Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều gì khiến 22 tấn sầu riêng bán hết trong 5 phút livestream?

Kỷ lục 22 tấn sầu riêng được “chốt đơn” chỉ trong 5 phút tại một phiên livestream diễn ra gần đây cho thấy sức hấp dẫn của nông sản Việt khi xuất hiện trên nền tảng nội dung số.

Trong phiên livestream giới thiệu mặt hàng nông sản trên nền tảng TikTok ngày 7/7, TikToker Hằng Du Mục thiết lập kỷ lục khi bán được 22 tấn sầu riêng chỉ trong 5 phút. Điều này không chỉ củng cố vị thế “chiến thần livestream” của nhà sáng tạo nội dung sinh năm 1995, mà còn phản ánh hành vi của người tiêu dùng trên mạng xã hội, đồng thời tái khẳng định đầu ra đầy tiềm năng cho nông sản Việt.

Đằng sau con số 100 tỷ đồng

“Mỗi xã một sản phẩm” (One commune one product - OCOP) là chương trình quốc gia về phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập người dân tại các địa phương, được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018.

Livestream nong san anh 1

Chương trình OCOP được triển khai nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực.

Năm 2023, trong khuôn khổ chương trình, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Agritrade - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) phối hợp Tiktok Việt Nam ra mắt chợ phiên OCOP như một giải pháp nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số, thông qua sàn thương mại điện tử, tạo cầu nối giữa nông dân và nông sản chất lượng cao với người tiêu dùng.

Những buổi livestream bán nông sản đầu tiên có lượng người xem rất ít, chỉ khoảng 50 người và chủ yếu là các cán bộ của trung tâm. Tuy nhiên, qua thời gian, nhờ sự nỗ lực hợp tác, chung tay của các đơn vị đồng hành như HDBank trong vai trò tiếp sức, trợ giá, chợ phiên OCOP đã đi qua 38 tỉnh thành, “ươm mầm” thành công hàng trăm doanh nghiệp, biến những phiên livestream “0 đồng” thành “trăm triệu đồng”.

Theo báo cáo tại lễ tổng kết một năm triển khai diễn ra ngày 3/4, chợ phiên OCOP đã thu về nhiều “quả ngọt”: Hashtag #OCOP đạt 1,4 tỷ lượt xem, tổ chức hơn 800 phiên livestream, doanh số đạt hơn 100 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến.

Con số hơn 100 tỷ đồng so với tổng doanh thu bán hàng trên sàn thương mại điện tử không phải lớn. Song, đằng sau đó là những giá trị khó có thể đong đếm như sự kết nối giữa người bán và người mua, đầu ra hiệu quả cho nông sản Việt, phương thức kinh doanh hay xu hướng tiêu dùng mới được lan tỏa...

Khi nông dân livestream giữa vườn

Những phiên livestream bán hàng đã trở nên quen thuộc với nhiều doanh nghiệp và tiểu thương nhờ tính hiệu quả cao, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế biến động khiến sức mua giảm. Với bà con nông dân, việc thay đổi cách thức bán hàng còn giúp đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm, hạn chế tình trạng lệ thuộc vào thương lái hay những cuộc “giải cứu” mang tính chất nhất thời.

Việt Nam nổi tiếng với nhiều đặc sản địa phương ở cả những khu vực nông thôn và miền núi. Song, nếu chỉ bán qua chợ truyền thống, người nông dân khó có thể phát triển sản xuất. Ngược lại, mạng xã hội và thương mại điện tử lại mở ra những “đại lý online” hay “chợ online”, nơi mỗi người có thể chủ động bán hàng mọi lúc, mọi nơi, thoải mái tương tác với người tiêu dùng trong lẫn ngoài nước.

Theo báo cáo “Shoppertainment 2024: Tương lai của tiêu dùng và thương mại châu Á - Thái Bình Dương (APAC)” do Accenture thực hiện và được TikTok công bố, phần lớn người tiêu dùng APAC, trong đó có Việt Nam, ngày càng ưu tiên yếu tố giá trị hơn giá cả khi mua sắm. Cụ thể, 79% người tham gia khảo sát cho biết họ được truyền cảm hứng mua sắm bởi nội dung xoay quanh giá trị, chất lượng sản phẩm hơn là ưu đãi giảm giá.

Livestream nong san anh 6

Người nông dân không chỉ bán sản phẩm, mà còn “bán” những câu chuyện và trải nghiệm thực tế.

Đây cũng là yếu tố được đại diện TikTok Việt Nam nhấn mạnh như một giải pháp để Việt Nam đưa các sản phẩm OCOP tới những thị trường quốc tế như Trung Quốc, Thái Lan, Indoneisa… Theo đó, nông dân không chỉ bán sản phẩm để đạt doanh thu, mà còn giới thiệu câu chuyện văn hóa, lịch sử, con người của Việt Nam ra thế giới thông qua sản phẩm OCOP. Từ đây, những người vốn quen với cuộc sống “một nắng, hai sương” hoàn toàn có thể trở thành các nhà bán hàng, nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội; chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế xoay quanh chính sản phẩm đang đặt trong giỏ hàng; vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa lan tỏa giá trị của địa phương...

Phiên chợ OCOP nói riêng, chương trình OCOP nói chung ngày càng đi sâu và tạo chỗ đứng vững chắc cho các sản phẩm, ngành nghề truyền thống trên thị trường. Chương trình cũng tạo cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho người nông dân, người lao động và góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, đóng góp quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Năm 2024, hành trình này tiếp tục được thúc đẩy bằng nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả hơn cho từng địa phương trên cả nước, với trợ lực từ những đơn vị đồng hành uy tín như HDBank.

Đắc Tú - Tú Nhã

Bạn có thể quan tâm