Điển hình là việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, ngang nhiên lập hai quận ở các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, và đặt “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể, ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Ngoài ra, tàu hải quân và hải giám Trung Quốc kể từ tháng 12/2019 cũng hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gây sức ép lên tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Petronas của Malaysia vận hành.
Trong khi đó, Mỹ liên tục điều tàu chiến tới Biển Đông thực hiện tuần tra tự do hàng hải, đưa máy bay ném bom B-1 bay qua khu vực. Ít nhất 7 tàu ngầm của Mỹ được điều tới hoạt động khu vực Tây Thái Bình Dương, theo tin từ một tờ báo Mỹ.
Trong một cuộc thảo luận online, các chuyên gia về an ninh cho rằng hành động của Trung Quốc nằm trong toan tính lâu dài muốn kiểm soát Biển Đông, được đẩy mạnh hơn mỗi khi tình hình quốc tế thuận cho Bắc Kinh. Trong khi đó, các phản ứng của Mỹ cho thấy Washington quyết liệt hơn ở Biển Đông. Nhưng một cuộc xung đột giữa hai siêu cường khó xảy ra.
Tàu Gabrielle Giffords (trước) hoạt động ngày 12/5 trên Biển Đông, gần tàu khoan West Capella do công ty Petronas của Malaysia vận hành. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Trung Quốc âm mưu kiểm soát Biển Đông
“Trung Quốc đang thúc đẩy dần kế hoạch kiểm soát vùng biển và không phận ở Biển Đông, là nỗ lực đã tiến hành nhiều năm nay”, theo Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
“Trung Quốc sẽ lấn tới khi tình hình quốc tế có lợi cho họ, và có thể tạm dừng khi tình thế không thuận... chúng ta đã thấy điều này trong quá khứ, hành động của họ (gần đây) không khác trước đây”, bà Glaser nói với các phóng viên ngày 27/5, tại một buổi trao đổi do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức.
Về các diễn biến gần đây, bà Glaser nhận định rằng việc xây dựng, quân sự hóa các đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập nhiều năm qua đã cho Trung Quốc “khả năng hiện diện thường xuyên” tại Biển Đông, để gây áp lực và can thiệp vào các hoạt động đánh cá, thăm dò dầu khí của các nước ven biển.
“Tàu (Trung Quốc) không phải quay lại đảo Hải Nam mà chỉ cần về một trong các căn cứ trên để tiếp nhiên liệu”, bà nói.
“Như vậy có lợi cho các hoạt động ‘vùng xám’ - tức dưới ngưỡng mà sẽ khiến các nước khác đáp trả bằng vũ lực, nhưng vẫn có tác dụng dọa nạt đối phương”.
Đá Subi, một trong các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP & AMTI. |
Với việc quấy nhiễu tàu khoan của Malaysia, Trung Quốc muốn gây áp lực, để các nước không tự khai thác dầu khí, mà phải khai thác chung với Trung Quốc, theo bà Glaser.
“Một số hoạt động quấy nhiễu của tàu hải cảnh Trung Quốc nhằm mục đích đe dọa không chỉ các nước khác, mà còn các công ty... nhằm gửi thông điệp là các công ty đang chịu rủi ro khi liên doanh khai thác”, bà nói thêm.
Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), có trụ sở tại Washington, cho biết Trung Quốc âm mưu khiến cho việc khai thác dầu khí trên Biển Đông của các nước ven biển trở nên tốn kém hơn.
“Chẳng hạn, Malaysia sẽ chịu chi phí lớn nếu cử nhiều tàu ra (giàn khoan)”, ông Poling nói trong một buổi tọa đàm gần đây về Biển Đông. “Có thể điều đó không khả thi nữa. Nếu đây là cuộc đọ sức về số tàu, Trung Quốc hơn về số lượng”.
Trung Quốc đặt ra các mục tiêu rất rõ ràng đến năm 2035 và 2049, bao gồm việc có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu và hiện đại hóa quân đội, theo bà Glaser.
Trong diễn biến gần đây, tại “Lưỡng Hội”, đại hội thường niên của giới lãnh đạo Trung Quốc, chi tiêu quốc phòng cho năm sau dự kiến tăng 6,6%, mức tăng đáng kể giữa lúc Bắc Kinh còn không đặt ra mục tiêu tăng trưởng, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, theo bà Glaser, các mục tiêu không thành văn của Trung Quốc ở Biển Đông cũng bao gồm “gây sức ép để các nước trong khu vực đáp ứng và ưu tiên lợi ích của Trung Quốc” và “dàn xếp các tranh chấp lãnh thổ có lợi cho mình”.
Đá Chữ Thập và đá Vành Khăn đang bị Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng, quân sự hóa trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AMTI. |
Mỹ quyết liệt hơn ở Biển Đông
Thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông là quyết liệt hơn, bà Glaser cho biết.
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, thông điệp chính của Mỹ là tự do hàng hải, hàng không, phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như mọi nơi trên thế giới. Nhưng dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ nhấn mạnh việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển, trong đó có quyền khai thác dầu khí và đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cách bờ 200 hải lý.
“Mỹ không chỉ giúp tăng cường năng lực để các nước thực hiện những quyền đó, mà còn lên tiếng ủng hộ và gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng các nước cần phải được thực hiện quyền hợp pháp của mình”, bà Glaser nói.
Bà nêu hai vụ việc cho thấy chính quyền Mỹ quyết liệt hơn, với đá Vành Khăn và với tàu USS America.
Vị trí 80 cấu trúc ở Biển Đông mà Trung Quốc mới đơn phương và ngang ngược "công bố tên gọi": màu đỏ là các cấu trúc mà Trung Quốc gọi là đảo, còn màu xanh là các cấu trúc chìm dưới mực nước biển. Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành động này. Đồ họa: Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao/từ Maritime Issues. |
Đối với đá Vành Khăn, thực thể nửa chìm nửa nổi không có lãnh hải 12 hải lý, chính quyền Tổng thống Obama trước đây không để tàu chiến hoạt động bên trong phạm vi 12 hải lý, mà chỉ đi qua không gây hại (innocent passage), tức có ý muốn tránh tranh cãi về lãnh hải.
Nhưng chính quyền Tổng thống Trump cho tàu chiến nán lại, thực hiện một số hoạt động, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, sử dụng trực thăng.
“Hàm ý của Mỹ là Trung Quốc không có lãnh hải 12 hải lý tại đây”, bà Glaser nói. “Hoạt động này rủi ro cao hơn vì ở gần các khí tài của Trung Quốc... có rủi ro Trung Quốc nổ súng”.
Về tàu đổ bộ USS America, được Mỹ điều tới gần khu vực có tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 (HD 8) của Trung Quốc, hoạt động ngoài khơi Malaysia, “đó là lần đầu Mỹ dùng tàu chiến để gửi thông điệp là Mỹ không muốn thấy hành xử đe dọa và bắt nạt (ở Biển Đông)”, bà Glaser nói.
“Tình hình sau đó dịu đi, nhưng hoàn toàn có thể dẫn đến khủng hoảng”, bà nói thêm, và nhắc lại năm 2014 khi giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm vùng biển Việt Nam, Mỹ đã không điều tàu chiến tới.
Khả năng xung đột Mỹ - Trung vẫn “rất thấp”
Biển Đông là một “sân khấu” trong cạnh tranh chiến lược rộng hơn và ngày càng nóng giữa Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh nhiều mặt như Đài Loan, Hong Kong, dịch bệnh Covid-19, chiến tranh thương mại, cũng như cạnh tranh công nghệ. Cụm từ “Chiến tranh Lạnh” đã trở nên phổ biến khi nhắc tới quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ muốn tránh xung đột quân sự, muốn giải quyết mâu thuẫn qua thương lượng, theo bà Glaser. Các mục tiêu của ông Tập Cận Bình sẽ bị chệch hướng nghiêm trọng nếu xảy ra xung đột, vì vậy Bắc Kinh sẽ dựa vào chiến lược “vùng xám” và các tàu dân binh.
Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). |
Về phía các nước khác, vấn đề Biển Đông cũng đang ngày càng được quan tâm. Ngoài Mỹ, còn có Nhật Bản, Pháp, Anh cũng điều tàu đi qua khu vực, có các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP). Australia vừa có cuộc diễn tập chung với Mỹ.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Biển Đông, thuộc Học viện Ngoại giao, chỉ ra xu hướng tích cực là các nước Đông Nam Á, nhất là các nước ven biển đang ngày càng dựa vào luật biển, nhất là phán quyết của tòa trọng tài năm 2016.
“Philippines giữ im lặng trong ba năm, thì đến năm nay đã đưa phán quyết trở lại trong chính sách của mình, thông qua một công hàm - tức nước này không từ bỏ phán quyết như các đồn đoán”, ông Sơn nói trong một buổi tọa đàm gần đây về Biển Đông.
“Việt Nam cũng nhắc tới phán quyết trong công hàm của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cũng nhắc đến phán quyết. Malaysia khi đệ trình lên Liên Hợp Quốc về ranh giới thềm lục địa cũng cho biết sẽ tôn trọng phán quyết. Indonesia khi phản đối việc Trung Quốc xâm phạm biển Natuna cũng nhắc đến phán quyết”.
Bình luận về các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) liên tiếp của Mỹ thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định FONOP là “cần thiết, nhưng chưa đủ” để khiến Trung Quốc thay đổi cách hành xử.
“FONOP không nhằm để giải quyết điều gì... không phải để thay đổi cách hành xử của Trung Quốc, mà là để ghi nhận rằng Mỹ không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc”, ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), có trụ sở tại Washington, nhận định trong buổi tọa đàm nói trên.
Bà Glaser chỉ ra rằng khi kết hợp các cuộc FONOP với máy bay ném bom B-1, "Mỹ đang muốn trở nên khó đoán hơn”.