Tổng thống Mỹ Donald Trump công kích Bắc Kinh gay gắt hôm 29/5, đề cập tới một loạt những vấn đề nóng bỏng trong quan hệ song phương, từ hoạt động gián điệp tới tình hình Hong Kong, đồng thời công bố một loạt biện pháp trả đũa được đánh giá là sẽ khiến quan hệ Mỹ - Trung chìm sâu vào khủng hoảng, theo CNN.
"Họ đã phá hoại nước Mỹ theo cái cách chưa ai từng làm trước đây", Tổng thống Trump nói về Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng cáo buộc Bắc Kinh đã "tấn công các nhà máy", "rút ruột" ngành công nghiệp Mỹ, đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ là trung tâm ông nhắm tới trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ.
Công kích gay gắt Trung Quốc
Tổng thống Trump xuất hiện tại Vườn Hồng của Nhà Trắng hôm 29/5 với những tuyên bố tập trung vào Bắc Kinh, đối tượng được ông miêu tả là mối đe dọa địa chính trị hiện hữu với nước Mỹ.
"Hoạt động gián điệp đánh cắp bí mật công nghiệp, thứ mà chúng ta có rất nhiều", đó là một trong những cáo buộc nhắm vào Trung Quốc của Tổng thống Trump. Ông Trump tuyên bố sẽ có các biện pháp nhằm bảo vệ nhà đầu tư Mỹ khỏi các hoạt động tài chính của Bắc Kinh.
Tổng thống Trump cũng cáo buộc Trung Quốc "tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp tại Thái Bình Dương" và đe dọa tự do hàng hải. Chỉ trích của người đứng đầu nước Mỹ nhắm vào thực tế Trung Quốc đã chiếm đóng và có các hoạt động phi pháp trên Biển Đông trong thời gian dài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. |
Ông chủ Nhà Trắng cũng đồng thời công kích Bắc Kinh vì thông qua một đạo luật về an ninh quốc gia, văn kiện được miêu tả là làm xói mòn căn bản quyền tự trị của đặc khu hành chính Hong Kong. Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ tước bỏ quy chế đặc biệt về thương mại, giao thông, hải quan, đang áp dụng đối với Hong Kong.
Không dừng lại ở đó, Tổng thống Trump tuyên bố cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với cáo buộc Bắc Kinh "hoàn toàn kiểm soát" đối với tổ chức quốc tế có 194 thành viên này. Ông Trump cho rằng Trung Quốc đã gây sức ép khiến WHO "đưa thế giới đi chệch hướng" trong thời gian đầu đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tổng thống Trump cho biết Mỹ cũng sẽ có hành động trên một số lĩnh vực khác bao gồm ngăn chặn "một số công dân nước ngoài từ Trung Quốc" nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời trừng phạt các quan chức ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong vì vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc cản trở các quyền tự do tại Hong Kong.
"Quan hệ Mỹ - Trung đang chìm trong khủng hoảng toàn diện. Chúng ta đã chạm tới đáy và tình hình tiếp tục xấu đi. Bắc Kinh sẽ trả đũa vì các bước đi của Washington liên quan tới Hong Kong, và sau đó quả bóng sẽ được đá lại về phía Tổng thống Trump. Tình hình sẽ còn xấu hơn nữa, có lẽ là xấu hơn nhiều, trước khi có bất cứ dấu hiệu cải thiện nào", Richard Fontaine, giám đốc điều hành tổ chức tư vấn chính sách Center for a New American Security, bình luận.
Leo thang đối đầu
Tuyên bố của Tổng thống Trump là "phát súng" mới nhất trong cuộc đối đầu ngày càng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, trong hàng loạt lĩnh vực từ thương mại, viễn thông, truyền thông, thị thực sinh viên, vấn đề Biển Đông, đại dịch Covid-19, và mới nhất là tranh cãi về quyền tự trị của Hong Kong.
Hong Kong, vùng đất nơi người dân nói tiếng Quảng Đông, thay vì tiếng Quan Thoại như tại phần lớn lãnh thổ Đại lục, được Anh trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997 sau 99 năm quản lý.
Theo thỏa thuận giữa London và Bắc Kinh năm 1984, Hong Kong sẽ duy trì quyền tự trị về các vấn đề đối nội trong ít nhất 50 năm kể từ sau thời điểm bàn giao. Thỏa thuận này cho phép Hong Kong duy trì hệ thống pháp luật, kinh tế riêng và người dân có quyền bầu chọn lãnh đạo cho tới năm 2047.
Cảnh sát Hong Kong trấn áp người biểu tình. Ảnh: AFP. |
"Tuần qua, Trung Quốc đã đơn phương áp đặt kiểm soát đối với an ninh của Hong Kong. Đây là vi phạm trắng trợn nghĩa vụ của Trung Quốc trong điều ước quốc tế đã ký với Anh", Tổng thống Trump tuyên bố.
Hệ quả của vi phạm nêu trên, theo Tổng thống Trump, đó là việc Hong Kong "không còn duy trì quyền tự trị phù hợp để hưởng quy chế đối xử đặc biệt". Tổng thống Trump cho biết Washington sẽ "khởi động tiến trình xóa bỏ chính sách miễn trừ vốn trao cho Hong Kong đối xử khác và đặc biệt" so với phần còn lại của Trung Quốc.
Bước đi của Washington sẽ tác động tới các thỏa thuận Mỹ có với Hong Kong trên nhiều lĩnh vực bao gồm hiệp định dẫn độ, kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ lưỡng dụng, và các lĩnh vực khác. Tổng thống Trump cho biết Mỹ cũng sẽ tước quy chế hải quan và du lịch ưu đãi dành cho Hong Kong.
Nhận được sự ủng hộ
Bước đi mới của chính quyền Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nội bộ nước Mỹ.
"Phản ứng của Tổng thống Trump về Hong Kong là táo bạo và phù hợp. Bắc Kinh đang nhắm tới mục tiêu chấm dứt hệ thống chính trị riêng của Hong Kong, Mỹ cần phản ứng về điều này", Fontaine, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhận xét.
Không lâu sau bài phát biểu của Tổng thống Trump, Nhà Trắng đã ban hành một thông báo của tổng thống đình chỉ thị thực nhập cảnh vào Mỹ đối với sinh viên và nghiên cứu sinh từ Trung Quốc. Quyết định này có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/6 và duy trì tới khi bị hủy bỏ bởi Tổng thống Trump.
"Nhà chức trách Trung Quốc sử dụng sinh viên, phần lớn là cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ, để hoạt động thu thập tài sản trí tuệ. Những sinh viên này có nguy cơ cao bị khai thác hoặc là đồng phạm với chính quyền Trung Quốc, mang lại quan ngại đặc biệt", thông báo của tổng thống do Nhà Trắng ban hành có đoạn.
Thông báo trên cũng nhận định việc cho phép sinh viên Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ "để học tập hoặc tiến hành nghiên cứu sẽ gây tổn hại tới lợi ích của nước Mỹ".
Trung Quốc có khoảng 370.000 sinh viên học tập tại Mỹ mỗi năm. Ảnh: Forbes. |
Bước đi hôm 29/5 là hạn chế mới nhất Washington áp đặt đối với sinh viên cũng như các thực thể khác của Trung Quốc.
Năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban bố giới hạn mới về thời gian thị thực cấp cho sinh viên Trung Quốc học tập và nghiên cứu về hàng không, robot và sản xuất tiên tiến, những lĩnh vực được coi là nhạy cảm đối với an ninh quốc gia. Sinh viên Trung Quốc sẽ chỉ được lưu lại Mỹ trong 1 năm thay vì 5 năm so với trước đó.
Tháng 10/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu yêu cầu nhân viên ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ thông báo về các cuộc họp với giới chức liên bang và địa phương, bao gồm những cuộc viếng thăm các cơ sở nghiên cứu và giáo dục.
Và trong tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp đặt giới hạn số lượng công dân Trung Quốc có thể được tuyển dụng làm việc tại 5 thực thể truyền thông của Trung Quốc tại Mỹ, sau khi coi các tổ chức này là tổ chức ngoại giao nước ngoài, thay vì tổ chức báo chí.