Trong quá khứ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng có thời gian ưu tiên các lời lẽ mềm mỏng khi ứng xử các nước. Đến nỗi một người chỉ trích nặc danh đã gửi viên canxi đến các nhà ngoại giao đại lục, cùng bức thư mỉa mai họ hãy uống để “cho cứng xương”, trang Nikkei Asian Review dẫn một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc giấu tên.
Tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác hẳn, bài viết của Nikkei Asian Review bình luận. Chính sách đối ngoại cứng rắn và tỏ ra “trên cơ” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây khiến những nhà quan sát quốc tế kinh ngạc và gây chú ý với với cả người dân trong nước.
Giới quan sát phương Tây gọi kiểu hành xử này của Trung Quốc là “ngoại giao chiến lang”. Các quan chức ở Mỹ ngày càng tỏ ra cứng rắn để đáp trả trong khi các chuyên gia cảnh báo chiến lược của Bắc Kinh có thể bị "phản tác dụng" vì các hung hãng quá mức của các nhà ngoại giao.
Binh sĩ Trung Quốc diễu hành tại quảng trường Thiên An Môn. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc được cho là ngày càng quyết liệt hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Nikkei. |
Ngoại giao chiến lang
Một chỉ dấu cho thấy sự thay đổi thể hiện qua buổi họp báo cuối tuần trước của ông Vương Nghị, Ngoại trưởng kiêm Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại của Trung Quốc.
Khi đó, ông Vương không trả lời trực tiếp khi được hỏi rằng Bắc Kinh có phải đã từ bỏ chủ trương “thao quang dưỡng hối” hay không. "Thao quang dưỡng hối” nghĩa là che giấu ánh sáng, nuôi dưỡng bóng tối, ý nói "giấu mình chờ thời", một chính sách do cựu lãnh Đặng Tiểu Bình khởi xướng.
Thay vào đó, ngoại trưởng Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ Mỹ về những cáo buộc nước này che giấu thông tin trong dịch Covid-19.
Ông Vương Nghị không né tránh câu hỏi về "ngoại giao chiến lang" tại cuộc họp báo. Ảnh: Kyodo. |
Ông Vương Nghị cho rằng một loại “virus chính trị” đang lây lan ở Washington và đẩy quan hệ hai nước đến “bờ vực cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.
So với những người tiền nhiệm, ông Vương Nghị được nhìn nhận là “cứng rắn” hơn. Tại cuộc họp báo ngày 24/5, ông cũng không né tránh câu hỏi về phong cách lớn lối gần đây của các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Khi đó, một phóng viên CNN hỏi cho ông Vương Nghị: “Chúng ta đang chứng kiến những cuộc đấu khẩu ngày càng nóng giữa Trung Quốc và Mỹ. Phải chăng ‘ngoại giao chiến lang' là tiêu chuẩn mới của phong cách ngoại giao Trung Quốc”.
Đáp lại, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nhấn mạnh nước này “được công nhận là một quốc gia ôn hoà” trong lịch sử hàng nghìn năm.
Giới truyền thông Trung Quốc tỏ ra hào hứng khi tường thuật về cuộc họp báo ngày 24/5 của ông Vương, nhấn mạnh chi tiết rằng lần đầu tiên thuật ngữ “ngoại giao chiến lang” được đề cập trong một khuôn khổ chính thức như vậy.
Thuật ngữ này được mô phỏng theo tựa loạt phim hành động ăn khách “Chiến lang” do Trung Quốc sản xuất, ra mắt năm 2015 và 2017. Bộ phim đặc biệt thắng lớn ở thị trường nội địa trong phần hai vào năm 2017, nói về nỗ lực của một cựu sĩ quan Trung Quốc để giải cứu đồng đội ở một nước châu Phi đang trải qua nội chiến. Nhân vật chính trong phim thậm chí được so sánh như là “Rambo của Trung Quốc”.
Nhận xét về giọng điệu cứng rắn của các nhà ngoại giao Trung Quốc thời gian gần đây, bà Susan Shirk, học giả về Trung Quốc và là giám đốc Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 tại Đại học California, San Diego, nói rằng về lâu dài, giọng điệu của Trung Quốc đang gieo rắc sự nghi ngờ và gây tổn hại đến lợi ích của chính nước này.
Cũng vì sự leo thang như vậy, mọi thương lượng đều trở nên khó hơn, theo bà Shirk.
Tham vọng đuổi kịp Mỹ
Nikkei Asian Review nhận định năm 2017 chính là năm mà Trung Quốc tỏ rõ tham vọng đuổi kịp và vượt mặt Mỹ, ít nhất là về kinh tế, trong một tương lai không xa. Thời điểm này đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với chính sách chính trị nội bộ và quốc tế của Trung Quốc.
Bộ phim "Chiến lang" phần 2, ra mắt năm 2017, là một trong những phim có doanh thu lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Jiji. |
Mùa thu năm 2017, tại Đại hội đảng toàn quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu 2035 sẽ là năm mà Trung Quốc “cơ bản hoàn thành hiện đại hoá”. Giới quan sát nhìn nhận đây là tham vọng của Bắc Kinh để bắt kịp Mỹ.
Giấc mộng thậm chí được đẩy nhanh trước 15 năm, so với mục tiêu ban đầu là 2049, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nhà nước Trung Quốc hiện nay.
Ba năm qua, xã hội Trung Quốc như trải qua một tinh thần hưng phấn, theo nhận định của Nikkei Asian Review. Tình hình ấy giống như Nhật Bản trong giai đoạn Phục Hưng Minh Trị năm 1868, khi nước Nhật tham giao vào vũ đài quốc tế và người dân đồng lòng đoàn kết để đạt được mục tiêu chung về hiện đại hoá.
Và bộ phim “Chiến lang” phần 2 là một tác phẩm điện ảnh để hưởng ứng tinh thần của đại hội đảng năm đó.
Tuy nhiên, nhiều điểm "va chạm" giữa Trung Quốc với các nước, mà đặc biệt là Mỹ, cũng bắt nguồn từ thời điểm này.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày càng nhận thức rõ ràng về tham vọng của Trung Quốc. Do vậy, Washington bắt đầu áp dụng các biện pháp kiềm chế đại lục từ năm 2018 cả về kinh tế lẫn thương mại. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, bao gồm cả mặt trận giành vị thế thống trị về công nghệ, đã đạt được một giao kèo “đình chiến” bằng thoả thuận thương mại giai đoạn 1 hồi đầu năm nay.
Không ngại đối đầu với Mỹ
Tình hình chưa lắng dịu được bao lâu thì căng thẳng giữa hai bên tiếp tục bùng lên do đại dịch Covid-19. Bệnh dịch khiến Mỹ gánh thiệt hại nghiêm trọng về nhiều phương diện.
Trong hoàn cảnh này, chính phong cách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc khiến các quan chức tại Washington thêm nổi nóng, dẫn tới lệnh siết chặt xuất khẩu công nghệ Mỹ sang những tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc như Huawei, cũng như việc Mỹ quyết tâm truy trách nhiệm Trung Quốc trong đại dịch.
Trung Quốc vẫn khẳng định nước này không chủ động gây chiến với Mỹ.
“Trung Quốc không có ý định thay thế Mỹ. Đây là thời điểm mà Mỹ nên từ bỏ ý định thay đổi Trung Quốc, hoặc ngăn cản hành trình của 1,4 tỉ người dân chúng tôi tiến đến hiện đại hoá”, Ngoại trưởng Vương Nghị nói ngày 24/5.
Tuy nhiên, việc ông Vương sử dụng cụm từ “virus chính trị” trong thời điểm này vô cùng nhạy cảm, theo Nikkei Asian Review, khi mà số ca tử vong vì virus corona ở Mỹ đã vượt qua 100.000 người.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên là một trong những quan chức có các phát ngôn cứng rắn nhất khi đáp trả Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Trước tham vọng của Bắc Kinh, chính quyền Trump như đã sẵn sàng ứng phó, thể hiện qua một báo cáo mang tính báo động mà Nhà Trắng vừa công bố có tựa “Cách tiếp cận chiến lược của Mỹ với Trung Quốc”. Báo cáo này cho thấy Mỹ đang trong giai đoạn “đánh giá lại một cách cơ bản” về cách thấu hiểu và ứng phó với lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ở một mặt trận khác, các “chiến lang” Trung Quốc cũng đang mạnh bạo công kích Mỹ trong vấn đề Hong Kong.
Ngày 24/5, trong khi ông Vương Nghị họp báo ở Bắc Kinh, biểu tình nổ ra ở Hong Kong phản đối việc Trung Quốc ban hành luật an ninh mới ở đặc khu này. Cảnh sát Hong Kong đã bắn đạn hơi cay về dòng người biểu tình, 180 người bị bắt sau những cuộc đụng độ.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đe doạ sẽ ban hành những lệnh trừng phạt mới với Trung Quốc nếu dự luật an ninh cho Hong Kong được thực thi. (Tổng thống Trump hôm 29/5 tuyên bố ông bắt đầu thu hồi các đặc quyền thương mại của Hong Kong, nhằm đáp trả việc Nhân đại Trung Quốc thông qua luật an ninh cho đặc khu hành chính này).
Sau tuyên bố của ông O'Brien, một “chiến lang” quen thuộc của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên, đã đáp trả ngay lập tức. Sau khi ví lời cảnh báo của ông O’Brien như “sự ồn ào của một số chính khách Mỹ”, ông Zhao yêu cầu Mỹ không được can dự vào vấn đề Hong Kong.
“Cơ sở pháp lý cho chính quyền Hong Kong của chính phủ Trung Quốc là căn cứ vào Hiến pháp Trung Quốc và Luật Cơ bản, chứ không phải Tuyên bố chung Trung - Anh. Mà một lần nữa là tuyên bố này thì liên quan gì đến Mỹ?”, ông Triệu nói.
Đầu năm nay, cũng chính ông Triệu là người tung thông tin trên Twitter, đổ trách nhiệm cho quân đội Mỹ đã đem virus corona vào Vũ Hán.