Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Doanh nghiệp Trung Quốc bị ép rút về nước'

"Các doanh nghiệp Trung Quốc đều không muốn về mà muốn tiếp tục ở lại làm ăn vì môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam rất thuận lợi", Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng nói.

Bên hành lang Quốc hội chiều 10/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chia sẻ với báo chí xung quanh thông tin Trung Quốc cấm các doanh nghiệp nhà nước tham gia đấu thầu dự án mới tại Việt Nam.

- Thông tin Trung Quốc cấm doanh nghiệp đấu thầu mới dự án vào Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới các dự án của ngành giao thông tới đây như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Thông tin này tôi mới đọc được trên báo chí, chưa có nguồn chính thức. Tại Việt Nam, hiện có rất nhiều nhà đầu tư của các nước khác nhau chứ không chỉ có Trung Quốc. Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng, an ninh chính trị ổn định. Đồng thời, chúng ta cũng xây dựng một nền kinh tế có hội nhập nhưng phải đảm bảo độc lập tự chủ, không lệ thuộc vào bất cứ nước nào.

Việc Trung Quốc cấm các DNNN tham gia đấu thầu dự án mới tại Việt Nam nếu có thì trước hết là họ bị thiệt. Vì họ vào đầu tư trên cơ sở hội nhập làm ăn, 2 bên cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Làm như thế là tự anh làm khó anh, làm khó cho doanh nghiệp của anh, tự loại đi một thị trường tốt.

Còn với Việt Nam, việc này chẳng ảnh hưởng gì cả vì anh không tham gia thì các nhà thầu nước ngoài khác tham gia. Nhà thầu Việt Nam cũng đủ mạnh để thực hiện các dự án giao thông hiện nay. Việc tiếp cận khoa học công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế thì ngành giao thông là tiếp cận tốt nhất. Công nghệ làm cầu, đường giờ các nước tiên tiến, phát triển làm như nào thì ta cũng làm như vậy.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bộ trưởng Thăng: Nếu anh dừng không sang thì chúng tôi tuyên bố chấm dứt hợp đồng đơn phương và sẽ mời các nhà thầu khác vào.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Nếu doanh nghiệp Trung Quốc dừng triển khai dự án, không trở lại thì chúng tôi tuyên bố chấm dứt hợp đồng đơn phương và sẽ mời các nhà thầu khác vào". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Nhiều dự án trọng điểm tại Việt Nam do các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, thực hiện. Lợi thế của các nhà thầu nước này là luôn bỏ thầu với giá thấp nhất nên thắng thầu trong hầu hết các dự án. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Thực ra không phải là rất nhiều. Trong lĩnh vực giao thông có 9 nhà thầu Trung Quốc với 17 gói thầu, tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng tiền vốn đang thực hiện ở Việt Nam. Trong đó đã thực hiện được gần một nửa.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đang sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho vay nên tất nhiên là các nhà thầu của họ được tham gia. Với các dự án khác khi họ chỉ là nhà thầu thuần túy, kể cả là Chính phủ Trung Quốc không cấm mà doanh nghiệp làm không tốt chúng ta cũng đuổi.

Việc nhà thầu rút hay không hoàn toàn không ảnh hưởng đến Việt Nam. Bộ đã yêu cầu các nhà thầu hoàn thành tiến độ. Còn trường hợp nào đó doanh nghiệp Trung Quốc dừng không quay trở lại thì chúng tôi sẽ tuyên bố chấm dứt hợp đồng đơn phương.

Anh rút ra thì phần anh đang làm dở không thanh toán được. Chúng tôi sẽ đưa các nhà thầu khác vào làm và thậm chí họ còn làm nhanh hơn.

"Vốn đầu tư cho giao thông hiện tại từ rất nhiều nguồn khác nhau, vốn của  Trung Quốc là phần rất nhỏ. Đầu tư ODA lớn nhất cho Việt Nam và cho giao thông hiện nay là Nhật Bản. Ngành giao thông luôn rất chủ động. Việc thị trường đầu tư, anh này rút, anh kia ngừng tham gia đều có phương án hết" - Bộ trưởng Thăng.

- Có ý kiến lo ngại, nếu Chính phủ Trung Quốc cấm doanh nghiệp của họ đấu thầu, đầu tư dự án tại Việt Nam thì Việt Nam sẽ không còn được hưởng nguồn vốn và công nghệ giá rẻ của nước này?

- Nguồn vốn của Trung Quốc chưa chắc đã phải là rẻ vì người ta cho mình vay thì người ta phải có lãi. Mình cũng phải tính toán nếu thấy có lợi mới vay. Trên cơ sở mối quan hệ đôi bên cùng có lợi thì mình mới làm.

Còn bây giờ như tôi đã nói, người ta rút không cho vay nữa mình cũng sẵn sàng. Chúng ta không ngại gì cả, không chỉ với nhà đầu tư Trung Quốc mà với tất cả các nhà đầu tư khác cũng vậy, mình phải chủ động.

Thực ra, chính các nhà thầu, doanh nghiệp Trung Quốc đều không muốn về mà muốn tiếp tục ở lại làm ăn vì môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam rất thuận lợi. Chính họ cũng nói với tôi mong muốn như vậy nhưng do vấn đề sức ép mà họ phải về nước.

- Thời gian qua, có nhiều ý kiến đề nghị có biện pháp để ràng buộc, không hẳn cứ rẻ là trúng thầu. Chính phủ đã tính tới việc này thế nào?

- Hiện Chính phủ và Quốc hội đã ban hành sửa đổi luật Đấu thầu. Tiêu chí giá rẻ không quyết định việc chọn nhà thầu mà còn phải xét về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật công nghệ…

Bộ trưởng Thăng: "Việt Nam chủ trương xây dựng một nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhưng không phụ thuộc bất cứ nước nào, trên cơ sở 2 bên cùng có lợi, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau. Nhà thầu Trung Quốc hay nhà thầu nước nào rút thì cũng có đơn vị khác thay thế. Chúng ta đã có cơ chế bảo vệ trước rồi".

Thanh Tuyền ghi

Bạn có thể quan tâm