Chiều 28/8, tại cuộc họp báo Chính phủ, trước câu hỏi về con số 10.000 lao động Trung Quốc sắp tới Vũng Áng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm thông tin, đến 21/8, tại khu kinh tế này có gần 34.000 lao động đang làm việc. Trong đó Việt Nam có 30.438 người và nước ngoài 3.514 người.
Trong số này, Trung Quốc có 1.913 người, còn lại là từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Đa số lao động Trung Quốc ở đây đã được cấp phép, chỉ số ít đang làm thủ tục.
“Như vậy ta không bỏ sót hoặc không kiểm soát được đội ngũ lao động này”, ông Đàm nói.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Đối với riêng dự án Formosa, tổng số lao động lên tới gần 27.000 người. Tuy nhiên, ở đây chỉ có gần 1.800 người Trung Quốc.
Về thông tin 10.000 lao động Trung Quốc làm ở Formosa, ông Đàm cho hay, đây là con số kế hoạch nhu cầu dự kiến đề nghị xin tuyển của 29 nhà thầu theo tiến độ xây lắp công trình. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ xem xét quyết định theo từng thời điểm và tiến độ từng nhà thầu
Ngoài ra, theo báo cáo BQL Khu kinh tế Hà Tĩnh, quý IV/2014 và quý I/2015, nhà thầu cần 4,5 đến 5 vạn lao động trong đó có khoảng 8.000 người nước ngoài. Còn đến thời điểm này, số lao động không phải là 10.000 người.
“Con số hàng vạn lao động là người Trung Quốc không biết là từ đâu ra nhưng chúng tôi khẳng định đây không phải là con số xác thực”, Thứ trưởng Đàm khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Lao động cho biết thêm, Chủ tịch UBND các tỉnh có thẩm quyền cấp phép cho từng nhà thầu, dự án một cho lao động nước ngoài. Việc này đang được thực hiện rất nghiêm túc và đang từng bước kiểm soát được. Việc cấp phép phân định trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài được thực hiện tương đối chặt chẽ.
Thông tin từ phiên họp Chính phủ tháng 8 cho thấy, nhiều tín hiệu nền kinh tế đang trên đà phục hồi đồng đều, tăng trưởng nhiều mặt, có mặt tăng trưởng cao trên cả 3 khu vực GDP, công nghiệp và dịch vụ.
GDP tăng trưởng 5,54%. Kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đồng tiền ổn định, xuất khẩu duy trì được tốc độ (duy trì 1,7 tỉ USD).
Thống kê tới tháng 8 cho thấy số DN thành lập mới khoảng 47.500, giảm khoảng 9,5% nhưng tăng về số vốn đăng ký. Bình quân mỗi DN tăng khoảng 6 tỷ. Bên cạnh đó có khoảng 40.000 DN đóng cửa, không hoạt động, ngừng hoạt động hoặc phá sản.
Tuy nhiên, một số điểm chưa khiến Chính phủ an tâm là nợ xấu, tín dụng chưa chuyển biến tốt dù đã có chỉ đạo quyết liệt. Tổng cầu chưa có chuyển biến khả quan.