Đeo trên vai đôi gàu gánh với chiếc quần được xắn cao tới đầu gối để tưới cả vườn rau giữa ngày hè, Minh Ngọc (26 tuổi, Hà Nội) gọi trải nghiệm “một ngày làm nông dân” tại làng rau Trà Quế (Hội An) là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong lần trở lại miền Trung.
“Đây không phải lần đầu tôi tới Hội An. Song, trước đây, tôi chỉ ghé thăm phố cổ như một phần của chuyến du lịch biển Đà Nẵng như mọi người. Giới trẻ ngày nay thích những chuyến đi có nhiều trải nghiệm thực tế khó tìm ở thành phố hơn. Tại Trà Quế, tôi được trồng rau, tưới nước, bón phân và chăm sóc cây dưới sự hướng dẫn của chính những nông dân nơi đây. Họ không còn làm nông đơn thuần, mà đã tận dụng thế mạnh để tạo ra những mô hình du lịch cộng đồng thú vị”, Minh Ngọc chia sẻ.
Mục tiêu kép cho chương trình OCOP
“Được mùa mất giá, được giá mất mùa” từ lâu vẫn luôn là bài toán khó cho ngành công nghiệp Việt Nam. Việc người nông dân chưa thể tự quyết giá ảnh hưởng lớn đến đầu ra của nông sản nói riêng và phát triển nông nghiệp nói chung, dẫn tới một trong những hệ lụy là những cuộc “giải cứu” vốn chỉ được coi là giải pháp mang tính nhất thời.
Năm 2018, chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (One Commune One Product - OCOP) được triển khai nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập người dân tại các địa phương.
Chương trình OCOP được triển khai nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực. |
Ở giai đoạn đầu, chương trình đã đạt được một số thành tựu cơ bản về số lượng sản phẩm, quy mô cũng như sự đồng thuận tham gia ở các địa phương. Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, cần nhiều hơn sự “kết nối” - đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình, phương thức liên kết theo chuỗi bám sát thị trường.
Nhiều tỉnh thành làm nông nghiệp tại Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm mang tính đặc sản. Song, bán sản phẩm OCOP, đúng với ý nghĩa “mỗi xã một sản phẩm” của chương trình, còn là bán giá trị văn hóa địa phương. Nói cách khác, nếu những giá trị đó được thể hiện qua chất lượng nông sản, tinh hoa ẩm thực, câu chuyện trồng trọt và chăn nuôi, quà tặng đặc sản... mang đến khách du lịch trong và ngoài nước, chương trình OCOP có thể đạt được “mục tiêu kép” - vừa đảm bảo đầu ra sản phẩm, vừa phát triển du lịch.
Du khách được trải nghiệm làm nông dân tại các điểm du lịch cộng đồng. |
Làng rau Trà Quế nơi Minh Ngọc trải nghiệm “một ngày làm nông dân” chỉ là một trong số rất nhiều địa phương đang nỗ lực phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp. Một số nhà nông, đặc biệt tại các tỉnh thành có thế mạnh nuôi trồng cây ăn quả, mạnh dạn đầu tư những mô hình vườn chất lượng cao, song song tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên của địa phương để phát triển du lịch thay vì làm nông thuần túy.
Những hợp tác xã nông nghiệp này triển khai các tour du lịch thu hút du khách cả trong lẫn ngoài nước. Tại đây, du khách được dạo vườn, lắng nghe những câu chuyện về lịch sử và văn hóa, trực tiếp trải nghiệm nghề nông, thưởng thức sản phẩm “cây nhà lá vườn” và sẵn sàng mua về làm quà tặng với giá cao hơn thị trường.
Ở chiều ngược lại, các đoàn du lịch vừa kết hợp dẫn du khách tới trải nghiệm như một phần trong lịch trình, vừa hỗ trợ chi phí để người nông dân tái đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc chính quyền địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cách làm du lịch chuyên nghiệp từ xây dựng sản phẩm, thương hiệu tới phát triển dịch vụ cũng cho thấy đây là mô hình hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế bền vững, góp phần gia tăng giá trị cho nông sản địa phương.
Người nông dân đầu tư nhà vườn để cung cấp các dịch vụ du lịch trải nghiệm. |
Trợ lực cho người làm nông bắt nhịp xu hướng
Du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp đóng góp tích cực vào mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, góp phần tăng sinh kế và tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời đảm bảo giữ gìn và phát triển các giá trị truyền thống của địa phương.
Mô hình này còn mang lại nhiều lợi ích cho những doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch, cũng như tạo dựng và lan tỏa hình ảnh đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam. Xa hơn, xu hướng trên mở ra cơ hội thu hút đầu tư cả về nguồn lực vật chất lẫn con người cho khu vực nông thôn vốn không được chú ý nhiều như đô thị.
Được đánh giá là mô hình bền vững và giàu tiềm năng phát triển như vậy, nhưng thực tế mô hình này còn chưa được “đánh thức”, mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát, đơn giản và cần sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Điều này một phần đến từ tâm lý “ăn chắc, mặc bền” của người làm nông, chưa hiểu rõ về lợi ích của phát triển du lịch song song với trồng trọt, chăn nuôi, ngại thay đổi khi sinh kế hiện tại vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống...
Để thay đổi thực trạng này, bên cạnh những cơ chế, chính sách mang tính thực tiễn và các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn sâu sát tại từng địa phương, người nông dân cũng cần những trợ lực về kinh tế để tự tin bắt nhịp xu hướng mới.
Người nông dân cần trợ lực để sẵn sàng bắt nhịp xu hướng mới. |
Những năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại, tiêu biểu như HDBank - đơn vị dẫn đầu trong tín dụng xanh, phát triển nông nghiệp nông thôn, đồng hành cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa - đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân: Vay vốn và hỗ trợ phát triển kinh doanh cũng như đầu tư tại địa phương; cung cấp các chương trình giáo dục, tư vấn và hỗ trợ khách hàng trong việc quản lý tài chính cá nhân và kinh doanh...
Ngoài mạng lưới gần 360 điểm giao dịch có mặt tại 63 tỉnh thành trên cả nước, ngân hàng còn mang đến giải pháp tài chính chuyên biệt tích hợp công nghệ thông minh - HDBank Nông thôn - giúp giải quyết nhu cầu của người dân chỉ với vài thao tác đơn giản trên thiết bị di động. Qua đây, người dân địa phương có thể nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các dịch vụ tài chính chuyên biệt nhờ đội ngũ cộng tác viên chuyên nghiệp, tận tâm.
Có thể nói, ngành nông nghiệp đang hướng đến đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác triệt để thế mạnh riêng của từng vùng miền như văn hóa bản địa, đặc sắc làng nghề, sản phẩm OCOP... để thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Sự ra đời của dịch vụ HDBank Nông thôn được kỳ vọng tăng cường kỹ năng quản lý tài chính và kỹ năng số trong cộng đồng dân cư, mở ra kênh tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng ngày một thuận lợi cho người nông dân; từ đó giúp họ từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, mở thêm lối ra cho nông sản, thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.