Đổi đời thành… tàn đời
Đầu tháng 7, anh Nguyễn Văn Đoàn (thôn Minh Hải, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) trở về quê sau những ngày dài khốn khổ ở Trung Quốc.
Anh nhớ lại: “Đầu năm 2013, tôi nghe bạn bè đi biển kháo nhau, sang Trung Quốc làm thuê được trả tiền công cao. Là lao động chính trong gia đình, một mình tôi phải nuôi bố mẹ già và 2 con nhỏ, vợ thì không có công ăn việc làm nên tôi quyết định đi thử một chuyến xem sao. Sau khi đưa 7 triệu đồng (chi phí đi lại) cho một phụ nữ (người môi giới - PV) ở Quảng Ninh, tôi và mấy người bạn được chị này dẫn sang địa phận Trung Quốc”.
Tại đây, anh Đoàn được xe ôm chờ sẵn chở lên xe ôtô khách. Cứ thế, đi qua vài chặng nữa thì đến được nơi làm. Anh Đoàn và nhóm bạn nhận làm thuê cho một cơ sở sản xuất dao do ông chủ người Trung Quốc quản lý, với mức lương 6 triệu đồng/tháng, mọi chi phí ăn, ở lao động phải lo.
Anh Nguyễn Văn Đoàn (trái) - thôn Minh Hải, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) nhớ về cơn ác mộng “xuất ngoại”. |
Do bất đồng ngôn ngữ nên các anh không biết nơi mình làm việc là địa phương nào, không nói chuyện được với người dân. Làm được hơn 1 tháng thì bất ngờ anh và các bạn bị cảnh sát bắt vì làm việc “chui” và giam giữ suốt 43 ngày mới được trả về nước mà không một đồng dính túi. May có một chủ xe khách thương tình cho đi xe miễn phí.
Ông Nguyễn Văn Sào - bố anh Đoàn kể: “Biết cho con đi như vậy là phi pháp, nhưng “đói quá thì đầu gối phải bò” thôi, biết làm thế nào được. Khi nghe con bị bắt, mọi người trong gia đình đứng ngồi không yên, chỉ sợ có chuyện chẳng lành xảy ra”.
Đau xót hơn cả là trường hợp của em Nguyễn Văn Dương (SN 1994, ở xã Ngư Lộc, Hậu Lộc) bị thiệt mạng khi làm việc tại Trung Quốc. Do không biết tiếng, không biết con mình làm việc ở đâu, gia đình em phải mất nhiều ngày mới mang được thi thể em về quê. Ông Nguyễn Minh Công - bác ruột Dương, tâm sự: “Vì nhà nghèo, không có điều kiện cho cháu đi học, thấy nhiều người đi “xuất ngoại” nên gia đình cũng cho cháu đi theo, nào ngờ…”.
Rộ lên trào lưu “đi Trung Quốc”
Ông Hoàng Văn Quý - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hậu Lộc cho biết, số lao động tự do xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc trên địa bàn huyện ngày một tăng. Đến ngày 31/5, huyện Hậu Lộc có 824 người đi lao động trái phép ở Trung Quốc, tập trung ở 6 xã ven biển: Ngư Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Đa Lộc và Hòa Lộc. Đến nay, đã có 489 lao động về nước.
Là một xã có số lao động “xuất ngoại” nhiều nhất trong tỉnh, ông Phạm Hồng Thái - Trưởng Công an xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương cho biết: Hiện, toàn xã có 514 người “xuất ngoại”, trong đó 195 người đã về nước. Họ suy nghĩ rất đơn giản, là sau vài năm lao động tại nước ngoài, sẽ có một khoản tiền kha khá để về quê xây nhà, lập trang trại, hoặc mở một cửa hàng buôn bán nhỏ…
Song đối với những người lao động xuất cảnh trái phép, “giấc mơ” đó quá ngắn ngủi. Qua môi giới, họ xuất cảnh chủ yếu bằng con đường visa du lịch hoặc vượt biên trái phép qua đường mòn, lối tắt. Các chế độ tiền lương, bảo hiểm, nơi ăn nghỉ… là do họ và chủ thuê lao động tự ý thỏa thuận.
Để bảo vệ lao động, ông Nguyễn Văn Luệ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết, đã kịp thời ngăn chặn không để tăng thêm số lao động xuất cảnh trái phép; đồng thời thông qua số lao động đã trở về nước để kêu gọi số lao động đang sống và làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, do thiếu việc làm, lao động vẫn phải ra đi. Vì vậy, bài toán cần thiết nhất hiện nay là tạo việc làm tại chỗ và có biện pháp xử lý đối với các cá nhân môi giới lao động đi lao động tự do tại Trung Quốc theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Thanh Hóa hiện có khoảng 5.000 lao động đi làm “chui” ở Trung Quốc, báo động về một lỗ hổng trong vấn đề quản lý lao động tại địa phương cũng như khẳng định tính kém hiệu quả trong vấn đề giải quyết việc làm lâu nay.