gây rất nhiều xáo trộn.

Mien dich bay dan covid-19 anh 3

Cảnh sát Pháp kiểm tra giấy tờ một người đi xe đạp trước Khải Hoàn Môn, Paris giữa lệnh phong tỏa, ngày 18/3. Ảnh: Reuters.

Đẩy mạnh xét nghiệm, có thể thiếu vật liệu đầu vào

- Số lượt xét nghiệm ở Mỹ thua xa các quốc gia khác đang làm tâm dịch Covid-19. Có phải Mỹ đã chậm trễ trong khâu xét nghiệm?

- Mỹ đã quá chậm trong việc triển khai xét nghiệm, nhưng cũng may là Mỹ có vẻ đang nỗ lực để giải quyết các vướng mắc trước đó và đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm.

Một bước quan trọng là khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thay đổi chính sách, cho phép các phòng lab không thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) được phát triển và áp dụng phương pháp xét nghiệm của riêng mình, chẳng hạn các phòng lab của cơ quan y tế tiểu bang. Dù vậy, kết quả xét nghiệm ban đầu vẫn phải được CDC kiểm chứng.

Việc đảm bảo chuỗi cung ứng đầu vào cho lượng xét nghiệm ngày càng cao sẽ là một thách thức, bên cạnh việc phải có đủ nhân lực đã qua tập huấn để tiến hành xét nghiệm.

Chúng ta thấy được thách thức này ở bang Colorado tuần trước, khi một trạm “lái xe qua để xét nghiệm” nhanh chóng quá tải, vì nhu cầu vượt xa công suất xét nghiệm. (Trạm phải đóng cửa sau đó hai ngày vì thời tiết lạnh). Đang bắt đầu có những ghi nhận khác về tình trạng thiếu hụt que lấy mẫu hay hóa chất để phân tách ARN (reagent).

- Chúng ta rút ra được điều gì từ Hàn Quốc, quốc gia đã xét nghiệm diện rộng ngay từ đầu?

- Hàn Quốc đã có cách tiếp cận đặc biệt chủ động, đi trước trong việc xét nghiệm, mà tôi cho là đã đem lại kết quả, cụ thể là số ca nhiễm mới giảm đi.

Hàn Quốc đã trực tiếp chiến đấu với dịch SARS năm 2003, thấy được việc tìm kiếm mạnh mẽ các ca bệnh, truy lùng, giám sát quá trình tiếp xúc đã giúp dập tắt dịch SARS như thế nào.

Nhưng dịch Covid-19 ở Hàn Quốc cũng khá đặc biệt, khi tỷ lệ lớn các ca nhiễm ban đầu đều liên quan tới giáo phái Tân Thiên Địa. Vì vậy, việc xét nghiệm có thể tập trung vào một nhóm. Nếu phải mở rộng xét nghiệm diện rộng trên cả cộng đồng thì sẽ khó hơn nhiều.

Tôi muốn chờ xem các nước như New Zealand, gần đây tuyên bố sẽ mở các trung tâm xét nghiệm cộng đồng, sẽ làm thế nào để giải quyết vấn đề vật liệu đầu vào cho xét nghiệm. Hay Mỹ sẽ làm thế nào khi phạm vi cần xét nghiệm là rất rộng?

Mien dich bay dan covid-19 anh 4

Một phòng lab đang phát triển thêm phương thức xét nghiệm Covid-19 tại New Jersey. Ảnh: AFP.

- Việc mở rộng xét nghiệm Covid-19 ở một quốc gia nên phụ thuộc vào số ca nhiễm hay vào các yếu tố nào?

- Một yếu tố nữa là liệu có đang có lây lan trong cộng đồng hay không. Nếu có lây lan trong cộng đồng, sẽ phải xét nghiệm rộng hơn rất nhiều. Khi ấy, một lựa chọn có thể là lồng ghép xét nghiệm Covid-19 trong quy trình chẩn đoán bệnh hô hấp tại các bệnh viện, phòng khám, hoặc có thể là ưu tiên xét nghiệm các nhân viên y tế có triệu chứng về hô hấp.

Tất nhiên, cũng phải xét nghiệm người tiếp xúc với ca bệnh, và người vừa tới những nơi có nguy cơ. Tuy vậy, ở các nước châu Âu và Mỹ, lịch sử đi lại ngày càng không phản ánh được rủi ro, vì đã có nhiều ca không đi tới vùng dịch, nhưng lại lây bệnh từ người khác.

- Với việc nhiều nước trên thế giới đẩy mạnh xét nghiệm, liệu có phải lo xảy ra tình trạng thiếu bộ xét nghiệm?

- Chắc chắn đó là điều nên lưu ý, nhưng cho đến nay thì trở ngại lớn nhất ở nhiều quốc gia lại là chính sách, quy định, tức sẽ xét nghiệm ai, ai là người tiến hành xét nghiệm.

Tuy nhiên, khi càng nhiều nước đẩy mạnh xét nghiệm, “nút thắt” có thể nằm ở sự thiếu hụt bộ xét nghiệm, cũng như thiếu hụt các vật dụng để tiến hành xét nghiệm (que lấy chất dịch, chất để tách ARN,...). Nhân lực cũng là một nút thắt.

- Xin chân thành cảm ơn bà!

'Miễn dịch bầy đàn' và chiến lược để chống Covid-19

Một chuyên gia nói thế giới sẽ phải “sống chung với dịch” và dịch chỉ dừng khi đạt được "miễn dịch bầy đàn" trong cộng đồng.

Bị chỉ trích, Anh bác bỏ ý tưởng 'miễn dịch bầy đàn' khống chế virus

Chiến lược "miễn dịch bầy đàn", theo đó khoảng 60% người dân Anh sẽ bị để nhiễm virus, vấp phải rất nhiều ý kiến chỉ trích, khiến chính phủ Anh thay đổi cách tiếp cận.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm