Mâu thuẫn về tài chính giữa hai bên đang ngày càng sâu sắc hơn trong tháng này, khi Tổng thống Trump muốn ngăn các quỹ hưu trí liên bang đầu tư hàng tỷ USD vào các cổ phiếu công ty Trung Quốc.
Ít ngày sau, Thượng viện thông qua dự luật yêu cầu công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ phải minh bạch về tài chính và kiểm toán. Nếu dự luật này thực sự trở thành luật, hàng chục công ty Trung Quốc có thể phải dừng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York và sàn Nasdaq.
Tuần này, các nghị sĩ đề nghị áp đặt trừng phạt lên các ngân hàng Trung Quốc nếu Trung Quốc vẫn cứ ban hành luật an ninh cho Hong Kong. Chính quyền Trump đang đứng trước sức ép phải phản ứng với việc Trung Quốc thông qua dự luật an ninh, có thể sẽ là gỡ bỏ ưu đãi thương mại đối với Hong Kong. Vẫn chưa rõ đáp trả của Mỹ có liên quan tới tài chính hay không.
Sau các đòn giáng vào dòng chảy liên kết hai nước Mỹ - Trung, từ thương mại, công nghệ, cho đến visa, nếu Mỹ giáng đòn tiếp theo vào dòng vốn, đó sẽ là thách thức lớn hơn cả lên kinh tế Trung Quốc.
Bất chấp quy mô lớn thứ hai thế giới, kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống tài chính do Mỹ thống trị.
Ở Trung Quốc, một cuộc tranh luận ngày càng nóng đang diễn ra về cách mà nước này có thể chống chịu sức ép về tài chính.
Các công nhân đang lau logo của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) ở Bắc Kinh. Ảnh: AP. |
Mỹ nắm thế thượng phong
Các tranh luận bên trong Trung Quốc đang diễn ra dồn dập. Còn có lời kêu gọi doanh nghiệp Trung Quốc chuẩn bị cho nguy cơ bị từ chối dòng vốn từ quốc tế.
Cũng có người kêu gọi Trung Quốc phải đẩy nhanh việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số mới và hệ thống thanh toán toàn cầu mới với các nước thân thiện như Nga, Iran và Venezuela, sao cho các lệnh trừng phạt của Mỹ không thể với tới, theo Washington Post.
Những tiếng nói cứng rắn ở Trung Quốc đã nhắc lại vũ khí “muôn thuở” của Trung Quốc là bán 1.100 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ - một bước đi sẽ làm chao đảo cả kinh tế Mỹ lẫn Trung Quốc.
“Mỹ có lợi thế về hệ thống tài chính. Nhưng sẽ không duy trì được lâu, lợi thế có thể chỉ ngắn hạn. Chỉ càng buộc Trung Quốc phải đẩy mạnh phát triển hệ thống của riêng mình”, Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu, nói với Washington Post.
Theo Washington Post, dự luật yêu cầu công ty Trung Quốc minh bạch sẽ gây thiệt hại lớn - có thể ảnh hưởng tới 150 công ty và 1.200 tỷ USD giá trị vốn hóa phải dừng niêm yết. Tệ hơn nữa là viễn cảnh Mỹ giới hạn khả năng tiếp cận đồng USD của Trung Quốc, thứ Bắc Kinh cần để trả nợ và mua mọi mặt hàng, từ chip máy tính, dầu, ngũ cốc đến công ty nước ngoài.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc ở mức 3.100 tỷ USD - lớn nhất thế giới, nhưng “kho chiến tranh” này đã giảm 25% kể từ năm 2014 vì chính phủ muốn đẩy đồng tệ lên, theo Washington Post.
Ngược lại, ông Wang cho rằng các động thái từ Mỹ chỉ càng khiến Trung Quốc quyết tâm hơn với việc tạo ra không gian cho riêng mình, ngoài tầm với của sức mạnh tài chính Mỹ.
Khu trung tâm của Hong Kong vào ngày 27/4. Ảnh: Bloomberg. |
Tham vọng của Trung Quốc nhiều năm nay là quốc tế hóa đồng tệ, nhưng kế hoạch này đang tiến triển chậm, với chỉ 2% giao dịch toàn cầu được thực hiện bằng đồng tiền này.
Sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi blockchain là ưu tiên hàng đầu của quốc gia vào tháng 11/2019. Đến tháng trước, Trung Quốc thúc đẩy thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số mới ở vài thành phố, những bước chập chững để đến với mục tiêu cuối cùng: một ngày Trung Quốc được “tự do” khỏi đồng USD trong thanh toán quốc tế.
“Mỹ có thể giành lợi thế tạm thời, nhưng sẽ khắc sâu chia rẽ trên thế giới”, ông Wang nói. “Có thể họ sẽ phải hối tiếc”.
Cảnh sát chống bạo động bắt giữ người biểu tình ở Hong Kong ngày 27/5. Ảnh: Bloomberg. |
Sẽ có thêm các đề xuất khác gây sức ép lên Trung Quốc?
Washington Post nhận định hiện nay, Mỹ có thế thượng phong của đồng USD và hệ thống ngân hàng Mỹ có vai trò thiết yếu trên thế giới. Các ngân hàng Trung Quốc sẽ chao đảo nếu Mỹ cấm vận.
Thượng nghị sĩ Patrick Toomey (đảng Cộng hòa, bang Pennsylvania), người đề ra dự thảo Luật Tự trị Hong Kong tuần này, nói rõ rằng ông đã soạn thảo sao cho gây áp lực được lên ngành ngân hàng Trung Quốc, nhờ đó nhắm đến Bắc Kinh.
“Khi các nhóm lợi ích kinh doanh và tài chính nhận ra đó là công cụ mà (Mỹ) có thể sử dụng, tôi nghĩ sẽ có sức ép hoàn toàn mới lên chính phủ Trung Quốc” không được phá hỏng sự tự trị của Hong Kong, Thượng nghị sĩ Toomey nói với các phóng viên.
Kinh tế Trung Quốc “trong tương lai gần sẽ phụ thuộc vào đồng USD để giao dịch”, ông Toomey nói. “Vì vậy các lệnh trừng phạt mà chúng tôi đang đề xuất nhiều khả năng sẽ rất, rất mạnh trong thời gian dài”.
Hàng rào bao quanh tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc ở Hong Kong ngày 28/5. Ảnh: Bloomberg. |
Hiện nay, vẫn chưa rõ chính quyền Trump chuẩn bị tiến xa tới mức nào về mặt tài chính. Trả lời Fox Business trong tháng này, ông Trump từng do dự về việc buộc công ty Trung Quốc dừng niêm yết ở Mỹ, vì họ có thể chuyển sang niêm yết tại London và Hong Kong.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng các dự luật hiện rất khó đoán, hoàn toàn có thể tiến xa giữa bối cảnh mà thái độ, lập trường chống Trung Quốc trở nên ngày càng mạnh ở Washington.
Các đề xuất trên - giới hạn việc đầu tư của quỹ hưu trí, và yêu cầu công ty Trung Quốc minh bạch về kiểm toán - từng bị bác bỏ chỉ 8 tháng trước, nhưng tháng này, cả hai đề xuất trên lại tiến xa.
Một cựu quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết có thể sẽ có thêm các đề xuất khác gây sức ép lên Trung Quốc về tài chính. Trong bối cảnh căng thẳng hậu Covid-19, “mọi thứ có thể diễn ra chóng vánh đến mức đáng sợ”, nguồn tin này nói với Washington Post.
Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng các bài viết cảnh báo “chiến tranh tài chính” sẽ là thảm họa cho thế giới.
Tờ báo này cảnh báo cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới, không chỉ Mỹ và Trung Quốc. “Không ai biết rủi ro trên thị trường sẽ lan nhanh thế nào và gây ra những khủng hoảng gì”.
Wang Wen, giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Cửu ở Bắc Kinh, tin rằng chính quyền Trump sẽ không quá táo bạo, như cấm hẳn quỹ hưu trí đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc, vì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Phố Wall.
“Bản chất tìm kiếm lợi nhuận của dòng vốn vẫn sẽ coi Trung Quốc là một trong những thị trường được tìm đến nhiều nhất”, ông nói với Washington Post. “Ai mất thị trường Trung Quốc là mất đi tương lai”.