Phát biểu trước báo giới chiều 1/7 tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam vừa đương đầu với khó khăn thách thức vốn có của nền kinh tế chung vừa đối phó với hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan.
Sự việc diễn ra đã 2 tháng và theo lời Thủ tướng là đã "gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo ông Nên, kinh tế tiếp tục có bước tăng trưởng khá trên mọi lĩnh vực. GDP bình quân đến nay tăng 5,18%, đặc biệt tăng trưởng CN vẫn tăng đều...
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Về những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nổi bật là con số giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ. Đặc biệt, sự cố gây rối doanh nghiệp tại một số địa phương, trong đó có doanh nghiệp FDI vừa qua đã gây thiệt hại về vật chất và ảnh hưởng nhất định đến sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, Chính phủ đã thống nhất 2 mục tiêu cần quan tâm, chỉ đạo. Thứ nhất là nỗ lực cao nhất bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng các biện pháp hòa bình; thứ hai là đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội - không để tái diễn tình trạng manh động như vừa qua - để giữ vững mục tiêu tăng trưởng.
Trước câu hỏi về các giải pháp ứng phó với "tình huống xấu trên Biển Đông", Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cho hay, Việt Nam đã có chủ trương từ đầu trong các mối quan hệ là luôn nêu cao đường lối độc lập tự chủ. Việt Nam không tập trung quá mức vào một thị trường nhằm hạn chế tác động từ các tình huống xấu.
Vì thế, khi Trung Quốc có hành vi xâm phạm, qua rà soát, Chính phủ đã đánh giá lại những giải pháp đã làm trước kia và thúc đẩy nhanh hơn.
"Đến giờ này, Chính phủ đã nghe báo cáo, kể cả tình huống xấu nhất là khả năng Trung Quốc hạn chế biên giới, cao hơn là rút tổng thầu, doanh nghiệp về nước. Trong các tình huống thì sự ảnh hưởng phải không quá lớn đến mức chúng ta không giải quyết được", ông Nên thông tin về ý kiến của nhiều lãnh đạo phương tại phiên họp Chính phủ vừa kết thúc trước đó ít phút.
Nói thêm về việc tránh phụ thuộc vào một thị trường, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, khẳng định, những bất ổn trên Biển Đông "là cú hích để Việt Nam bắt buộc làm và làm nhanh hơn để khi có tình huống xấu nhất vẫn đối phó được".
Cũng theo người phát ngôn của Chính phủ, trong cuộc họp các thành viên Chính phủ tiếp tục lên án hành động trái với đạo lý, pháp lý và quan hệ hữu nghị của Trung Quốc. Việt Nam kiên trì giải pháp hòa bình và tiếp tục đấu tranh để bạn bè thế giới hiểu chính nghĩa của Việt Nam.
"Ban bè quốc tế nhắc Việt Nam không nên có bất cứ sơ hở nào, vì sẽ dễ rơi vào âm mưu của Trung Quốc. Vì cho đến nay, Trung Quốc vẫn có những lời lẽ vu khống trắng trợn, rằng Việt Nam có hành vi quấy phá", Bộ trưởng Nên nói.
Chính phủ cũng đang cho chuẩn bị hồ sơ pháp lý để cân nhắc vào thời điểm thực sự cần thiết thì khởi kiện. Việc này đã tiến hành từ lâu và Chính phủ vẫn tiếp tục giao nhiệm vụ này cho các cơ quan chức năng tập hợp, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía.
Liên quan tới đề nghị của Tập đoàn Formosa về việc lập đặc khu tại Vũng Áng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên thông tin, đây là dự án kinh tế lớn, chủ đầu tư là người Đài Loan. Sau sự cố giữa tháng 5, đến giờ này, hầu hết các công nhân đã trở lại làm việc.Nhà đầu tư người Đài Loan vừa qua có đề nghị có thêm chính sách đặc thù, tập trung là thủ tục hành chính, để thuận lợi cho họ. "Nói Formosa xin lập đặc khu kinh tế là không đúng, mà họ xin cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư phát triển khu vực này theo dự án đề ra với thiện chí tốt. Nhưng pháp luật của ta không có quy định điều đó, nên ta không đồng ý", ông Nên nói.