Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ và những bất an về tiền bạc

Ở ngưỡng cửa trưởng thành, bắt đầu đi làm và phải sống tự lập hoàn toàn, nhiều bạn trẻ bắt đầu xuất hiện những lo lắng xung quanh chuyện tiền bạc.

Kien tri de thanh cong anh 1

Với đồng lương ít ỏi khi mới ra trường, nhiều bạn trẻ phải chi tiêu tiết kiệm mới có thể chi trả hết các hóa đơn. Ảnh: Vinmec.

Với tôi, giàu là khi bạn biết cảm thấy đủ với những thứ mình đang có. “Đủ” không phải là an phận ở một chỗ, mà biết ơn với những gì bạn nhận được nhờ vào thành quả lao động của mình.

Tôi không muốn áp đặt suy nghĩ này lên bất cứ ai, vì chúng ta cần phải có sự khác nhau trong tư tưởng thì xã hội mới phát triển. Ở phần này, tôi cũng không cố định hướng cho các bạn về cách sống đúng đắn. Tôi chỉ muốn đưa ra quan điểm và góc nhìn của mình về tiền bạc và sự sung túc. Có thể qua bài viết này, bạn sẽ có thêm một sự lựa chọn khác ngoài việc nghe theo sự sắp đặt của người lớn.

Nhớ năm 16, 17 tuổi, tôi khao khát có công việc kiếm 500.000 - 1.000.000đ/ tháng. Làm công việc cực khổ cũng được, vì hồi đó tôi mới hiểu được tầm quan trọng của đồng tiền nên chẳng ngại khổ.

Mọi người thường nói mấy đứa trẻ chỉ biết ăn với học có gì đâu mà căng thẳng, có gì đâu mà lo nghĩ. Nhưng thực ra trong lòng tôi có rất nhiều nỗi sợ.

Tôi sợ học không đủ giỏi thì sau này không tìm được công việc ổn định. Tôi sợ nếu học sai ngành, mình sẽ lãng phí khoảng thời gian thanh xuân để làm những thứ không thích. Tôi sợ cuộc sống của người trưởng thành khiến mình tổn thương.

Chính xác hơn, tôi sợ cảm giác phải tiêu tiền của bố mẹ. Tôi sợ bị chì chiết vì không giỏi như người ta, không kiếm được vài chục triệu mỗi tháng làm bố mẹ nở mày nở mặt.

Chính vì họ luôn cho rằng một đứa trẻ chẳng có gì phải lo nghĩ nên thường quên mất giai đoạn “mới bước vào đời” quan trọng như thế nào. Tôi cảm thấy các bạn trẻ nên được dạy sâu hơn về giá trị của đồng tiền, giá trị của bản thân, cách kiếm tiền và những điều mình phải hy sinh để có được đồng tiền. Nhiều bạn vừa mới tốt nghiệp cấp 3 đã lao vào tìm cách kiếm tiền.

Những công việc họ kiếm được chỉ có mức lương 1.000.000 - 2.000.000 đồng một tháng mà chiếm quá nửa thời gian trong ngày, nhưng họ vẫn liên tục làm việc suốt mấy tháng trời. Dần dần, những công việc đó ảnh hưởng tới việc học, tình trạng sức khỏe, tâm lý và cuộc sống của bạn. Vài đồng đó thực sự chẳng đáng là bao.

Không phải bạn nào cũng may mắn tìm được công việc đúng ngành. Những bạn lớn lên ở các tỉnh xa đâu được học cách viết CV xin việc thế nào, phải bảo vệ sức khỏe bản thân ra sao. Đa số các bạn ấy đều phải đi làm công việc “bóc lột sức lao động” với mức lương siêu thấp. Cày ngày cày đêm, chắt chiu dành dụm, không dám tiêu xài cho bản thân. Nếu là bạn, bạn có đủ sức để duy trì không?

Càng lớn tôi càng hiểu rõ rằng: Đầu tư lời nhất là đầu tư cho chính mình. Ở độ tuổi 18, bạn có thể đi kiếm tiền nếu muốn. Nhưng bạn cũng cần hiểu rằng ngoài việc kiếm tiền, bạn nên đầu tư vào bản thân để có thể tự tin đề ra mức lương xứng đáng với kiến thức và khả năng của mình. Đầu tư ở đây chính là đầu tư về kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm. Bạn cần phải cân nhắc xem điều gì hợp lý, nên đánh đổi điều gì để nhận lại thành quả lớn hơn.

Kien tri de thanh cong anh 2

Cuốn sách Kiên trì một bước phía trước thành công. Ảnh: S.B.

Công việc hiện tại tốn quá nhiều thời gian đi lại, tiêu hao thể lực mà lương cũng chẳng được bao nhiêu, khiến bạn không thể tập trung để học hỏi những điều khác. Vậy liệu công việc ấy có đáng không? Khi công việc bào mòn sức khỏe và tinh thần quá lâu, dần dần bạn sẽ mất đi năng lực kháng cự và thay đổi. Nó giống như chất axit ăn mòn bạn ngày qua ngày.

Bạn sẽ bị suy nghĩ “Mình không có giá trị nào cả” xâm chiếm. Thế là người ta càng có cớ để bắt bạn làm nhiều hơn với mức lương ít hơn. Tới một ngày, bạn nhận ra những điều đó chẳng đáng nữa, tất cả những gì còn lại là sự tự ti, hối hận và trăn trở.

Tôi luôn ủng hộ việc vừa học vừa làm, vì khi đó bạn mới cảm nhận được giá trị của bản thân, mới biết được mình đang phát triển từng ngày. Hơn ai hết, tôi hiểu cái khổ của sự nghèo khó, tôi hiểu cảm giác tự ti và day dứt khi mình không có xuất phát điểm tốt. Nhưng bạn cũng cần cân nhắc tới hướng đi phù hợp để phân bổ được thời gian hợp lý, đừng để bản thân kiệt sức.

23thang12/ Skybooks

SÁCH HAY