Anh đang xem xét kế hoạch tự cách ly mới áp dụng cho người trên 70 tuổi nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới tại nước này, sau những chỉ trích đối với đề xuất về "miễn dịch bầy đàn". Theo đề xuất này, 60% dân số sẽ bị để nhiễm bệnh để tạo nên sự miễn dịch trong cộng đồng.
Hôm 13/3, cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ Anh, ông Patrick Vallance nói một trong "những điều then chốt chúng ta cần làm" là "xây dựng miễn dịch bầy đàn để có thêm nhiều người miễn dịch đối với căn bệnh này và chúng ta giảm được sự lây nhiễm".
Đến hôm 15/3, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nhấn mạnh rằng việc đạt được miễn dịch bầy đàn đối với Covid-19, bệnh do chủng virus corona mới gây ra, không phải chính sách đã định, theo Vox.
Thay vào đó, ông nói "trong những tuần tới", những người trên 70 tuổi sẽ được yêu cầu tự cách ly. Điều này trái với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, yêu cầu tất cả mọi người bất kể độ tuổi phải thực hiện "cách ly xã hội".
"Điều chúng ta sẽ làm là lắng nghe mọi nhà khoa học uy tín và chúng ta sẽ xem xét mọi bằng chứng", ông Hancock nói. "Miễn dịch bầy đàn không phải là mục tiêu hay chính sách của chúng tôi. Đó là một khái niệm khoa học".
Đến 15/3, Anh vẫn chưa cấm các sự kiện tập trung đông người trong nỗ lực ứng phó với virus corona. Trong ảnh là những người tham gia cuộc thi marathon Bath ở Anh hôm 15/3. Sự kiện được cho là thu hút hơn 6.000 người tham gia. Ảnh: Getty. |
Anh đã đối mặt với câu hỏi về tính hiệu quả của hướng dẫn cách ly xã hội mà chính phủ ban hành. Chẳng hạn, tại một cuộc họp báo hôm 12/3, các quan chức chính phủ, bao gồm Thủ tướng Boris Johnson, không nói cụ thể liệu việc tụ tập đông người nơi công cộng, bao gồm thi đấu bóng đá, có bị cấm hay không.
Ông Johnson sẽ chủ trì một cuộc họp khẩn cấp vào chiều 16/3 để bàn về các biện pháp này.
Anh hiện đã ghi nhận ít nhất 1.372 ca nhiễm, với số người tử vong đã lên đến 35, theo ITV News. Chính phủ đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc đưa ra một chiến lược rõ ràng hơn và thống nhất hơn để khống chế virus.
Lập luận của những người ủng hộ việc đạt được miễn dịch bầy đàn, hay miễn dịch cộng đồng", là làm như vậy sẽ giúp giảm nguy cơ virus tái bùng phát, như làn đợt bùng phát thứ hai của dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Trong kịch bản miễn dịch bầy đàn thành công, dân số của một quốc gia, tức "bầy đàn", sẽ bị nhiễm virus, và sau đó sẽ miễn dịch với nó, khiến họ không còn có thể nhiễm bệnh.
Để có thể đạt được miễn dịch bầy đàn, theo ông Vallance, khoảng 60% người dân Anh cần phải nhiễm virus. Với dân số 66 triệu người, chiến lược này có nghĩa là đến 40 triệu người phải mắc bệnh. Với tỷ lệ tử vong trung bình 1%, số người chết tại Anh vì virus này có thể dao động từ 300.000 đến 1 triệu người.
Tính toán đó khiến hơn 200 nhà khoa học, chuyên gia y tế phản đối chiến lược miễn dịch bầy đàn trong một bức thư mở hôm 14/3. Họ cho rằng chiến lược này "có vẻ không phải là phương án khả thi" vì có thể khiến hệ thống y tế Anh quá tải với các ca bệnh nặng.
Thay vào đó, họ kêu gọi thực hiện biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt với đối tượng áp dụng đa dạng hơn những gì chính phủ đang khuyến cáo.
Cách tiếp cận của Anh trong việc ngăn chặn virus đến nay vẫn được cho là tương đối nhẹ nhàng so với các nước khác với tỷ lệ lây nhiễm tương đương. tại Mỹ, với hơn 3.000 ca nhiễm được các nhận tính đến 15/3, nhiều sự kiện công cộng như thi đấu bóng chày, bóng rổ, lễ hội... đã bị hủy bỏ. Nhiều thành phố cũng ra lệnh đóng cửa các địa điểm công cộng.