Theo South China Morning Post, Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch mời Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga cùng tham dự cuộc gặp sắp tới của nhóm G7, động thái dẫn đến các suy đoán Washington đang cố thành lập một khối mới để cô lập Bắc Kinh.
Ông Trump không nói cụ thể liệu có muốn nhóm G7 trở thành G11 từ nay về sau, mà chỉ cho biết ông muốn 4 quốc gia trên tham dự hội nghị thượng đỉnh của G7. Tổng thống Mỹ cũng nói ông cảm thấy G7 đã "rất lỗi thời".
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ mời 4 quốc gia là Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc và Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của nhóm G7. Ảnh: New York Times. |
Sẽ có nhóm mới thay cho G7?
"Tôi không có cảm giác rằng G7 đang đại diện chính xác cho những gì diễn ra trên thế giới", ông Trump nói với các phóng viên.
Người phát ngôn Nhà Trắng Alyssa Farah cho biết ông Trump muốn hội nghị thượng đỉnh thảo luận về Trung Quốc, và thông báo về việc mời thêm 4 quốc gia đến G7 được đưa ra sau khi căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về các vấn đề như xử lý đại dịch Covid-19 cũng như Hong Kong.
Cả Hàn Quốc và Australia đều là đồng minh lâu năm của Mỹ, và Canbera đã kêu gọi cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona, cũng như bày tỏ quan ngại về luật an ninh mới sắp được Trung Quốc áp dụng cho Hong Kong.
Ấn Độ là một quốc gia quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, và nước này cũng đang có bất đồng với Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở khu vực biên giới.
Chỉ có Nga là nước duy nhất xây dựng mối quan hệ kinh tế và đối tác chiến lược với Bắc Kinh, và nước này cũng mới bị khai trừ khỏi nhóm (khi đó là G8) sau vụ sáp nhập Crimea từ Ukraine năm 2014. Ông Trump đã vài lần gợi ý về việc mời Nga trở lại nhóm, do nước này có tầm ảnh hưởng quan trọng với toàn cầu.
Ông Ni Feng, Giám đốc Viện Mỹ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng ông Trump đang cố gắng huy động sự hỗ trợ từ các đồng minh của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.
"Mục đích rất đơn giản: cô lập Trung Quốc. Đây chỉ là khởi đầu và sẽ có nhiều biện pháp kiềm toả tiếp theo", ông Ni nói.
Ông John Lee, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson - viện chính sách có trụ sở tại Washington - cho rằng Mỹ "có thể đang tìm cách thúc đẩy chương trình nghị sự trong đó xem xét việc đổ trách nhiệm cho Trung Quốc về việc để đại dịch xảy ra".
Việc xuất hiện khối các quốc gia mới sẽ khiến Trung Quốc quan ngại, vì nước này "rất sợ hãi về việc bị loại trừ khỏi các tổ chức mới nổi", theo ông Lee.
Bắc Kinh đã tìm cách tăng cường tầm ảnh hưởng của mình trong các thể chế và nền tảng đa phương trong thập kỷ qua - và sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của họ cũng góp phần tạo nên sự lo ngại ngày càng tăng ở Washington.
Một ví dụ là việc ông Trump cho rằng Bắc Kinh đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và coi đó là lý do khiến Mỹ quyết định chấm dứt mối quan hệ với tổ chức này.
Ý tưởng mở rộng nhóm G7, hiện nay gồm Nhật, Mỹ, Italy, Đức, Pháp, Anh và Canada, có thể là nỗ lực mới nhất của Washington nhằm thành lập một liên minh quốc tế mà không có Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Wang Wen, Viện trưởng tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang của Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng Mỹ sẽ không thể thành lập một "chiến tuyến toàn cầu để chiến tranh lạnh chống lại Trung Quốc".
Tổng thống Trump sẽ gặp khó khăn nếu muốn lập nhóm mới cô lập Trung Quốc vì trong nhóm G7 có nhiều quốc gia có lợi ích thương mại với kinh tế với Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
"Một điều hoàn toàn chắc chắn là: quyền lực mềm và khả năng lãnh đạo của Mỹ đã bị tổn hại rất lớn, và ảnh hưởng của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu sẽ ngày càng suy yếu", ông Wang nhận định và chỉ ra tình hình nội tại bất ổn ở Mỹ.
"Các quốc gia khác không muốn phải chọn giữa Trung Quốc và Mỹ", ông Wang nói thêm.
Dấu hỏi lớn
Tổng thống Trump muốn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 6 để cho thấy mọi thứ đã trở lại bình thường, nhưng huỷ bỏ kế hoạch này sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau từ chối ủng hộ, và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà sẽ không tham dự.
Ông Trump giờ đây muốn các nhà lãnh đạo gặp mặt trực tiếp tại Washington vào tháng 9 hoặc muộn hơn.
Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, cho rằng cần đặt ra câu hỏi rằng liệu Mỹ có thể thành công trong việc xây dựng một liên minh chống lại Trung Quốc hay không. Ông Wu cũng cho rằng ý tưởng về việc chia rẽ Nga và Trung Quốc là "mơ mộng".
"Ấn Độ sẽ không ở chung chiến hào với Mỹ, và mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc thì trên thực tế đang được cải thiện", ông Wu nhận xét.
Ông Shahar Hameiri, phó giáo sư tại Trường Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Queensland, cho rằng "hợp lý khi giả định rằng" đề xuất mở rộng nhóm G7 của ông Trump có liên quan đến sự cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Có lẽ chúng ta đang ở thời điểm mà 'cuộc ly hôn' giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng được thể hiện rõ trong các nỗ lực nhằm phát triển các nền tảng hoặc tổ chức hoạch định chính sách quốc tế mà không có Trung Quốc", ông Hameiri nhận định.
Ông Hameiri cho rằng Bắc Kinh có thể chịu thiệt hại đáng kể, nếu phải đứng ngoài một sáng kiến mới nào do Mỹ lãnh đạo - trong đó chuyển hướng sang một hình thức tổ chức kinh tế quốc tế khác, xa rời hệ thống toàn cầu hoá mà Trung Quốc đã được hưởng lợi.
Mặc dù vậy ông cho rằng các quốc gia khác chưa chắc đã hứng thú với con đường này, và việc có thay đổi đáng kể nào với nhóm G7 hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Chúng ta đang bước vào giai đoạn mà hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc ngày càng rời xa nhau. Ảnh: Reuters. |
Những nước này cũng có lợi ích kinh tế và thương mại riêng của họ ở Trung Quốc, và đó sẽ là thứ khiến họ khó đạt được sự đồng thuận trong việc cô lập và kiềm chế Bắc Kinh.
Chẳng hạn, mặc dù Canbera kêu gọi điều tra về nguồn gốc virus corona, nhưng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, và thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này.
Ông James Laurenceson, Giám đốc Viện Quan hệ Australia- Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng các quan chức Australia sẽ rất thận trọng với đề xuất của Tổng thống Trump.
"Ông Trump ngang nhiên tìm cách huy động một nhóm chống lại Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, và cho phép Nga tham gia vào nhóm này, trong khi Australia nhiều lần chỉ trích công khai Nga trước đây. Tôi không nghĩ rằng (ý tưởng này) sẽ cất cánh", ông Laurenceson nhận định.