Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều công ty Blockchain của người Việt đặt trụ sở ở nước ngoài

Dù Việt Nam đang là quốc gia phát triển nhanh về công nghệ blockchain, chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Tại buổi tọa đàm trong sự kiện ra mắt Liên minh blockchain Việt Nam (VBU, thuộc Hội truyền thông số VDCA), các chuyên gia đã đưa ra nhiều góc nhìn về thực trạng phát triển blockchain tại Việt Nam.

Vai trò của nền tảng trong công nghệ blockchain

Nhiều khách mời đặt ra vấn đề liệu Việt Nam có thể lọt nhóm những quốc gia dẫn đầu về công nghệ blockchain. Ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch CLB Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam (VDI) kiêm Chủ tịch VinaFintech cho rằng cần làm chủ công nghệ lõi trong lĩnh vực blockchain, và để đạt mục đích cần nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn đầu tư để phát triển các nền tảng blockchain.

lien minh blockchain Viet Nam anh 1

Đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia về blockchain chia sẻ tại tọa đàm của VBU. Ảnh: Th.A.

“Đầu tư nền tảng không đơn giản như là các sản phẩm NFT. Kể cả khi ngồi với anh Trung (Nguyễn Thành Trung, CEO Sky Mavis - PV), tôi cũng bảo anh chỉ đang chạy trên nền tảng của người khác thôi. Muốn làm chủ, lên top 3 thì phải có nền tảng. Chẳng ai có thể ngồi lên lưng người khác mà bảo tôi đứng thứ ba”, ông Thắng chia sẻ.

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ FPT cho rằng việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp blockchain lớn tại Việt Nam là minh chứng cho thấy chúng ta xuất phát không chậm hơn nhiều so với các nước.

“Nhiều công ty Việt Nam đã xuất phát rất nhanh, thậm chí tạo ra nhiều trào lưu mới”, ông Tú nhận định.

Theo ông Tú, ngoài tính mở, doanh nghiệp blockchain còn có lợi thế là khả năng mở rộng ra các thị trường nước ngoài dễ dàng hơn so với các trào lưu gần đây như OTT, fintech.

Nhận định về các tương lai công nghệ blockchain, ông Tú cho biết FPT xác định metaverse sẽ là trào lưu tiếp theo. Nhờ tính mở, vũ trụ ảo có thể thu hút nhiều doanh nghiệp cùng tham gia phát triển. Khi đó, những công nghệ trước của blockchain như tiền mã hóa, NFT sẽ là các thành phần quan trọng của metaverse.

Vấn đề khi xây dựng khung pháp lý cho blockchain

Liên minh Blockchain Việt Nam được giới thiệu là tổ chức có vai trò tư vấn, tham mưu cho các cơ quan quản lý nhằm xây dựng chính sách, khung pháp lý về Blockchain, tài sản số, tiền số tại Việt Nam.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Đình Thắng cũng cho rằng VBU sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy có hành lang pháp lý đối với lĩnh vực blockchain.

Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC, thuộc Bộ Thông tin Truyền thông) cho rằng blockchain là một trong những công nghệ quan trọng nhất để xây dựng hạ tầng số, nền tảng số để tránh phụ thuộc vào những nền tảng nước ngoài.

lien minh blockchain Viet Nam anh 2

Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chia sẻ về sứ mệnh, nhiệm vụ của VBU. Ảnh: Th.A.

NEAC là đơn vị nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Khung chiến lược và Dự thảo 1 của chiến lược phát triển blockchain tại Việt Nam đến năm 2030. Dự thảo này đã được công bố vào tháng 12/2021, xin ý kiến góp ý của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ.

“Về phía cơ quan nhà nước, chúng tôi cũng muốn cùng VBU, cộng đồng doanh nghiệp để trao đổi, thảo luận kỹ càng về các nội dung này”, ông Hoàn chia sẻ về việc xây dựng khung pháp lý, chiến lược phát triển blockchain tại Việt Nam.

Ông Hoàn cho rằng hiện có nhiều đề cập đến cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các lĩnh vực mới. Tuy nhiên, đại diện NEAC cho rằng để tạo ra sandbox cũng cần những quy định rất cụ thể, chi tiết. Do vậy, việc tạo ra sandbox không thể vội vàng.

Vấn đề ứng dụng trong các cơ quan nhà nước cũng cần cân nhắc. Ứng dụng blockchain đồng nghĩa với loại bỏ khâu trung gian để tin tưởng hoàn toàn vào dữ liệu trên chuỗi khối.

“Khi chúng ta bỏ cơ quan trung gian, tin vào một mạng thì buộc chúng ta phải xây dựng được một mạng blockchain đủ tin cậy, đủ an toàn mới thu hút người dùng được”, đại diện NEAC chia sẻ.

Ông Trịnh Công Duy, nhà sáng lập và CEO công ty Bizverse cho rằng một thực trạng tại Việt Nam là nhiều công ty blockchain lớn đặt văn phòng tại nước ngoài để hợp pháp hóa hoạt động và gọi vốn dễ dàng hơn. Đây là điều nhiều doanh nghiệp không mong muốn, nhưng vẫn phải làm một phần vì vướng mắc về chính sách.

“Làm startup thành công trong lĩnh vực mới như blockchain đã khó, chính sách chưa có đầy đủ thì càng khó”, ông Duy bày tỏ.

Là đại diện trong khối doanh nghiệp, ông Duy cho rằng nên tạo một số cơ chế thử nghiệm để các doanh nghiệp blockchain Việt Nam có thể dễ dàng hoạt động, gọi vốn, thậm chí thu hút doanh nghiệp nước ngoài.

'Liên minh blockchain' xuất hiện bất thường ở Việt Nam

Cùng một thời điểm, hai tổ chức lấy tên “liên minh blockchain Việt Nam” được giới thiệu với mục tiêu hoạt động giống nhau, gây xôn xao cộng đồng.

Hà Lê

Bạn có thể quan tâm