Có một sự thơ mộng pha lẫn cảm giác hậu tận thế ở New York.
Ở trung tâm Manhattan, một cặp đôi trẻ, tay trong tay, nép vào nhau che chung chiếc ô. Đôi mắt họ ánh lên cái nhìn trìu mến, nhưng phần dưới khuôn mặt họ bị che lấp bởi khẩu trang y tế màu xanh nhạt.
Họ vẫn tới đây bất chấp những lo lắng trên toàn New York về virus corona. Nhiều khu ở thành phố New York “không bao giờ ngủ” vẫn có chút sống động, nhưng nhiều cửa tiệm đã đóng cửa, và số người đi bộ giảm đi trông thấy.
Một cảnh sát đi qua đường ở Quảng trường Thời đại vắng người ở thành phố New York ngày 12/3. Những ngày thường, vài dãy phố quanh đây luôn được coi là nơi mà người New York “ghét nhất”, vì họ sẽ không đi qua nổi đám đông chật kín đang tham quan, thưởng ngoạn ánh đèn hoa lệ và không khí sầm uất. Ảnh: Getty Images. |
Phụ kiện hot nhất New York là khăn lau khử trùng
Trong khi số ca nhiễm vẫn tăng nhanh ở New York và trên toàn nước Mỹ, các cá nhân, chính quyền và các tổ chức đều đang có những biện pháp để kiềm chế dịch bệnh. Hệ thống tòa án New York giờ đang “chậm như rùa”. Các nhà hàng, quán bar, rạp hát Broadway nổi tiếng thế giới cũng đóng, chỉ cho khách gọi đồ ăn online.
Các trường công lập đã đóng cửa. Hệ thống trường công ở New York là lớn nhất nước Mỹ với 1,1 triệu học sinh, sinh viên.
Đường phố tại đây “nổi tiếng” là thường xuyên tắc đường. Người New York vốn thiếu kiên nhẫn khi phải chờ đèn tín hiệu tới lượt qua đường, nay xe cộ vắng hơn, có lẽ họ không cần chờ đèn tín hiệu để qua đường.
Bang New York có 1.374 ca nhiễm Covid-19 tính đến ngày 18/3, theo New York Times. Tính riêng thành phố New York đang có ít nhất 923 ca nhiễm tính đến ngày 17/3, tăng mạnh so với con số 814 vừa được báo cáo trước đó, theo New York Post.
Ở khu phố Tàu, các tiệm bánh thường nhộn nhịp giờ gần như trống không.
“Do tình hình nghiêm trọng, các loại bánh có thể sẽ giới hạn”, thông báo từ một tiệm bánh, dán lên cửa, có viết. Qua cửa kính, có thể thấy ghế lật ngược lại, đặt lên bàn. Một vài tiệm kính thuốc và trang sức vẫn mở, nhưng nhân viên chờ mãi không có khách.
Lên phía bắc một chút là khu Little Italy của người gốc Italy. Thông báo của một tiệm bánh có viết: “Vì an toàn của bạn + chúng tôi, mỗi lúc không được quá 4 người vào trong”.
Ở khu Soho sang trọng, túi xách, hàng hiệu nằm im trong các tiệm nhỏ xinh đã đóng cửa, dù rằng một số nơi thông báo khách hàng vẫn có thể hẹn trước để tới mua hàng.
Trung tâm thương mại Oculus gần ga tàu WTC (Trung tâm Thương mại Thế giới) vắng người. Ảnh: Reuters. |
Dọc phố Broadway, từ đoạn giao với phố Houston đi xuống phía nam, vỉa hè gần như không có người. Cửa hàng Victoria’s Secret thường đông khách vây quanh kệ bán bán đồ lót hạ giá “mua 3, tặng 3”, nhưng giờ đây cũng đóng cửa.
Đi tiếp xuống phía nam, gần tòa thị chính, một người đàn ông lững thững đi trên vỉa hè, tay cầm hộp giấy lau tẩy trùng.
“Tôi cũng quý nha sĩ của mình, nhưng tôi không an tâm là ghế ngồi đã được lau sạch sẽ”, Mark Oldman nói với Guardian khi đang đi tới một cuộc hẹn khám răng. “Phải tự mang thôi”.
“Phụ kiện ‘hot’ nhất New York bây giờ không phải là iPhone”, anh nói đùa.
“Thành phố này như đang trong lễ Tạ ơn”, anh ví von với dịp mà nhiều cư dân New York về nhà ở các bang khác. “Không lịm hẳn, nhưng như một thị trấn ma”.
“Không phải tận thế như trên TV hay nói”, Oldman nói tiếp. “Tôi thấy một cô gái đi vào Zara, và tôi nghĩ bụng ‘hay nhỉ, trong dịch bệnh còn đi mua sắm’”.
Góc phố không một bóng xe tại New York ngày 15/3. Ảnh: Reuters. |
“Đau lòng” khi rời New York tránh dịch
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo mọi sự kiện trên 50 người nên bị hủy hoặc hoãn trong vòng 8 tuần tới.
Cũng có những dấu hiệu khác cho thấy còn có cuộc sống thường nhật, nhưng pha lẫn thận trọng.
Hai công nhân xây dựng đang nói chuyện khi đi bộ về phía phố Wall. Một người đeo khẩu trang N-95. Người đồng hành với anh thì không đeo khẩu trang.
Nhiều người Việt ở New York cho biết họ từng không dám đeo khẩu trang vì “chẳng thấy ai đeo”, nhưng gần đây cảnh đeo khẩu trang trở nên phổ biến hơn.
Lượng người đi tàu điện ngầm cũng giảm đi, thay vào đó số lượt dùng dịch vụ thuê xe đạp của thành phố (CitiBike) lại tăng.
Gần khu Civic Center (bao gồm tòa thị chính, trụ sở cảnh sát, tòa án, các tòa nhà chính quyền), một cô gái trẻ đeo khẩu trang rời tòa nhà của một trường đại học. Cô ngồi trên ghế dài và kéo khẩu trang xuống cằm, rồi châm lửa hút thuốc. Tay cô liên tục chạm vào miệng khi hút thuốc - trái với khuyến cáo của cơ quan y tế trên toàn thế giới.
Ghế ngồi trống không gần khu Hudson Yards ở New York. Ảnh: Reuters. |
Quay lại khu phố Tàu, một số người bắt đầu xếp hàng bên ngoài văn phòng đăng ký kết hôn. Vì chính quyền đề nghị giữ khoảng cách, chỉ 50 người được phép vào bên trong.
Rei Hayashi và Ben Shaul, cặp đôi 8 năm, đang đứng đợi. Đăng ký kết hôn chỉ là “thủ tục”, Hayashi và Shaul nói, nhưng bây giờ họ mới có thời gian để đi đăng ký.
“Chỉ là làm cho có thôi”, Shaul nói với Guardian.
Federica Bressan, một học giả Fulbright đang có dự định trở về quê nhà ở Gorizia, Italy ngày 22/3 tới. Cô “rất đau lòng” khi sắp rời New York, và dù cô không quá sợ virus corona, nhưng cô cảm thấy “bất trắc”.
“Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra”, cô nói. “Dù có xảy ra điều gì, tôi nghĩ về nhà vẫn hơn”.