Trung Quốc có khả năng "vũ khí hóa" một số dự án trong chiến lược cơ sở hạ tầng xuyên lục địa, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), vì chúng có công năng kép, phục vụ cả hai mục đích thương mại và quân sự, theo báo cáo của một tổ chức nghiên cứu tại Mỹ.
Được Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI) công bố hôm 8/9, báo cáo cho biết Trung Quốc đã tạo ra mô hình xây dựng cơ sở hạ tầng đa năng tại những nơi mà họ gọi là "điểm mạnh chiến lược", nằm ở các nước Sri Lanka, Pakistan, Myanmar và Campuchia, theo South China Morning Post.
Hệ sinh thái mục đích kép
Báo cáo cho rằng Trung Quốc hướng đến mục tiêu tạo ra "một hệ sinh thái lấy thương mại, công nghệ, tài chính và các điểm mạnh chiến lược, trong đó Trung Quốc là trung tâm". "Hệ sinh thái" này có thể mở đường cho việc sử dụng quân sự nhằm làm suy yếu "ảnh hưởng và vai trò người bảo đảm an ninh của Mỹ" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Các cảng như Hambantota ở Sri Lanka hình thành nên mạng lưới ảnh hưởng của Trung Quốc, theo báo cáo của ASPI. Ảnh: AFP. |
Dẫn chứng được nêu ra là việc Trung Quốc xây dựng các cảng thương mại có thể đáp ứng yêu cầu quốc phòng, xuất khẩu mạng lưới vệ tinh Bắc Đẩu của nước này, cũng như tăng cường tập trận và mua bán vũ khí với các nước BRI.
ASPI kết luận rằng mạng lưới cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vẫn chưa có đủ căn cứ quân sự ở nước ngoài và kêu gọi Mỹ chống lại các nỗ lực này bằng cách làm việc với các đối tác trong khu vực để đưa ra các chương trình cơ sở hạ tầng thay thế.
"Liệu Trung Quốc có thể biến [Vành đai và Con đường] thành vũ khí một cách hiệu quả hay không… sẽ là một chức năng trong các lựa chọn của Bắc Kinh - và cả trong những lựa chọn được đưa ra ở Washington", báo cáo nói.
Báo cáo có sự tham gia chấp bút của ông Daniel Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Ông hiện là phó chủ tịch của ASPI, tổ chức có trụ sở tại New York.
Báo cáo nhấn mạnh mạng lưới các cảng, bao gồm cảng Gwadar ở Pakistan, cảng Koh Kong ở Campuchia, bao gồm căn cứ hải quân Ream, cảng Hambantota ở Sri Lanka và cảng Kyaukphyu ở Myanmar. Đây là các địa điểm chủ chốt mà Bắc Kinh đầu tư có thể phục vụ mục đích của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
"Chúng được thiết kế như các điểm hỗ trợ hậu cần quân sự và thương mại kết hợp hơn là một loạt căn cứ quân sự truyền thống", báo cáo viết.
"Song thay vì trở thành căn cứ quân sự để triển khai quân đội và tiến hành các hoạt động chiến đấu thực tế, các cơ sở này có vẻ phù hợp hơn với vai trò là điểm bổ sung và tiếp tế cho các binh sĩ PLA được triển khai trên biển, để tăng cường khả năng can thiệp vào Ấn Độ Dương [của Hải quân PLA], và để hỗ trợ một loạt hoạt động phi chiến đấu".
Gia tăng phụ thuộc
Báo cáo cũng nói các dự án này sẽ không chỉ làm tăng sự phụ thuộc của các nước chủ nhà vào Trung Quốc về kinh tế mà còn làm tăng sự phụ thuộc của họ vào công nghệ Trung Quốc, đồng thời làm giảm sự phụ thuộc vào mạng lưới và công nghệ của phương Tây.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy thứ có thể là đường băng cho máy bay cất hạ cánh tại Koh Kong, Campuchia. Ảnh: SCMP được cung cấp. |
Pakistan là quốc gia đầu tiên được phép sử dụng chức năng quân sự của các vệ tinh Bắc Đẩu và hơn 30 quốc gia BRI có liên quan đến việc sử dụng hệ thống định vị này ở khía cạnh dân sự, báo cáo cho biết.
"Và khi Trung Quốc tiếp tục phát triển mạng 5G tại các quốc gia [Vành đai và Con đường] và liên kết chúng thông qua mạng Bắc Đẩu, Bắc Kinh sẽ tích lũy thêm ảnh hưởng và làm suy giảm các lợi ích thương mại, ngoại giao và chiến lược của Mỹ", báo cáo kết luận.
Song báo cáo của ASPI cũng cho biết Bắc Kinh phải đối mặt với những khó khăn trong việc thúc đẩy kế hoạch đầy tham vọng của mình, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại vì đại dịch làm giảm khả năng huy động nguồn lực.
"Vẫn còn nhiều cơ hội để Mỹ cạnh tranh - và vượt lên - Trung Quốc về mặt tiếp cận, ảnh hưởng và uy tín ở Ấn Độ - Thái Bình Dương", báo cáo nói. ASPI đồng thời kêu gọi Washington hợp tác với "các nền dân chủ láng giềng" Trung Quốc như Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, cũng như các nước trong khu vực như khối ASEAN, để đưa ra các giải pháp thương mại và quân sự thay thế.
BRI là chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối ba châu lục Á - Âu - Phi, một kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh. Thông qua chuỗi dự án đầu tư, Trung Quốc muốn tăng cường ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu.
Chương trình đã vấp phải những nghi kỵ và chỉ trích vì sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh, bao gồm cái gọi là "ngoại giao bẫy nợ" trong đó đầu tư của Trung Quốc khiến các nước chủ nhà dự án lâm vào cảnh nợ nần, từ đó gia tăng sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Từ năm 2018, Mỹ đã khởi động Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPBF), được giới quan sát xem là đối trọng với BRI của Trung Quốc. Thông qua diễn đàn, Washington công bố các sáng kiến và khoản đầu tư mới tập trung vào kinh tế số, năng lượng và cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân của Mỹ tại khu vực.
Diễn đàn thường niên lần thứ ba sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28-29/10, sau hai lần được tổ chức tại Washington, D.C. và Bangkok.