Trước đó, lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ có bước đi hiếm hoi trong tháng này khi tuyên bố rằng tất cả tàu ngầm trên thực địa đang đồng thời “tập dượt phản ứng” ở Tây Thái Bình Dương, theo một thông cáo.
Thông điệp gửi đối thủ
Ngày 18/5, tờ Honolulu Star-Advertiser (Mỹ) thông tin thêm: “Ít nhất 7 tàu ngầm, có thể nhiều hơn, nằm trong nhiệm vụ này, bao gồm bốn tàu ngầm tấn công từ Guam, tàu USS Alexandria từ San Diego và các tàu khác từ Hawaii”.
Tờ báo bình luận động thái này diễn ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến nói Hải quân Mỹ đang gặp trở ngại tại đây, sau khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trở thành ổ dịch Covid-19 và phải dừng chân ở đảo Guam trong tháng 3.
“Khi Hải quân Mỹ công khai về sự hiện diện của các tàu ngầm vốn luôn ẩn vị trí, thường mục đích là để gửi thông điệp đến đối thủ”, tờ báo viết. Ngày 5/5, Hải quân Mỹ công bố bức ảnh cho thấy tàu ngầm Alexandria đang ở cảng Apra ở Guam.
Tàu ngầm Alexandria đang ở cảng Apra ở Guam. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Trong thông cáo, Hải quân Mỹ cho biết các hoạt động trên được thực hiện để ủng hộ chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành động mạnh mẽ trên Biển Đông.
Các tàu ngầm tấn công được trang bị ngư lôi, tên lửa hành trình Tomahawk, và cũng có thể tiến hành do thám.
“Chiến dịch của chúng tôi nhằm thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền tự do theo luật quốc tế”, Chuẩn đô đốc Blake Converse, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương, đóng ở Trân Châu Cảng, cho biết.
Thời gian qua, sự xuất hiện của các tàu Hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ ở Biển Đông cho thấy quân đội Mỹ dự định duy trì sự hiện diện trong khu vực và bảo vệ các lợi ích của Mỹ.
Dù Mỹ đã kết thúc chương trình hiện diện thường trực máy bay ném bom chiến lược ở Guam, các máy bay ném bom của Mỹ liên tiếp tái xuất, thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông, mới nhất là ngày 19/5, trước đó là ngày 15/5 và 28-29/4.
Thông tin B-1B thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông ngày 19/5 cũng được công bố cùng ngày với thông báo từ hải quân Mỹ về sự trở lại của tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt.
Theo Fox News, tàu sân bay hạt nhân Mỹ sẽ khôi phục hoạt động trong tuần này, sau gần 2 tháng neo đậu tại Guam vì bùng phát dịch Covid-19 với hơn 1.000 thủy thủ xét nghiệm dương tính.
Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1 của không quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông. Ảnh: Bộ tư lệnh Không quân Thái Bình Dương (PACAF). |
“Nhịp độ hoạt động mạnh” ở Biển Đông
Nhiều tuần nay, Mỹ đã liên tục chỉ trích Trung Quốc về các hành vi trên Biển Đông. Điển hình, trong cuộc họp báo ngày 5/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc đang lạm dụng cách hành xử hung hăng trên Biển Đông.
"Trong lúc Trung Quốc tăng tốc chiến dịch tung thông tin sai lệch để đổ lỗi và đánh bóng hình ảnh của họ, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy cách hành xử hung hăng từ phía PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) trên Biển Đông, từ đe dọa tàu hải quân Philippines đến làm chìm tàu cá của Việt Nam và đe dọa những nước khác không được tiến hành hoạt động phát triển dầu khí xa bờ", ông Esper trả lời báo chí.
Nhắc đến hai chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của tàu Hải quân Mỹ trước đó (USS Bunker Hill và USS Barry), ông Esper nói các hoạt động này “nhằm gửi thông điệp Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải và thương mại cho tất cả quốc gia dù lớn hay nhỏ, theo trang tin của Bộ Quốc phòng Mỹ”.
Tàu Gabrielle Giffords (trước) hoạt động ngày 12/5 trên Biển Đông, gần tàu khoan West Capella do công ty Petronas của Malaysia vận hành. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Reed Werner, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ chuyên trách khu vực Đông Nam Á, cho biết kể từ khi USS Theodore Roosevelt tạm ngừng hoạt động, các máy bay Trung Quốc đã ít nhất 9 lần quấy rối máy bay trinh sát của Mỹ trên Biển Đông. Trong thời gian tàu sân bay phải neo lại Guam, hải quân Mỹ và không quân Mỹ đã gia tăng hiện diện lực lượng ở khu vực.