Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Viên đạn bọc đường' hủy hoại cuộc sống của bạn

Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, nhiều người né tránh vấn đề bằng cách an ủi bản thân rằng mọi việc sẽ ổn, thay vì tìm cách giải quyết các khúc mắc để mọi chuyện ổn thỏa.

Tich cuc doc hai anh 1

Không dám đối mặt với những cảm xúc thật của bản thân, cố tỏ ra vui vẻ thái quá là một dạng tích cực độc hại. Ảnh: AIA.

Sự “tích cực độc hại” được hiểu là khi ta bắt bản thân phải tỏ ra tích cực trong mọi tình huống và chối bỏ mọi cảm xúc khác. Bất kể tâm lý đang bị tác động lớn đến mức nào, ta vẫn ép mình phải mạnh mẽ hoặc suy nghĩ tích cực để quên đi mối nguy hại đó. Ta bắt đầuvtrốn tránh nỗi buồn bằng nhiều cách khác nhau, dẫn đến việc sợ phải đối mặt với khủng hoảng tinh thần.

Tôi muốn đề cập tới tình trạng “tích cực độc hại” này vì chính tôi cũng từng suýt “chết chìm” trong những cảm xúc bị đè nén. Vào năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi tình cờ xem được nhiều đoạn phim tài liệu kể về những người đã tự kết thúc cuộc đời vì trầm cảm.

Có thể bạn đã biết, dấu hiệu của trầm cảm. không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy bằng mắt thường hay được bộc lộ ra bên ngoài. Nhiều người luôn tỏ ra hoạt bát và vui vẻ, nhưng không ai biết trái tim họ đang nhức nhối đến mức nào.

Tôi thường cảm thấy hụt hẫng sau mỗi lần đi chơi vì tiếc nuối và sợ phải quay lại guồng quay cuộc sống thường ngày. Mỗi lúc như thế, thay vì dành thời gian để bản thân từ từ thích nghi, theo kịp công việc thì tôi lại cuống cuồng lao vào những thứ mà mình bỏ lỡ. Với suy nghĩ “Mình vừa đi chơi về mà, mình phải cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ chứ”, tôi đã chìm đắm trong sự tiếc nuối hàng tuần liền và quên đi hạnh phúc trước mắt.

Có một vài dấu hiệu của sự “tích cực độc hại” mà chúng ta thường gặp phải như:

Luôn khuyên bạn bè xung quanh phải tích cực hoặc mạnh mẽ, dù người bạn đó vừa mới trải qua một cú sốc về tinh thần.

Luôn cho rằng những người tích cực xứng đáng được ngưỡng mộ hoặc tôn trọng hơn người khác.

Luôn biện hộ rằng phải có lý do gì đó nên “khủng hoảng” mới xảy ra, vì vậy bản thân không cần phải bận tâm quá nhiều.

Luôn che giấu cảm xúc thật, sợ người khác chê mình yếu đuối.

Luôn dùng câu “Mọi thứ sẽ ổn thôi” để giải quyết mọi việc, không dám nhìn thẳng vào sự thật ẩn sâu bên trong.

Coi thường những cảm xúc tiêu cực, hạ thấp những người có vấn đề về tâm lý.

Sử dụng câu nói “Không có gì phải buồn” thường xuyên như một thần chú để lảng tránh vấn đề, trong khi đón nhận nỗi buồn ấy mới là giải pháp hiệu quả nhất.

Luôn ép buộc mọi người phải nhìn vào mặt tích cực để cố gắng sau những khó khăn cùng cực.

Có nhiều dấu hiệu nghe hơi vô lý, nhưng hãy thử áp dụng vào trường hợp cụ thể. Ví dụ như khi một người bạn đang buồn vì mới lạc mất chú chó cưng, ta lại an ủi rằng: “Thôi đừng buồn, không phải lo đâu. Bạn vẫn có thể nhận nuôi chú chó khác mà.”

Cá nhân tôi thấy câu nói ấy không sai, nhưng chúng ta cần phải hiểu người bị tổn thương cần nhiều thời gian để chữa lành. Thay vì ép họ phải ổn lại ngay lập tức, ta cần để họ đau buồn và tiếc nuối cho đến khi sẵn sàng bước tiếp.

Tich cuc doc hai anh 2

Cuốn sách Kiên trì một bước, phía trước thành công. Ảnh: S.B.

Bạn đã hiểu vì sao tư tưởng tích cực này lại độc hại chưa? Nó khiến bạn coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Ví dụ, trong những trường hợp cần dùng cảm xúc để giải quyết vấn đề thì bạn lại chọn gác qua một bên, không màng tới nữa. Hậu quả là những mối “nguy hại” sẽ chẳng bao giờ được giải quyết triệt để.

Khi sự tích cực trở nên độc hại, bạn sẽ không muốn chia sẻ khó khăn của mình cho người khác. Từ đó, bạn luôn cô lập bản thân và tự ôm lấy nỗi khổ một mình cho rằng mình không cần đi tìm kiếm sự giúp đỡ. Dần dần, bạn sẽ nghĩ những cảm xúc buồn đau không đáng được coi trọng.

Tích cực độc hại sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề và cách giao tiếp của bạn. Trong một mối quan hệ, sẽ có những lúc bạn cần nói rõ cảm xúc của mình để đối phương thấu hiểu, thay vì nhắm mắt cho qua và tự dặn lòng rằng “Không sao đâu”. Nếu không thẳng thắn, hai bên sẽ chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề và bạn cũng không thể có được mối quan hệ như mình mong muốn.

Khi ép mình phải tích cực quá lâu, sẽ có những lúc bạn không kiểm soát được “nỗi buồn” bên trong mình nữa. Mọi suy nghĩ tiêu cực bị phóng đại, dường như bạn càng giống một kẻ thất bại hơn khi vừa không thể thoát khỏi nỗi buồn, vừa không có khả năng đối diện với nó.

Như một quả bom nổ chậm, cảm xúc của bạn đã bị dồn nén tới đỉnh điểm. Bạn liên tục phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo về cảm xúc tiêu cực cho tới một ngày chúng nổ tung.

[...]

23thang12/ Skybooks

SÁCH HAY