Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Việc người Việt làm được thì không để nước ngoài làm'

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Những công việc lao động trong nước có thể làm được thì không để lao động nước ngoài vào làm".

Chốt phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chiều 19/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài đến Việt Nam, vừa tạo cơ chế thuận lợi nhưng phải chặt chẽ, đúng quy định, phù hợp với yêu cầu, ưu tiên giải quyết việc làm trong nước. Đồng thời, cần hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng bảo hiểm và nợ bảo hiểm. Những vi phạm trong lĩnh vực này bộ cần kiến nghị xử lý kiên quyết.

Công nhân làm việc tại khu kinh tế Vũng Áng.

Chỉ chấp nhận lao động có tay nghề

Trước đó, trả lời chất vấn thực trạng lao động nước ngoài vào Việt Nam, Bộ trưởng LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Trong 78.000 người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, có nhiều lao động phổ thông là người Trung Quốc.

Gửi tới Bộ trưởng mối quan tâm lo ngại của cử tri, đặc biệt là cử tri trẻ, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho biết: Trong khi hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong nước bị phá sản, dừng hoạt động, làm cho người lao động mất việc; hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, lại có tình trạng lao động nước ngoài không phép tiếp tục gia tăng.

“Đáng chú ý là tỷ lệ người lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, có cả những trường hợp vi phạm pháp luật của nước sở tại nhập cảnh vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau, kể cả đường mòn lối mở, chưa quản lý được”, đại biểu Hoàng hỏi.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền luận giải, Chính phủ có quy định rất rõ đối tượng được vào lao động ở Việt Nam là những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật phù hợp yêu cầu công việc. Nhưng thực chất có lao động không có chuyên môn nghiệp vụ nhưng vẫn có một số doanh nghiệp sử dụng được. Số này phần đông là họ đi theo con đường du lịch, và họ chỉ tham gia được giai đoạn đầu, tức là giai đoạn đầu tư xây dựng, phần đông là lao động Trung Quốc.

“Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội đã nêu rõ, tổng số lao động nước ngoài vào Việt Nam là 78.000,  lao động không có chuyên môn phần đông số ấy là của Trung Quốc... Chúng ta cũng phải giữ một nguyên tắc là chúng ta có nhiều lao động, chỉ đồng ý cho lao động chuyên môn, kỹ thuật vào mà không có, hoặc các chuyên gia mà chúng ta chưa đáp ứng thôi”, bà Chuyền nhấn mạnh.

Trách nhiệm chung

Về tình trạng để người lao động vào Việt Nam trái quy định, Bộ trưởng Chuyền giải thích,  Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với ngành công an để thực hiện việc kiểm tra các đối tượng này và phát hiện những đối tượng khai gian để xử lý, trục xuất theo đúng theo đúng quy định.

Theo Bộ trưởng, việc người lao động đó có vào được hay không thì ngành công an thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh. Ngoài ra có trách nhiệm của chính quyền địa phương quyết định cho phép lao động ấy có được vào địa phương của mình trên cơ sở các dự án cụ thể tại địa phương hay không. Đồng thời phải quản lý trực tiếp những đối tượng lao động này, nhất là quản lý tạm vắng, tạm trú.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/viec-nguoi-viet-lam-duoc-thi-khong-de-nuoc-ngoai-lam-785200.tpo

Theo Nguyễn Tuấn/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm