Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Việt Nam sở hữu lợi thế để phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ

Các sản phẩm nông sản xanh chuẩn hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi, tạo điều kiện để nhiều nhà nông chuyển dịch và mở rộng cơ cấu sản xuất theo hướng này.

Xuất phát điểm của sản xuất nông nghiệp chính là nông nghiệp hữu cơ. Qua thời gian, sự phát triển của khoa học, đặc biệt là lĩnh vực hóa chất, đã tạo ra nhiều sản phẩm tiện lợi và đa năng để hỗ trợ người nông dân. Song, những sản phẩm như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học... lại chứa độc tố gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và chất lượng cuộc sống của con người. Đó là lý do phát triển nông nghiệp hữu cơ được đánh giá là xu thế không thể đảo ngược.

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy sự xuất hiện của những mô hình trồng lúa, rau, cây ăn quả “chuẩn xanh”, hay trồng trọt kết hợp chăn nuôi để tạo thành một quy trình sản xuất tuần hoàn. Dù vậy, phần lớn trong số này mang tính tự phát với mục tiêu ngắn hạn 2-3 năm, trong khi nông nghiệp hữu cơ cần song song định hướng phát triển lâu dài.

Xu thế tất yếu

Theo nghiên cứu năm 2022 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về thách thức ô nhiễm môi trường nông nghiệp tại Việt Nam, Trung Quốc và Philippines, sản xuất nông nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tương đương công nghiệp. Điều này đến từ việc sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Giai đoạn 2001-2018, lượng phát thải khí nhà kính đã tăng từ 4,7 tỷ tấn lên hơn 5,3 tỷ tấn CO2, tương đương hơn 14%.

Sự ra đời của nông nghiệp hữu cơ trở thành một trong những giải pháp tối ưu để hạn chế và kiểm soát ô nhiễm, từ đó hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Theo đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn liền “5 không”: Không hóa chất bảo vệ thực vật; không phân bón hóa học; không chất kích thích tăng trưởng; không sản phẩm đột biến gen và không phân bắc (phân bón từ phân người chưa phân hủy hoàn toàn).

Các nguyên tắc sản xuất đều được quy định trong tiêu chuẩn của Liên đoàn Các phong trào Canh tác Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế (IFOAM), với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ (FIBL) và IFOAM, trên thế giới, diện tích canh tác hữu cơ đang có xu hướng ngày càng tăng. Cụ thể, sau khi đạt mức tăng 150% trong 10 năm từ 2006 đến 2016, trên thế giới có khoảng 57,8 triệu ha canh tác hữu cơ. Con số này nâng lên hơn 71 triệu ha ở năm 2021, với sự góp mặt của khoảng 186 quốc gia, nổi bật nhất là Australia, Argentina, Trung Quốc, Mỹ...

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ “khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn”. Trước đó, năm 2018, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và năm 2020 có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Kết nối để gỡ rối

Chia sẻ tại diễn đàn khuyến nông với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn khu vực trung du miền núi phía Bắc” đầu tháng 6, ông Lê Bá Thành - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang - cho biết: “Sản xuất hữu cơ phải có định hướng dài hạn, càng dài càng có lợi. Qua thực tế tại một số địa phương, có tình trạng người dân thấy chán nản vì bán sản phẩm hữu cơ nhưng doanh thu, lợi nhuận không tương xứng. Họ rất dễ quay lại sản xuất theo phương pháp thông thường”.

Việc thiết lập mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi sự đầu tư lớn với độ phức tạp cao. Điều này khiến chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm bị đội lên trong bối cảnh người nông dân vẫn loay hoay với câu chuyện đầu ra vì chưa tạo được khác biệt. Do đó, tại một số vùng trồng, nhiều hộ dân chưa dám khẳng định sản phẩm đạt “chuẩn hữu cơ”, thay vào đó chỉ có “định hướng hữu cơ”.

Người nông dân đứng trước muôn cái khó để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng “tự lực cánh sinh”. Đầu tiên phải kể đến tập quán sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ theo kinh tế hộ gia đình. Tiếp đến là thiếu kiến thức về các lĩnh vực ngoài nông nghiệp như kinh tế - tài chính, quản lý... Quan trọng không kém là thiếu vốn đầu tư dẫn đến sợ rủi ro, ngại thay đổi.

Để giải quyết vấn đề tập quán và kiến thức, theo nhiều chuyên gia, hợp tác xã đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Thông qua việc thành lập các tổ, nhóm, người nông dân có thể tập trung hạ chi phí sản xuất, bao gồm cả mua nguyên - vật liệu và vận hành, xuống thấp nhất. Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp, đại lý lớn và uy tín sẵn sàng đầu tư hoặc đảm bảo nguồn cung nguyên - vật liệu đầu vào, tạo ra chuỗi sản xuất quy mô lớn.

Nong nghiep Viet Nam anh 7

Hoạt động theo mô hình hợp tác xã giúp người nông dân giải bài toán khó.

Song song đó, nhờ hoạt động theo mô hình hợp tác xã, người nông dân nâng cao cơ hội tiếp cận những kiến thức mới để tăng hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, quản lý và phát triển mô hình kinh doanh thông qua những buổi tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo từ chính quyền địa phương.

Đó có thể là phương pháp thiết lập mô hình nông nghiệp tuần hoàn kết hợp trồng trọt và chăn nuôi hay nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm; áp dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất; đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ lên sóng livestream; tối ưu quy trình vay vốn và quản lý tài chính...

Về vấn đề vay vốn, hiện nay, các ngân hàng thương mại lớn, tiêu biểu như HDBank, trong nhiều năm qua đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng để đáp ứng dư nợ cho khu vực tập trung khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các hộ gia đình kinh doanh. Thông qua dịch vụ HDBank Nông thôn, việc tiếp cận nguồn vốn với người nông dân trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ những dịch vụ cho phép đăng ký và thực hiện thủ tục hoàn toàn trực tuyến, được hỗ trợ bởi đội ngũ cộng tác viên chuyên nghiệp, tận tâm, kết hợp nhiều ưu đãi hấp dẫn: Lãi suất cho vay ưu đãi 0%/năm trong tháng đầu tiên; 4,5%/năm trong 6 tháng; 6,5%/năm trong 12 tháng đầu; 8,5%/năm trong 24 tháng đầu.

Nong nghiep Viet Nam anh 8

Những dịch vụ ngân hàng số đưa nguồn vốn đến gần người nông dân hơn.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là hành trình dài với mục tiêu hàng chục năm, song chắc chắn là xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Cục Trồng trọt cho biết năm 2022, cả nước có khoảng 220.000 ha canh tác hữu cơ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 335 triệu USD, tăng gần 15 lần so với năm 2010 và đứng thứ 8/10 nước có diện tích nông nghiệp hữu cơ tại châu Á. Diện tích được chứng nhận trồng trọt hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam tăng dần qua từng năm, đạt hơn 2.828 ha vào năm 2023. Tuy nhiên, Cục Trồng trọt đánh giá con số này vẫn còn khiêm tốn so với diện tích trồng trọt trong nước.

Dưới góc độ của người tiêu dùng, việc ưa chuộng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là hoàn toàn có cơ sở. Điều kiện sống cao hơn đồng nghĩa mọi người hướng đến chất lượng cuộc sống tốt hơn. Thêm vào đó, đối mặt nguy cơ từ các căn bệnh với nguyên nhân tiềm ẩn ở môi trường sống, thói quen sinh hoạt, đồ ăn, thức uống... hàng ngày, người dân mong muốn vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nói riêng và sức khỏe nói chung được đặt lên hàng đầu.

Đắc Tú - Tú Nhã

Bình luận

Bạn có thể quan tâm