Đóng góp khoảng 25% GDP Australia, Victoria là bang quan trọng thứ 2 của đất nước cả về dân số và kinh tế, chỉ sau New South Wales. Nhưng bất chấp quan hệ khá căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc vào thời điểm này, chính quyền bang Victoria cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch trở thành một phần của Sáng kiến Vành đai & Con đường của Bắc Kinh.
Điều này làm dấy lên những lo ngại ở Canberra về việc dòng tiền của Trung Quốc sẽ giúp tài trợ cho các dự án có khả năng đe doạ tới an ninh quốc gia của Australia.
Tuy nhiên, thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews, gần đây vẫn tuyên bố rằng việc hợp tác với Trung Quốc là "tấm hộ chiếu cho xuất khẩu", sẽ giúp tạo ra việc làm để hồi phục nền kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19.
Các toà nhà của chính quyền bang Victoria ở Melbourne được chiếu màu đỏ để thể hiện sự chia sẻ với Trung Quốc trong giai đoạn đầu dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Zuma Press. |
Canberra một đằng, Victoria một nẻo
Thoả thuận này đang khoét sâu khoảng cách giữa chính quyền bang Victoria và chính quyền trung ương ở Canberra - nơi cái nhìn về Bắc Kinh có phần đi xuống với những chỉ trích về cách Trung Quốc xử lý sự bùng phát của virus corona. Nhiều nhà lập pháp đang kêu gọi chính phủ tận dụng thời điểm này tái cơ cấu nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc của Australia vào Trung Quốc.
Theo thoả thuận, chính quyền bang Victoria sẽ hợp tác với Bắc Kinh trong các dự án cơ sở hạ tầng, công nghệ sinh học, sản xuất kỹ thuật cao và đổi mới công nghệ. Melbourne, thủ phủ của bang, là nơi có nhiều công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học và chăm sóc sức khoẻ của Australia.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết ông không ủng hộ việc bang Victoria quyết định tham gia Sáng kiến Vành đai & Con đường, và "thường thì các bang cần phải tôn trọng và công nhận vai trò của chính phủ liên bang trong việc hoạch định chính sách đối ngoại". Victoria đã không tham khảo chính quyền Canberra khi ký kết thoả thuận khung với Bắc Kinh vào tháng 10 năm ngoái, và bộ phận đối ngoại của chính phủ chỉ được thông báo vào ngày ký thoả thuận, một quan chức chia sẻ với WSJ.
Ông Clive Hamilton, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Charles Sturt ở Canberra, cho rằng chiến lược của Bắc Kinh là "dùng nông thôn bao vây thành thị", và Trung Quốc đang tăng cường sức ảnh hưởng ở thủ phủ của các bang, qua đó gây áp lực lên chính quyền trung ương.
Chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Washington cũng khiến cho chính quyền nhiều bang của Mỹ đang tìm cách để tạo kênh liên lạc thay thế với Trung Quốc mà không thông qua chính phủ Mỹ. Ví dụ cho việc này là một hội nghị được tổ chức hồi tháng 5/2019 ở Lexington, bang Kentucky, trong đó quan chức địa phương của các bang Kentucky, Tennessee, Michigan và Colorado đã trao đổi với các quan chức cấp tỉnh của Trung Quốc.
Căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa Canberra và Bắc Kinh từ năm 2018, sau khi chính quyền Australia siết chặt luật phản gián và chống can thiệp nước ngoài, cũng như cấm các công ty công nghệ Trung Quốc như ZTE và Huawei tham gia cung cấp hạ tầng cho hệ thống mạng di động 5G - đứng về phía Mỹ trong vấn đề và cảnh giác với gián điệp mạng từ Bắc Kinh.
Chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison đang đứng về phía Mỹ trong việc thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, bất chấp việc Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Australia. Ảnh: Shutterstock. |
Mối quan hệ xấu đi thêm vào tháng 5 vừa qua, sau khi các quan chức Australia kêu gọi điều tra về nguồn gốc virus corona. Bắc Kinh đáp trả bằng việc tăng thuế đối với lúa mạch Australia, cũng như đe doạ tảy chay các sản phẩm thịt và rượu của nước này, cũng như hạn chế khách du lịch và sinh viên đến Australia.
Bắc Kinh phủ nhật động thái này là việc gây sức ép kinh tế, nhưng một số nghị sĩ và chuyên gia an ninh cho rằng bang Victoria nên dừng kế hoạch này, vì cần sự đánh giá lại khi môi trường địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng.
"Trung Quốc muốn can thiệp sâu hơn vào Australia"
"Các hoạt động trong kế hoạch Vành đai & Con đường của chính quyền bang Victoria đơn giản là không còn phù hợp với tình hình kinh tế và quốc tế mới, bao gồm xu hướng cưỡng ép công khai mà Bắc Kinh đang thực hiện với Canberra trong thương mại và quan hệ chính phủ", ông Michael Shoebridge, cựu quan chức tình báo quốc phòng hàng đầu của Australia, nhận định.
"Việc các lãnh đạo chính trị ở Victoria ủng hộ sự liên kết với Bắc Kinh về cơ sở hạ tầng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang tạo ảnh hưởng ở Australia - trong bối cảnh mà sự đoàn kết quốc gia là cần thiết để đối phó với nhà nước Trung Quốc", ông Shoebridge nói thêm.
Một số nhà lập pháp Australia cho rằng chương trình Vành đai & Con đường sẽ làm tăng nguy cơ can thiệp nước ngoài. Ông Peter Dutton, bộ trưởng nội vụ Australia cho rằng bang Victoria cần phải giải thích tại sao họ là bang duy nhất trên cả nước tham gia vào sáng kiến của Bắc Kinh.
Đáp lại, Thủ hiến Andrews cho biết câu trả lời là vì chính quyền bang muốn tạo ra công ăn việc làm cho người dân. "Tôi sẽ không đi đến từng nơi trong số hàng trăm cơ sở kinh doanh, những nơi đã gửi hàng hoá tới Trung Quốc nhiều hơn bao giờ hết, và nói rằng họ không nên làm thế", ông Andrews trả lời các phóng viên.
Nhiều quốc gia, bao gồm Pháp, Canada, Australia và Ấn Độ cũng như Nhật Bản đang tăng cường siết chặt quy định về sở hữu nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, do lo ngoại các thực thể nước ngoài tìm cách kiểm soát các tài sản chiến lược bị mất giá.
Tổng cục Tín hiệu Australia, cơ quan phòng thủ không gian mạng hàng đầu của nước này, gần đây đã cảnh báo rằng các tác nhân với ý đồ xấu đang nhắm vào những tổ chức và các cơ sở nghiên cứu y tế để tìm kiếm và chiếm đoạt thông tin, cũng như những sở hữu trí tuệ liên quan đến việc phát triển vaccine và phương pháp điều trị - vốn đang là mối quan tâm của toàn cầu vào lúc này.
Ông Daniel Andrews, thủ hiến bang Victoria, cho rằng việc tham gia kế hoạch Vành đai & Con đường của Trung Quốc sẽ đem lại lượng việc làm lớn cho người dân của bang. Ảnh: Zuma Press. |
Ông Shoebridge, giám đốc phụ trách quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho rằng mặc dù các công trình cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến Vành đai & Con đường của Trung Quốc tưởng chừng chỉ bao gồm bê tông và thép, nhiều dự án được "gắn với công nghệ kỹ thuật số".
Trung Quốc quảng bá Sáng kiến Vành đai & Con đường như một cách để liên kết chặt chẽ với nền kinh tế các nước trên khắp châu Á, châu Phi châu Âu, Trung Đông và châu Mỹ Latin, chủ yếu thông qua các cơ sở hạ tầng.
"Họ muốn có một mối quan hệ sâu hơn và can thiệp nhiều hơn. Công nghệ sinh học là một phần trong tầm nhìn của quân đội Trung Quốc để trở thành một thế lực quân sự trong tương lai. Nếu nói những thứ này chỉ là khoa học và hoạt động dân sự là đã hiểu sai về nhà nước Trung Quốc, và bề rộng của các hoạt động trong kế hoạch Vành đai & Con đường", ông Shoebridge nói.