Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc giở 'chiêu trò' để không tuyển lao động Việt Nam

Thông tin UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận cho công ty Trung Quốc tuyển hàng nghìn lao động của họ vào làm việc tại địa phương vì không tuyển được lao động VN, khiến dư luận bức xúc.

Thông tin UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận cho Công ty China Chengda Engineering tuyển hơn 2.100 lao động Trung Quốc làm việc tại dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 với lý do không tuyển được lao động Việt Nam đang khiến dư luận bức xúc nhiều ngày qua.

Ngoài việc đăng tuyển mập mờ, phía công ty Trung Quốc còn nhiều chiêu để việc đăng tuyển gần như “hợp thức hóa”, trong khi lao động Trà Vinh đang rất cần việc làm.

Ngày 11/7, trở lại công trường Trung tâm điện lực Duyên Hải, chúng tôi ghi nhận có gần 10 trung tâm cung ứng lao động sẵn sàng cung cấp hàng trăm lao động cho các nhà thầu. Mặc dù các trung tâm này hoạt động chưa đúng quy định (chỉ có giấy phép của Sở Kế hoạch và Đầu tư, chưa có giấy phép của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) nhưng luôn có hàng chục đến hàng trăm lao động để cung ứng khi nhà thầu cần.

Lao động Việt Nam: nằm dài chờ việc

Gần công trường, chúng tôi gặp ông Trung, người đã và đang có hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam cho một nhà thầu Trung Quốc. Theo ông, kể từ khi công trường nhà máy đi vào hoạt động, công ty ông đã cung ứng cho nhà thầu này hơn 200 lượt lao động Việt Nam, trong đó có cả lao động phổ thông lẫn lao động tay nghề.

“Hiện có nhiều lao động đang ở công ty chúng tôi chờ việc, nhà thầu Tứ Xuyên cho biết chưa bố trí được công việc nên tôi đang nuôi tốp lao động này, chờ khi có việc để đưa họ vào nhà máy”, ông Trung nói.

Hơn 1.700 lao động Trà Vinh đang hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Trà Vinh, trong sáu tháng đầu năm, thông qua nhiều hình thức giới thiệu và giải quyết việc làm, tỉnh đã tạo việc làm mới cho gần 20.000 lao động, đưa 118 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, tỉnh đang phải trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 1.749 người với kinh phí hơn 10,6 tỉ đồng.

Theo cung cấp của ông Trung, cung ứng lao động cho các nhà thầu Trung Quốc và Việt Nam quanh khu công trường còn có tám công ty khác đang hoạt động. Cả công ty của ông Trung cùng những công ty này luôn có nguồn lao động từ vài chục người trở lên để cung cấp cho nhà thầu khi họ cần, nguồn lao động chủ yếu là lao động phổ thông nhưng lao động tay nghề và kỹ sư cũng có.

Tại công ty cung ứng lao động của ông Trung, chúng tôi cũng gặp nhóm lao động đang chờ việc ở công trường và một nhóm lao động vừa hết việc làm ở công trường trở về. Những lao động quê Trà Vinh này đang thất nghiệp nên tới công ty ông Trung “cầu cứu” xin vào công trường.

Anh Thạch Song (32 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) cho biết: “Chúng tôi ở nhà làm nông nhưng không đủ ăn nên vào công trường thông qua ông Trung để xin việc. Đã hai ngày ở đây nhưng nhà thầu Trung Quốc thông báo chưa có việc bố trí”.

Còn nhóm lao động vừa trở về từ công trường cho hay họ làm khoán cho một nhà thầu Trung Quốc được 20 ngày, giờ hết việc nên trở về tiếp tục chờ việc mới. Một trong số lao động này cho biết họ làm chung với nhiều lao động Trung Quốc thì thấy công việc, trình độ như nhau nhưng mức lương lao động Việt Nam hưởng chỉ 170.000 đồng/người/ngày, trong khi lao động Trung Quốc hơn 1 triệu đồng/người/ngày.

Lao động Trung Quốc tại công trường Trung tâm điện lực Duyên Hải
Lao động Trung Quốc tại công trường Trung tâm điện lực Duyên Hải

Tâm sự với chúng tôi về thông tin UBND tỉnh cho phép tuyển hơn 2.100 lao động Trung Quốc vào nhà máy, ông Trung bức xúc: “Trong khi lao động Việt Nam thất nghiệp chờ việc ở đây cũng rất nhiều mà lại đi tuyển lao động Trung Quốc. Nếu là chuyên gia, kỹ sư thì có thể chấp nhận, nhưng lao động phổ thông và lao động có nghề, có kinh nghiệm thì các công ty chúng tôi luôn có hàng chục đến hàng trăm người để cung ứng.

Ai đó nói không có lao động Việt Nam để cung ứng cho nhà máy thì quá vô lý. Chỉ riêng lao động phổ thông của khu vực xung quanh nhà máy, các huyện khác đang nộp hồ sơ xin việc cho chúng tôi còn đầy rẫy, cớ gì nói không có lao động”.

Theo UBND xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, việc trả lương thấp hơn cho lao động Việt Nam so với lao động Trung Quốc dù cùng công việc như nhau cũng là một trở ngại mà nhiều lao động địa phương không muốn vào làm ở công ty.

Làm khó trung tâm giới thiệu việc làm

Ông Trịnh Minh Hùng, giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Trà Vinh, bức xúc cho biết phía Công ty China Chengda Engineering có chuyển thông báo “Tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài (dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3)” cho Sở Lao động, Thương binh và Cã hội.

Sau đó, sở có chuyển thông báo qua trung tâm giới thiệu việc làm để đăng thông tin tuyển dụng. Lo công ăn việc làm cho người dân địa phương nên ông Hùng chuyển hàng chục hồ sơ ứng tuyển của lao động cho phía công ty tuyển dụng nhưng họ tìm cách “làm ngơ”.

Để cụ thể vụ việc, ông Hùng cho một nhân viên đại diện trung tâm, thường xuyên làm việc với các nhà thầu Trung Quốc tại công trường Trung tâm điện lực Duyên Hải, chia sẻ về những “chiêu trò” của công ty Trung Quốc. 

Theo nhân viên này, thông tin đính kèm các vị trí tuyển dụng của phía công ty Trung Quốc luôn mập mờ như tuyển “nhân viên kỹ thuật, nhân viên phòng thương vụ, nhân viên an toàn...” mà không nói rõ những thông số liên quan khiến trung tâm loay hoay trong thông tin đăng tuyển và cả người lao động tìm việc làm cũng không rõ.

Tuy nhiên, khi trung tâm chuyển hàng chục hồ sơ thì đợi mãi đến qua ngày phỏng vấn cũng không thấy phía công ty Trung Quốc trả lời, nhiều lần mời lên tận trung tâm lo miễn phí công việc tuyển chọn, phía công ty Trung Quốc cũng lẩn tránh. Đến khi có dịp, phía công ty Trung Quốc lại chuyển thông báo đăng tuyển khiến trung tâm bức xúc.

Theo một cán bộ làm xuất khẩu lao động, thông tin cho rằng lao động Trung Quốc sang Việt Nam làm việc là lao động có tay nghề, kỹ sư, chuyên gia là phần lớn thì rất khó hiểu. Trong khi Trung Quốc chiếm phần lớn thị trường xuất khẩu lao động qua Nhật, họ làm lương cao, công việc tốt...

“Nhưng hai năm trở lại đây, người lao động Trung Quốc cũng đã chê thị trường Nhật, không muốn đi xuất khẩu lao động qua Nhật, cớ gì họ lại bỏ xứ qua Việt Nam làm việc với mức lương thấp hơn, công việc khổ hơn. Nói như vậy để thấy rằng lao động Trung Quốc qua Việt Nam làm việc chủ yếu là lao động tay nghề, còn chuyên gia, kỹ sư thì nên xem lại”, vị cán bộ này bức xúc.

Tên người hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đã được thay đổi.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/617651/gio-chieu-tro-de-khong-tuyen-lao-dong-viet-nam.html

Theo Sơn Bình-Hồ Văn/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm