Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây có văn bản gửi Thủ tướng về tình hình công tác phòng, chống dịch bệnh gia cầm, gia súc. Theo báo cáo, tính đến hết tháng 2, Việt Nam đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt động vật các loại.
Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu hơn 13.816 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu từ Canada 33,06%, Đức 25,4%, Brazil 16,1%, Ba Lan 15,81%, Mỹ 7,78%.
Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam cũng đã nhập khẩu hơn 12.459 tấn thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò; hơn 26.656 tấn thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm.
Việt Nam nhập khẩu thịt lợn chủ yếu từ những nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Canada. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, con số nhập khẩu của năm 2019 là trên 280.000 tấn thịt động vật các loại: thịt lợn và sản phẩm thịt lợn chiếm trên 67.000 tấn; còn lại là thịt trâu, bò và gia cầm.
Về tình hình dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh thêm 24 ổ dịch, làm 19.472 con lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy. Tính đến 2/3, tổng đàn lợn của cả nước đạt 24 triệu con, bằng khoảng 77% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch (31 triệu con vào tháng 12/2018).
“Dịch tả lợn châu Phi chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng hoặc có áp dụng nhưng chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học”, Bộ NN&PTNT thông tin.
Chiều 6/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc làm việc với ông Viktor Linnik, Chủ tịch Tập đoàn Miratorg Agribusiness Holding - một trong những nhà cung cấp thịt gia súc và gia cầm lớn nhất Liên bang Nga.
Bộ trưởng Cường mong muốn Tập đoàn Miratorg có thể nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như cá tra, tôm, cà phê, hồ tiêu. Đồng thời, cung cấp thịt lợn, thịt gà, lúa mì đậu tương cho Việt Nam với số lượng lớn.
Dự kiến tháng 4, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ dẫn đầu đoàn công tác sang làm việc với Bộ Nông nghiệp Nga.