Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp TP.HCM sẽ giảm phụ thuộc Trung Quốc

Tìm cách giảm bớt phụ thuộc Trung Quốc về đầu ra lẫn nhập khẩu nguyên, phụ liệu, để tránh bị ảnh hưởng dài hơi là nội dung cuộc họp của doanh nhân tại TP.HCM chiều 9/6.

Chiều 9/6, Chủ tịch UBND TP. HCM, ông Lê Hoàng Quân đã chủ trì buổi họp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất.

TP. HCM bắt đầu chuyển hướng

Theo báo cáo của ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM tại cuộc họp chiều nay, về cơ cấu xuất khẩu, ông Khoa cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ TP. HCM vào Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đạt gần 840 triệu đô la Mỹ, giảm 4,4% so với cùng kỳ.

Dự kiến sẽ có một số mặt hàng bị tác động mạnh nếu tách khỏi thị trường Trung Quốc.
Dự kiến sẽ có một số mặt hàng bị tác động mạnh nếu tách khỏi thị trường Trung Quốc.

Các mặt hàng chính của thành phố vào thị trường Trung Quốc như máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử đạt 275 triệu đô la mỹ (giảm gần 30% so với cùng kỳ), gạo đạt gần 110 triệu đô la mỹ (giảm 4,6%) và đây là mặt hàng có sự chuyển dịch thị trường mạnh trong năm 2014, trước đây thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung ở Philippines, Trung Quốc và Indonesia, nhưng hiện nay chuyển dịch mạnh sang thị trường Mỹ.

Chỉ có hai mặt hàng thành phố xuất sang Trung Quốc tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm là hàng rau quả, xuất sang Trung Quốc đạt 98 triệu đô la mỹ, tăng 116% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm của mặt hàng rau quả của thành phố. Ngoài ra, hàng dệt may thành phố xuất sang Trung Quốc đạt 56,2 triệu đô la mỹ với mức tăng 76,3% so với cùng kỳ.

Đi sâu vào phân tích tác động thương mại giữa TP. HCM và Trung Quốc về cơ cấu nhập khẩu, ông Khoa nhận định khi giao thương giữa TP. HCM và Trung Quốc xấu đi thì sẽ có những khả năng ảnh hưởng và có sự chuyển dịch một số mặt hàng như sau: hàng máy tính điện tử do các tập đoàn lớn sản xuất tại thành phố không bị ảnh hưởng lớn (trong đó công ty Intel xuất khẩu đến 90%); đối với mặt hàng gạo thì Trung Quốc chiếm tỉ trọng 15,7% hàng gạo từ thành phố xuất sang thị trường này nhưng do doanh nghiệp chủ động chuyển hướng sang Mỹ nên mức độ ảnh hưởng cũng sẽ không lớn.

Còn đối với hàng rau quả, vì Trung Quốc là thị trường trọng điểm (Trung Quốc chiếm 50% lượng tiêu thụ hàng rau quả) nên dự báo sẽ bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt là rau quả tươi.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương mới đây thì trái vải Việt Nam xuất sang Trung Quốc khoảng 50.000 tấn mỗi năm nhưng hiện nay có dấu hiệu thương lái Trung Quốc dừng mua, ông Khoa cho hay.

Trong trường hợp xấu đi thì doanh nghiệp kinh doanh rau quả của thành phố sẽ chuyển sang thị trường Malaysia, Campuchia, Singapore nơi các điều kiện xuất khẩu gần TP. HCM về mặt địa lý, chi phí vận tải không cao. Còn mặt hàng gạo thì ngoài Trung Quốc ra thì còn có Malaysia, Ấn Độ nên mức độ ảnh hưởng xuất khẩu gạo dự kiến sẽ bị ảnh hưởng giảm khoảng 3-4% kim ngạch.

Về nhập khẩu, ảnh hưởng lớn sẽ là nhóm doanh nghiệp trong nước. Thành phố có khoảng 70% doanh nghiệp sản xuất hàng gia công lệ thuộc nguyên liệu phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc, do vậy khả năng sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Chỉ trừ các doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức FOB thì mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn. Trong trường hợp xấu, có thể doanh nghiệp sẽ chuyển sang nhập nguyên liệu từ các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan … Tuy nhiên, nếu chuyển sang các thị trường này thì khả năng chi phí nhập nguyên liệu sẽ tăng 10-15% và thời gian nhập nguyên liệu cũng sẽ kéo dài hơn.

Chẳng hạn như nguyên phụ liệu da giày thì TP. HCM đang nhập từ Trung Quốc chiếm tỉ trọng đến  24,1%. Nếu chuyển sang nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản thì chi phí nhập nguyên liệu cũng tăng từ 7-10% so với nhập từ Trung Quốc, ông Khoa nêu.

Còn thuốc trừ sâu thì TP. HCM cũng đang nhập rất nhiều từ Trung Quốc nên nếu chuyển sang các thị trường khác thì chi phí sẽ tăng lên, kéo theo giá thành sản phẩm tăng, giảm khả năng cạnh tranh.

Còn đối với hàng nông sản, thực phẩm, dự báo nếu doanh nghiệp thành phố không xuất sang Trung Quốc và chuyển sang thị trường khác thì cũng bị sụt giảm sản lượng 20% . Đối với hàng dệt may, da giày nếu chuyển sang nhập thị trường khác thì kim ngạch nhập từ Trung Quốc sẽ giảm 10%.

Nếu ảnh hưởng tiêu cực, thì trong 6 tháng cuối năm 2014, thành phố sẽ bị giảm 0,52% kim ngạch xuất khẩu, tức giảm khoảng 160 triệu đô la mỹ (dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu TP. HCM năm 2014 đạt gần 30 tỷ đô la mỹ). Trong trường hợp xấu nhất thì kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong năm 2014 sẽ bị sụt giảm 310 triệu đô la mỹ (mức sụt giảm khoảng 1,03% tổng kim ngạch xuất khẩu), ông Khoa dự báo.

Trước các tác động trên, ông Khoa đề xuất các doanh nghiệp tại thành phố hoạch định lại chiến lược kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp mà tỉ trọng xuất khẩu, nhập khẩu lớn ở một thị trường, chẳng hạn như Trung Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp chiều nay, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM, thực tế cho thấy các đơn hàng xuất khẩu những tháng đầu năm nay không thiếu, thậm chí phải giảm bớt đơn hàng nội địa để tập trung cho đơn hàng xuất khẩu.

Đối với ngành chế biến gỗ, ông Hạnh cho biết hiện nay nguồn cung gỗ trong nước từ gỗ rừng trồng đã thỏa mãn 50% nhu cầu sản xuất xuất khẩu. Gỗ nhập từ các nước có sự quản trị rừng bền vững chiếm 50% như Mỹ, châu Âu, còn lại Việt Nam chỉ nhập gỗ từ Trung Quốc khoảng 300 ngàn đô la Mỹ mỗi năm và một số ít các phụ kiện như rây trượt, tay nắm tủ, ổ khóa nên không bị ảnh hưởng nhiều. Năm nay ngành chế biến gỗ dự kiến xuất khẩu đạt lên đến 6,5 tỷ đô la mỹ (tăng 500 triệu đô la mỹ so với dự kiến đầu năm nay).

'Doanh nghiệp Nhà nước cần tăng năng lực cạnh tranh'

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, doanh nghiệp Nhà nước đang đứng trước yêu cầu thể hiện vai trò nòng cốt trong nền kinh tế bằng năng lực cạnh tranh theo quy luật thị trường.

Cần hơn nữa sự hỗ trợ của Nhà nước

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM, trong tháng 5 vừa qua, các khu vực biên giới tăng cường mua gạo xuất tiểu ngạch từ Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước cũng dè chừng hơn bởi lo ngại tình hình biển Đông, lo ngại rủi ro, không muốn bán.

Nếu đứng ở góc độ tiểu thương xuất khẩu gạo, mặc dù doanh nghiệp có nhiều thị trường khác nhau chứ không chỉ riêng gì Trung Quốc, nhưng nếu có chuyện gì xảy ra thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo thành phố có thể bị sụt giảm 20% lượng xuất khẩu nếu tách thị trường Trung Quốc.

“Tôi đề nghị nhà nước có sự chuẩn bị trước về chính sách dự trữ gạo. Bởi tôi thấy nếu sản lượng sụt giảm 20-30% nếu có tính toán trước thì giá gạo cũng không bị hạ. Bên cạnh đó, chưa bao giờ chúng tôi cần vai trò của nhà nước như lúc này trong việc xúc tiến thương mại bởi chúng tôi đâu có đủ vốn xúc tiến thương mại, vừa qua chúng tôi chỉ toàn tự bơi, tự làm công tác xúc tiến thương mại”, bà Chi đề nghị với lãnh đạo UBND thành phố.

Cũng theo bà Chi thì thời gian qua doanh nghiệp lương thực thành phố đã bỏ qua nhiều cơ hội bán gạo cho thế giới. Do vậy, chính trong giai đoạn khó khăn này thì doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, trong đó vai trò của nhà nước hỗ trợ là rất quan trọng.

Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP. HCM, doanh nghiệp nhựa thành phố đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, trong đó phụ thuộc đến 90% máy móc Trung Quốc và 80% nguyên phụ liệu, vật tư phụ trợ ngành nhựa đều nhập từ Trung Quốc.

Mặc dù vậy, ông Việt Anh cũng cho rằng trong khó khăn cũng có phần cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nếu ngân hàng mở rộng cửa hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phụ trợ sản xuất ống đồng, bảng nhựa … Nếu doanh nghiệp có thêm ưu đãi về thuế thì họ sẽ đẩy mạnh sản xuất thay vì nhập hầu hết từ Trung Quốc.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho biết qua làm việc với một số doanh nghiệp người Hoa tại thành phố, đại diện một số doanh nghiệp cho biết nhập khẩu nguyên liệu của ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo ông Quân, doanh nghiệp thành phố cần nghiên cứu mở thêm thị trường mới, thị trường trung gian.

Về góc độ quản lý nhà nước, ông Khoa, Giám đốc Sở Công Thương đề xuất nhà nước tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu như vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nguyên phụ liệu thuốc trừ sâu, sắt thép cũng như xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng rau quả, cao su, gạo…

Cũng theo ông Khoa, nhà nước cần tiếp tục ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may được hưởng ưu đãi vay vốn từ nguồn vốn kích cầu, ưu đãi các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ tại các khu công nghiệp. Ông Khoa nêu kiến nghị Chính phủ có chính sách nhanh hơn đối với tình hình hiện nay, chẳng hạn như giảm thuế nhập khẩu các nguyên phụ liệu các ngành như dệt may nếu như phải chuyển thị trường làm chi phí tăng, số ngày nhập khẩu dài hơn, ông Khoa nêu.

Thực tế, từ khi Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp dệt may, da giày đã bắt đầu tính tới chuyện nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước ngoài Trung Quốc để được hưởng lãi suất ưu đãi. Sự căng thẳng với Trung Quốc hiện nay là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình này.

Trong năm 2013 Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc 13,2 tỷ đô la mỹ, nhập khẩu 36,9 tỷ đô la mỹ. Cán cân nhập siêu từ Trung Quốc 23,7 tỷ đô la mỹ. Theo đó, Trung Quốc đang có lợi thế về xuất khẩu hàng sang Việt Nam hơn là Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

 

Mối nguy dự án tổng thầu EPC rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc

Hàng loạt dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC thời gian qua đã khiến dư luận giật mình vì sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng trong nước.

http://www.thesaigontimes.vn/116045/Doanh-nghiep-TPHCM-ban-cach-giam-phu-thuoc-vao-thi-truong-TQ.html

Theo Văn Nam/Thời báo Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm