SEA Games 30 chứng kiến cuộc đua tranh hấp dẫn giữa Đoàn thể thao Việt Nam và Thái Lan cho vị trí thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương. Hai đoàn bám đuổi nhau quyết liệt và cuối cùng, Việt Nam bỏ xa đối thủ 6 tấm huy chương vàng.
98 tấm huy chương vàng giành được, trong đó kết thúc bằng tấm huy chương vàng đến từ môn bóng đá nam, giúp Đoàn thể thao Việt Nam vững vàng ở vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương. Điều này gây bất ngờ lớn khi chỉ tiêu đặt ra cho Đoàn Việt Nam trước khi lên đường tranh tài là 65 huy chương vàng.
Ánh Viên giành 6 HCV tại SEA Games 30. Ảnh: Minh Chiến. |
Việt Nam bay cao, Thái Lan giậm chân những ngày đầu
Đoàn thể thao Thái Lan tham dự SEA Games 30 với tổng cộng gần 1.000 vận động viên, tranh tài ở gần 50 môn thi, với mục tiêu cạnh tranh ngôi vị nhất toàn đoàn khi đề ra giành khoảng 100 huy chương vàng. Trong khi đó, đoàn Việt Nam cử lực lượng với hơn 600 vận động viên, tranh tài ở hơn 40 môn thi và phấn đấu giành 65 HCV để nằm trong top 3 đoàn dẫn đầu.
Những ngày thi đầu tiên, Việt Nam thi đấu ấn tượng với thế mạnh đến từ các môn võ gậy (arnis), khiêu vũ thể thao (dancesport), cử tạ hay kurash. Những tấm HCV nằm ngoài kỳ vọng giúp Việt Nam đứng vững vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng.
Thái Lan bị mất "mỏ vàng" ở môn cử tạ do nhận án cấm thi đấu vì liên quan đến doping nên không có được khởi đầu tốt. Trong 4 ngày đầu tiên, Thái Lan có 8 HCV, trong khi đó con số này của Việt Nam là 24, gấp 3 lần đối thủ.
Thành công của đoàn Việt Nam đến từ những chiến thắng kịch tính và giàu cảm xúc của các lực sĩ môn cử tạ, cùng với sự thống trị ở môn kurash. Chỉ riêng môn võ kurash, Việt Nam đã giành 7 HCV trong 10 bộ huy chương.
Đoàn Việt Nam khép lại kỳ đại hội thành công ngoài mong đợi. Đồ họa: Hồng Thảo. |
Thái Lan tăng tốc nhưng Việt Nam thi đấu ấn tượng
Những ngày thi đấu tiếp theo chứng kiến sự bứt tốc của Đoàn thể thao Thái Lan. Trong ngày 8/12 và 9/12, Thái Lan có gần 40 HCV để vươn lên vị trí thứ 3 trên bảng tổng sắp, "phả hơi nóng" lên đoàn Việt Nam. Các vận động viên đến từ xứ sở chùa Vàng thắng lớn ở các môn võ và xe đạp, nhưng Việt Nam lại gặt hái thành công từ môn bơi, bắn cung và vật.
Trong 2 ngày cuối, Thái Lan có thời điểm bỏ xa đoàn Việt Nam 4 HCV, nhưng những tấm HCV liên tiếp của các đô vật Việt Nam đã giúp khoảng cách giữa hai đoàn được thu hẹp.
Khi cuộc đua trở nên căng thẳng, võ sĩ Trương Đình Hoàng bước vào trận chung kết hạng 82 kg môn boxing gặp đối thủ đến từ Thái Lan. Tay đấm Việt Nam bị trọng tài xử thua dù thi đấu vượt trội hơn. Nhiều người cho rằng nếu cuộc đua tranh giữa Thái Lan và Việt Nam cho vị trí thứ 2 chỉ hơn nhau 1 tấm HCV, đây là trận đấu mang tính quyết định.
Dù vậy, "mỏ vàng" vật và điền kinh giúp Việt Nam thắng thế trong ngày cuối cùng. Sau khi các đô vật Việt Nam thâu tóm 7 HCV trong ngày cuối cùng để thu hẹp khoảng cách huy chương, các vận động viên điền kinh "lĩnh ấn chốt hạ".
Cuộc đua tranh cho ngôi nhì toàn đoàn giữa hai đội gần như phụ thuộc vào điền kinh. Đây là môn thi có tới 45 bộ huy chương được trao và là sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai đoàn.
Điền kinh, vật và bắn cung giúp Việt Nam thắng lớn những ngày cuối. Ảnh: Minh Chiến, Việt Linh. |
Dù vậy, các vận động viên Việt Nam có ngày thi đấu cuối cùng bùng nổ để giành tới 6 tấm HCV, trong đó có cú đúp của Nguyễn Thị Oanh và sự thống trị ở các đường chạy 400 m. Điền kinh Việt Nam giành tổng cộng 16 tấm HCV và giành ngôi nhất toàn đoàn.
Tuyển điền kinh bảo vệ thành công ngôi đầu góp phần giúp Đoàn Việt Nam vượt qua Thái Lan để lấy lại vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp trong tối 10/12. Chưa dừng lại ở đó, khoảng cách huy chương vàng đã được Việt Nam nới rộng lên thành con số 6 (97 so với 91).
Kết thúc ngày thi đấu, U22 Việt Nam đem về tấm HCV lịch sử, làm nức lòng người hâm mộ. Đây cũng là tấm HCV thứ 98 của Đoàn Việt Nam. Khép lại kỳ đại hội thành công, đáng nhớ.