Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam có Hiệp hội Blockchain

Hiệp hội mới ra đời có thể thúc đẩy việc đưa ra hành lang pháp lý liên quan đến blockchain, đóng góp cho nền kinh tế số Việt Nam.

Sáng 29/4, hình ảnh văn bản về quyết định thành lập của đơn vị có tên Hiệp hội Công nghệ Chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) được đăng tải trên mạng.

Trao đổi với Zing, ông Hà Đăng Minh, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ xác nhận văn bản trên là do Bộ Nội vụ phát hành.

hiep hoi blockchain Viet Nam anh 1

Quyết định thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam do Bộ Nội vụ ban hành.

Theo quyết định này, Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam từ ngày 27/4. Hiệp hội có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự đảm bảo kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động. Hiệp hội này chịu sự quản lý của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan.

Ông Phan Đức Trung, đại diện thành viên Ban vận động của Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết đơn vị này dự kiến tổ chức đại hội vào tháng 5/2022. Khi đó, hiệp hội sẽ bầu ra ban lãnh đạo và công bố các tài liệu liên quan.

Tuy đang ở khâu chuẩn bị và chưa chốt danh sách các thành viên tham gia, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng thành phần sẽ đa dạng và có chọn lọc để tránh bị hiểu nhầm thành cộng đồng token.

"Đây là một hiệp hội công nghệ, do đó việc tập hợp các thành viên chúng tôi sẽ ưu tiên những người có kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain trên nhiều khía cạnh", ông Phan Đức Trung cho biết.

Ông Trung cũng chia sẻ Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ tập trung vào hợp tác quốc tế, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, chuyển giao và đánh giá chính sách liên quan đến blockchain với các hiệp hội, cơ quan, ngành nghề chuyên môn khác.

"Hiện hành lang pháp lý cho blockchain chưa có, nhưng đang được rất nhiều cơ quan quản lý quan tâm ở góc độ khác như an toàn thông tin, tiền mã hoá, tài sản số, thuế... Tôi tin là sự ra đời của hiệp hội, với các thành viên chuyên sâu và đa dạng, sẽ giúp các cơ quan chức năng tham mưu được các chính sách có lợi cho nền kinh tế số của Việt Nam", ông Phan Đức Trung cho biết.

Trước đó, Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) cũng được lập dưới hình thức câu lạc bộ, trực thuộc Hội truyền thông số (VDCA). Ảnh: Th.A.

Trong tháng 4, cũng có tới 2 đơn vị mang tên Liên minh Blockchain Việt Nam được ra đời. Công ty TNHH Liên Minh Blockchain Việt Nam ra mắt vào ngày 19/4 là doanh nghiệp xã hội, hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu kết nối, thúc tiến hợp tác, đổi mới sáng tạo của ngành chuỗi khối trong nước và trên thế giới.

Trong khi đó, Liên minh blockchain Việt Nam (VBU), được ra mắt ngày 21/4, hoạt động theo hình thức câu lạc bộ, trực thuộc Hội truyền thông số VDCA. VBU được giới thiệu là tổ chức có vai trò tư vấn, tham mưu cho các cơ quan quản lý nhằm xây dựng chính sách, khung pháp lý về Blockchain, tài sản số, tiền số tại Việt Nam.

Nhiều công ty Blockchain của người Việt đặt trụ sở ở nước ngoài

Dù Việt Nam đang là quốc gia phát triển nhanh về công nghệ blockchain, chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Hà Lê

Bạn có thể quan tâm